Là một trong 10 phân ngành quan trọng của công nghiệp hóa chất, phân bón được định hướng để phục vụ nền nông nghiệp xanh, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Việc sử dụng những loại phân bón thân thiện môi trường không chỉ giúp áp dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, mà còn phải nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, giúp cây trồng kéo dài tuổi thọ và an toàn cho người sản xuất.
Hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi xanh ngành phân bón, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trò chuyện với TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam.
Xuất khẩu phân bón vẫn còn khiêm tốn
NĐT: Xin ông đánh giá khái quát về tình hình tổng quan của ngành phân bón của Việt Nam hiện nay?
TS. Phùng Hà: Nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng 10,5 - 11 triệu tấn các loại mỗi năm. Về tình hình nhập khẩu, nhìn chung trong 10 năm trở lại đây, nước ta nhập khẩu khoảng 3,5 – 4 triệu tấn phân bón vô cơ. Trong đó, Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm gần 50% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
So với cơ cấu nhập khẩu, xuất khẩu mặt hàng này có phần “lép vế", ở khoảng vài trăm nghìn tấn đến dưới một triệu tấn mỗi năm trong 10 năm gần đây. Tuy nhiên do nguyên nhân khách quan, từ việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nhằm bảo đảm nhu cầu sử dụng trong nước cũng như xung đột địa chính trị trên thế giới nên từ năm 2022 lượng xuất khẩu phân bón của Việt Nam ghi nhận tăng vọt. Theo đó, năm 2022 xuất khẩu đạt 1,7 triệu tấn, năm 2023, đạt 1,55 triệu tấn, kim ngạch đạt 649 triệu USD.
Về thị trường, phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, riêng thị trường này đã chiếm khoảng 38% - 40% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước năm 2023.
NĐT: Trong bức tranh chung của ngành phân bón, bảo vệ môi trường đang đóng vai trò như thế nào, thưa ông?
TS. Phùng Hà: Bảo vệ môi trường hiện nay không còn là điều kiện cần, mà là điều kiện đủ để ngành phân bón phát triển. Lý do bởi phân bón là một trong mười phân ngành của ngành hóa chất, quá trình sản xuất phân bón có sử dụng nhiều loại hóa chất, mà đặc điểm của hóa chất là tính nổ, tính cháy, tính oxy hóa, tính tích lũy sinh học, …
Do đó, khi sản xuất phân bón rất dễ gây ra ô nhiễm môi trường sinh thái, từ khí thải, nước thải, chất thải rắn.
Do ngành phân bón có rất nhiều nhóm sản phẩm, từ urea đến DAP, phân bón chứa lân, NPK, phân bón chứa lân có supe lân, lân nung chảy, NPK cũng nhiều công nghệ, từ trộn cơ học, đến vê viên bằng đĩa, bằng thùng quay, tháp cao, urea nóng chảy,… nên mỗi nhóm sẽ có những đặc điểm ảnh hưởng đến môi trường khác nhau. Vì vậy sẽ rất khó để có một giải pháp tổng thể về môi trường cho tất cả các nhóm ngành, nhưng để giải quyết vấn đề môi trường, tôi cho rằng các doanh nghiệp sản xuất phân bón đều phải tuân thủ những quy định chung nhất.
Đó là cố gắng nâng cao trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp, cần đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất, phương thức quản lý để phát triển các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, tất cả các nguồn thải, từ nước thải đến khí thải đều phải xử lý và đáp ứng tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Riêng với chất thải rắn, chất thải nguy hại phải được thu gom và xử lý theo đúng quy định về bảo vệ môi trường hiện hành.
Song song với đó, các doanh nghiệp cũng cần thực hiện lắp đặt hệ thống máy móc đúng yêu cầu kỹ thuật đảm bảo an toàn lao động. Đồng thời thực hiện lắp đặt các thiết bị xử lý thải, trạm quan trắc tự động và online giúp việc giám sát của cơ quan chức năng với hoạt động nhà máy chặt chẽ hơn.
Xanh hóa ngành phân bón
NĐT: Xu hướng xanh đang hiện hữu ở mọi ngành nghề với mục tiêu chung là giảm phát thải và tác động của hóa chất độc hại, giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Theo ông, ngành phân bón đã chuyển mình như thế nào trước xu thế trên?
