Tôi đã từng được nghe nhiều người kể về mảnh đất kỳ lạ tại nơi cao nhất của núi rừng Hòa Bình, nơi hầu hết mọi người đều có tuổi thọ cực kỳ cao, sống tới trăm tuổi vẫn khỏe mạnh là chuyện bình thường. Những câu chuyện ấy khiến tôi không khỏi tò mò. Nhân chuyến công tác, nhân lúc còn thừa thời gian, tôi mượn chiếc xe máy của anh bạn rồi “đơn phương độc mã” tìm lên cái xứ sở trường thọ ấy một lần cho biết.
Đường lên Lũng Vân chẳng khác nào đường lên trời. Mây trắng bảng lảng, thi thoảng gió đưa mây lướt thướt vào người khiến tôi cứ ngỡ rằng mình đang ở chốn bồng lai tiên cảnh.
Mất khá nhiều thời gian tôi mới đặt chân được lên đến mảnh đất trường thọ mà theo nhiều người đồn đại là xứ nghèo truyền kiếp, các gia đình vẫn phải chạy ăn từng bữa, thế mà các gia đình ở đây lại có tuổi thọ sánh ngang với… đất trời.
Để tìm hiểu rõ về tuổi thọ của người dân nơi đây, tôi tìm đến gặp phó chủ tịch UBND xã Lũng Vân là ông Hà Văn Khuê. Sau cuộc trò chuyện vui vẻ, ông Khuê giới thiệu tôi tới gặp ông Đinh Thanh Dững – trưởng hội người cao tuổi ở Lũng Vân.
Lần giở cuốn sổ ghi chép về những người cao tuổi ở Lũng Vân, ông Dững cho biết: “Tuy xã chúng tôi về kinh tế thuộc dạng nghèo của huyện những người dân nơi đây lại có tuổi thọ ít nơi nào có được. Hiếm có nơi nào lại được nhiều lụa của Chủ tịch nước tặng người sống hơn 100 tuổi như ở đây. Cả xã chưa đầy 400 nếp nhà sàn thì đã có tới hơn 30 cụ sống vượt qua một thế kỷ. Số người trong độ tuổi “thất thập cổ lai hi” có quá nhiều. Những người từ 80-90 tuổi thì có tới hàng trăm và hàng chục người đang trong độ tuổi gần 100. Đặc biệt cụ Đinh Thị Hệu là người sống xuyên 3 thế kỷ. Cụ sinh năm 1899, thọ 112 tuổi và vừa qua đời năm ngoái”.
Điều đáng nói của những người trường thọ ở Lũng Vân dù tuổi cao nhưng vẫn hết sức minh mẫn, nhanh nhẹn chứ không hề ốm đau hay bệnh tật suốt ngày nằm một chỗ, con cháu phải chăm sóc.
"Xứ sở thần tiên" Lũng Vân. (Ảnh: Internet)
Nhiều người đến Lũng Vân thấy cuộc sống nơi đây còn khó khăn, nhưng nhiều cặp vợ chồng lại sống với nhau đến bách niên giai lão thì hết sức ngạc nhiên. So với mực nước biển thì Lũng Vân có độ cao gần nghìn mét. Đây là thung lũng cao nhất trong khu vực. Khí hậu nơi đây chia làm hai mùa rõ rệt mùa đông và mùa hè. Ông Dững chỉ về phía sườn đồi rồi bảo, ở ngoài đó nếu mùa hè nhìn thì nắng nóng thế đấy nhưng khi đo nhiệt độ chỉ có khoảng 22 độ C, tối đến có thể phải đắp chăn bông. Còn đến mùa đông thì rất lạnh”.
Ông Dững từng chứng kiến cảnh băng tuyết ở ngay thôn bản của mình. Đó là một buổi sáng sớm ông thức dậy khi băng tuyết đã rơi ngập mái nhà, các vũng nước bên con suối đều bị đóng băng. Rét làm cho con trâu cũng không chịu được mà ngã xuống, ấy vậy mà những người già nơi đây vẫn không hề hắt hơi sổ mũi.
Để minh chứng cho những điều ông vừa nói, ông Dững dẫn tôi đến nhà bà Hà Thị Ỉ, năm nay vừa tròn 100 tuổi.
Bước lên ngôi nhà sàn của cụ, chúng tôi được người con trại cụ là Hà Văn Đoài năm nay cũng đã hơn 70 đón tiếp. Khi hỏi cụ Ỉ đâu thì bác cho biết cụ đang đi trộn cám cho lợn ăn ở ngoài sân.
Quả thật khó tin khi tiếp xúc với cụ Hà Thị Ỉ dù đã ở tuổi bách niên nhưng chân tay cụ vẫn thoăn thoắt. Tiếp chuyện, dù tiếng Kinh của cụ không được sõi cho lắm nhưng tôi hỏi câu nào cụ đều trả lời câu đó một cách minh mẫn.
Bác Đoài con trai cụ cho biết, hằng ngày cụ vẫn thường dậy từ sớm, nấu nướng cơm nước cho cả nhà, lo thức ăn cho đàn vịt, khi nào rảnh thì cuốc bộ đi thăm mấy người trong bản. Nhiều khi bảo cụ nghỉ ngơi cụ lại bảo ngồi không chồn chân chồn tay không chịu được. (Còn nữa)
Ngọc Tú