Ngày 25/2, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa bị cáo Hsu Minh Jung (tức Saga, SN 1975, người Đài Loan) – nguyên Tổng giám đốc công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái cùng 6 bị cáo đồng phạm ra xét xử theo trình tự phúc thẩm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty Khải Thái.
Trước đó, Saga bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án tù chung thân về tội danh trên.
Cùng chung số phận pháp lý, các bị cáo đồng phạm là Phan Kiện Trung (SN 1984, trú tại phường Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) bị tuyên phạt 20 năm tù; Nguyễn Mạnh Linh (SN 1987, trú tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), nguyên GĐ công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái lĩnh 20 năm tù; Đoàn Thị Luyến (SN 1987, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội), nguyên GĐ phụ trách chi nhánh Charmvit, công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái lĩnh 15 năm tù.
Bị cáo Tăng Hải Nam (SN 1975, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội), nguyên GĐ phụ trách chi nhánh Lotte, công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái lĩnh 14 năm 6 tháng tù; Đinh Thị Hồng Vinh (SN 1985, trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội), nguyên GĐ phụ trách CN Plaschem công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái lĩnh 14 năm tù; Trịnh Hoàng Bình (SN 1975, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), nguyên Kế toán trưởng công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái lĩnh 4 năm tù.
Theo tài liệu của cơ quan tố tụng, có hơn 700 người là bị hại trong vụ án này. Cho rằng bản án sơ thẩm xét xử chưa thỏa đáng, cả bị cáo và bị hại đều có đơn kháng cáo. Đây cũng chính là lý do mở phiên tòa theo trình tự phúc thẩm ngày hôm nay.
Tuy nhiên, tại phần thủ tục phiên tòa, do vắng mặt luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Kiện Trung, chiếu theo quy định của pháp luật hình sự, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên, VKS đã đề nghị hoãn phiên tòa. Đồng thời cơ quan công tố cũng chấp nhận đề nghị của luật sư và những người bị hại là cần thiết triệu tập thêm các điều tra viên, kế toán trưởng, thủ quỹ trưởng phòng của công ty Khải Thái để làm rõ những vấn đề, tình tiết liên quan đến vụ án.
Trước tình huống phát sinh này, rất nhiều người bị hại không đồng tình, đồng thời đề nghị HĐXX vẫn cho xét xử vụ án. Lý do nhiều bị hại đưa ra là vụ án kéo dài quá lâu, gây mệt mỏi, tốn kém cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều người ở nhiều tỉnh thành khác nhau, không quản đường xá xa xôi để tới tham dự phiên tòa.
Nhiều bị hại cho biết, sau khi Saga bị bắt, nhiều gia đình đã lâm vào cảnh khốn cùng, nợ nần chồng chất, nhiều cặp vợ chồng đã phải kéo nhau ra tòa ly hôn. Có bị hại bức xúc nói: “Bố tôi mất 4 năm nay chưa có tiền bốc mộ, đề nghị tòa xử nhanh cho chúng tôi”.
Trước sự bức xúc của các bị hại, vị chủ tọa đã giải thích: “Việc luật sư bào chữa cho bị cáo vắng mặt do đang phải cấp cứu là tình tiết mới phát sinh tại tòa, chứ không phải HĐXX muốn thế. Theo quy định của pháp luật, bị cáo Trung buộc phải có luật sư bào chữa, việc vắng mặt luật sư sẽ không đủ điều kiện để tiếp tục mở phiên tòa”.
Sau đó, HĐXX đã tiến hành hội ý và quay trở lại tuyên bố hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho các bên. Thời gian mở lại phiên tòa sẽ được HĐXX thông báo sau.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2011, công ty Khải Thái được thành lập với trụ sở chính tại Hà Nội và đã mở dịch vụ để khách hàng tự chơi vàng tài khoản (vàng ảo) trên một sàn giao dịch.
Sau đó, do hoạt động này không mang lại hiệu quả nên từ tháng 12/2012, Hsu Minh Jung đưa ra loại hình kinh doanh mới là huy động tiền gửi của khách hàng dưới hình thức ủy thác đầu tư.
Và để tạo niềm tin của mọi người, đối tượng người Đài Loan đã đưa ra các thông tin gian dối về hoạt động kinh doanh của công ty Khải Thái gắn với những lĩnh vực như kinh doanh vàng tài khoản, ngoại hối, bất động sản, khách sạn, ô tô…
Ngoài ra, Hsu Minh Jung còn chỉ đạo nhân viên chủ chốt trong doanh nghiệp dùng nhiều hình thức quảng cáo và tư vấn trực tiếp về khả năng sinh lời cao của doanh nghiệp để mọi người “rót” tiền vào công ty Khải Thái.
Với thủ đoạn trên, trong giai đoạn 2012-2014, Hsu Minh Jung cùng 6 đồng phạm đã huy động trái phép hơn 280 tỷ đồng tiền vốn của 717 khách hàng. Qua đó, các đối tượng chiếm đoạt hơn 264 tỷ đồng.