Bác đơn kháng cáo, y án sơ thẩm với bị cáo Đoàn Văn Vươn về tội "giết người", "chống người thi hành công vụ"
Tại phiên phúc thẩm, các bị cáo đều cho rằng hành vi của mình là phòng vệ chính đáng không phạm tội như bản án sơ thẩm, quy kết. Các bị cáo phủ nhận lời khai tại cơ quan điều tra, cho rằng bị ép, mớm cung tuy nhiên đều công nhận lời khai tại phiên toà sơ thẩm. Các vật chứng đều thừa nhận đã mua để chống lại tổ công tác số 3.
Vươn khai nhận là người thông báo cho các bị cáo về việc 19,3ha đầm bị cưỡng chế, tuyên bố chuyển snag vụ án hình sự. Chỉ đạo chống lại, mua súng… Bị cáo đã nhờ Vệ mua súng. Bị cáo là người chuẩn bị kíp nổ, mua súng, đạn chì để giao cho Quý sử dụng. Trước đó ở nhà bị cáo cũng có súng. Bị cáo từng tham gia quân đội biết rõ vị trí an toàn nên đã hướng dẫn Quý đặt mìn và nhồi đạn nổ để không gây nguy hiểm.
Còn bị cáo Quý khai, do bức xúc đã đặt mìn, 2 bao đá kích nổ. Bước đầu đặt gần nhà 20m, sau đó Vươn yêu cầu 40m. Trước khi kích nổ bị cáo có nghe loa kêu gọi và thấy một số người mặc quần áo công an. Trực tiếp chĩa súng bắn vào tổ công tác từ cửa sổ. 7-1-2012 đã đầu thú. Trước ngày cưỡng chế có nhờ Vệ mua súng hoa cải nhưng Vệ không mua được nên đã trả tiền cho bị cáo.
Sịnh khai có biết và không đồng ý việc cưỡng chế đầm, có tham gia 1 lần bàn bạc, có tham gia làm hàng rào.
Bị cáo Vệ không thừa nhận biết việc mua súng chống lại đoàn cưỡng chế nên đã nhận tiền mua súng. Chiều 8-12-2011, Quý yêu cầu mang súng về nhưng biết là mua súng chống đoàn cưỡng chế nên dừng lại và mang tiền trả lại.
Thương biết chuyện chống đoàn cưỡng chế nhưng là phụ nữ nên không được tham gia bàn bạc, dựng hàng rào. Báu mua xăng, trải rơm.
Trong khi đó, các luật sư bào chữa cho các bị cáo đều cho rằng toà sơ thẩm làm không đúng, hoạt động của tổ 3 không phải thi hành công vụ, đồng thời đề nghị huỷ án sơ thẩm, tuyên các bị cáo không phạm tội, trả tự do ngay tại tòa
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa luận tội, việc toà sơ thẩm xử các bị cáo là có căn cứ, không oan. Một số lời khai của các bị cáo tại phiên phúc thẩm về cơ bản phù hợp với lời khai tại phiên sơ thẩm, phù hợp sơ đồ hiện trường… đã thể hiện rõ nội dung vụ án.
Ngày 29-11-2011, nhận quyết định cưỡng chế, Vươn thông báo với gia đình và tuyên bố chuyển vụ án hành chính sang hình sự. Sau đó, Vươn, Quý, Sịnh, Thái, Thoại bàn bạc chống lại lực lượng cưỡng chế bằng cách 5 hàng rào, sử dụng bình gas và rơm để đốt, mìn kích nổ để kích nổ, mua súng để bắn vào đoàn cưỡng chế. Vệ khi được nhờ đã nhận tiền mua súng nhưng không mua được đã trả tiền.
Sáng 5-1-2012, phát hiện đoàn cưỡng chế vào, Quý cho kích nổ mìn, khi tổ công tác đến hàng rào 2, Quý nấp ở trong nhà bắn 2 phát về phía tổ cưỡng chế…
Đại diện VKS đưa quan điểm về 5 nội dung kháng cáo: Về điều tra truy tố xét xử không đúng thẩm quyền. Cho rằng thuộc quân đội là không đúng và đã được Chánh án TAND tối cao xác định.
Cơ quan điều tra vi phạm tố tụng khi tiến hành lấy lời khai: Hồ sơ vụ án thể hiện rõ các bị cáo tự nguyện viết, ký tên và không có mớm cung, bức cung và cũng có biên bản có người bào chữa.
Hành vi sử dụng mìn không chết người, giám định không chính xác: tại phiên phúc thẩm các giám định viên đã giải thích rõ cơ chế hoạt động và sát thương của loại súng cùng đạn 2,5, 3,5 và 8,5mm. Khi sử dụng 2 khẩu súng bắn vào khoảng cách 30m đều có thể gây chết người nếu trúng vào khu vực nguy hiểm. Vươn đã tham gia quân đội ý thức rõ việc sử dụng súng và mìn nguy hiểm đến tính mạng nên yêu cầu chon mìn cách 40m, bắn trước 20m là hoàn toàn phù hợp với kết luận giám định.
Hoạt động của tổ 3 không phải công vụ, không thi hành công vụ: là thành viên được ghi trong kế hoạch tổ chức cưỡng chế, tổ 3 được giao nhiệm vụ an toàn cho vụ cưỡng chế và phòng chống cháy nổ. Các CBCS được phân công làm nhiệm vụ. Tại toà làm rõ họ không mang dụng cụ nào để thực hiện hành vi thu hồi, phá dỡ, không xâm hại. Quý tấn công bằng súng và mìn nên không thể là phòng vệ chính đáng. Từ đó, xác định công tác giữ gìn ANTT, đảm bảo an toàn cưỡng chế này là hoạt động công vụ.
Hành vi không phạm tội như bản án sơ thẩm: xét hành vi nổ mìn và bắn súng. Tại toà Quý thừa nhận đã nổ mìn và bắn 2 phát vào tổ công tác. Việc Quý nổ mìn bắn súng có sự tham gia của Vươn, Sịnh, có sự giúp sức của Vệ. Tại phiên sơ thẩm và phúc thẩm Vệ khai không biết mua súng nên nhận lời và khi biết đã không mua và trả lại tiền. Vệ có biết việc bị cưỡng chế và đã nói nhờ mua súng. Do đó lời khai của Vệ không được thừa nhận. Vươn, Quý khai chỉ dùng đạn 2,5-3,5mm nhưng khi thu tại hiện trường là đạn kích thước 8,5mm, dùng để bắn thú. Vị trí bắn cách từ 13-14m. Càng nói lên hành vi cố ý bắn súng có tính chất nguy hiểm cao. Việc bị hại không chết là ngoài ý muốn.
VKS đưa ra quan điểm các bị cáo đồng phạm tội giết người như bản án sơ thẩm là đúng người, đúng tội, không oan. Hành vi chống người thi hành công vụ Thương và Báu biết rõ kế hoạch, trực tiếp dùng cách thức cản trợ việc giữ gìn ANTT. Hành vi này là đồng tội chống người thi hành công vụ.
Đại diện VKSND Tối cao nêu rõ, tại phiên tòa phúc thẩm, cả 6 bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ mới nên đề nghị HĐXX phiên tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo của các bị cáo, không giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo.
Trước khi tòa tuyên án, trong lời nói cuối cùng tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Vươn đã đề nghị HĐXX xem xét lại toàn bộ vụ án vì bị cáo cho rằng do việc làm tắc trách của chính quyền huyện Tiên Lãng trong quyết định thu hồi khu đất đầm 19,3 ha đã khiến bị cáo và người thân lâm vào bước đường cùng. Còn bị cáo Sịnh bày tỏ sự hối hận trước những hành vi vi phạm pháp luật của bản thân bị cáo cũng như các em của bị cáo. Bị cáo Sịnh đã đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo và các em của bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng để sớm được trở về với gia đình.
Bị cáo Vệ đề nghị HĐXX xem xét lại hành vi phạm tội của bị cáo và mức án 2 năm tù giam ở phiên tòa sơ thẩm vì quá nặng. Bị cáo Thương, Báu cũng bày tỏ mong muốn HĐXX giảm án cho những người thân của bị cáo bị truy tố về tội “Giết người” để họ sớm về với gia đình.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên không chấp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo Vươn, Quý, Thương, Hiền và giữ nguyên mức 5 năm tù giam về tội giết người, theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ Luật Hình sự, đối với bị cáo Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý. Phạm Thị Báu bị 18 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 36 tháng; Nguyễn Thị Thương bị 15 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 30 tháng về tội Chống người thi hành công vụ quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 Bộ Luật Hình sự.
Riêng kháng cáo của Đoàn Văn Sịnh (SN 1957) và Đoàn Văn Vệ (SN 1974) đã được Tòa chấp nhận. HĐXX đã tuyên Sịnh từ 3 năm 6 tháng tù xuống còn 2 năm 9 tháng tù giam; Bị cáo Vệ từ 2 năm tù xuống còn 19 tháng tù giam, đều về tội theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ Luật Hình sự.
Phương Mai