TS. Phùng Hà: Hiện nay xu thế “xanh” được con người hướng tới trong nhiều lĩnh vực, kinh tế xanh, nông nghiệp xanh, hóa học xanh… có mặt ở mọi ngành nghề.
Nông nghiệp xanh là mô hình nông nghiệp vừa đáp ứng được nhu cầu lương thực của người dân vừa không gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe. Đây là cách phương pháp tiếp cận nông nghiệp mới nhằm đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe con người.
Điểm then chốt của giải pháp này là cân bằng giữa phát triển sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Nông nghiệp xanh chú trọng vào việc áp dụng các phương pháp canh tác thông minh, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm góp phần giảm thiểu khí phát thải nhà kính góp phần chống biến đổi khí hậu.
Chính vì vậy, để giảm phát thải khí nhà kính trong ngành phân bón nội địa cần phải nhắm vào cả lĩnh vực sản xuất lẫn sử dụng. Trong đó, riêng sản xuất phân bón thì hợp chất amoniac, nguyên liệu quan trọng trong sản xuất cũng chính là yếu tố gây phát thải khí nhà kính lớn nhất, khi amoniac được sản xuất chủ yếu từ nguồn khí thiên nhiên, thuộc dạng năng lượng không tái tạo. Việc sử dụng quá dư phân bón chứa nitơ sẽ làm tăng nồng độ CO2 trong khí quyển, NO2 tác động lên hiện tượng nóng lên toàn cầu mạnh gấp 280 – 300 lần so với khí CO2.
Chính vì vậy nên trên thế giới người ta đang nghiên cứu sản xuất amoniac xanh với giá cả hợp lý hơn hiện nay trong nước đang có Dự án sản xuất amoniac xanh tại Trà Vinh sử dụng điện mặt trời, điện gió. Để thấy xu thế xanh đã đi vào từng thành tố nhỏ nhất của ngành phân bón.
NĐT: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về các biện pháp giảm thiểu khí nhà kính trong sản xuất phân bón?
TS. Phùng Hà: Với xu thế phát triển bền vững, giảm thiểu khí nhà kính trong thời gian qua, các nhà sản xuất phân bón trên toàn cầu đã có các biện pháp giảm đáng kể lượng khí nhà kính thải ra bầu khí quyển, trong đó có carbon dioxit từ quá trình sản xuất đồng thời liên tục nỗ lực để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm tối đa.
Về sử dụng phân bón, tại nước ta bà con nông dân đã được hướng dẫn sử dụng phân bón hợp lý theo nguyên tắc “5 đúng”: Đúng loại, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng thời vụ, đúng cách bón sẽ góp phần tăng hiệu suất sử dụng phân bón, tránh lãng phí và giảm ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT Việt Nam đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ triển khai thí điểm Dự án Phân bón đúng tại một số tỉnh của Việt Nam.
Sử dụng phân bón một cách hợp lý vừa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cân đối của cây trồng, vừa duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất, bảo vệ môi trường sinh thái, vừa không để lại dư lượng độc hại trong nông sản, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, an toàn với người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất phân đạm ure hiện đều đã triển khai việc thu hồi lượng carbon trong khói thải nhà máy để làm nguyên liệu sản xuất phân đạm, nhờ đó, sản lượng ure của nhà máy tăng thêm đồng thời giảm được lượng khí carbon phát thải vào không khí.
Bên cạnh đó còn một số các biện pháp được sử dụng ở nước ta là sử dụng các loại phân bón hoặc các chất có tác dụng làm tăng hiệu suất sử dụng, phân bón chậm tan, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ.
Để thấy rằng, ngành phân bón đang có một chiến lược thay đổi toàn diện, để năng suất cao hơn, giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện môi trường, đi cùng mục tiêu chung của đất nước.
NĐT: Là đại diện của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cũng là đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp, ông có đề xuất, kiến nghị gì để các doanh nghiệp ngành phân bón có thể yên tâm sản xuất, kinh doanh vừa tạo động lực phát triển đất nước?
TS. Phùng Hà: Nền sản xuất nông nghiệp trong nước nên kéo giảm một cách thích hợp việc sử dụng phân bón dư thừa và thiếu hợp lý. Việc này chẳng những không ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất nông sản mà còn tiết kiệm được khoản chi phí rất lớn. Đồng thời giúp chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà chính.
Ngoài ra, tình trạng lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ không chỉ gây lãng phí mà còn làm ô nhiễm đất, nguồn nước (nước mặt, nước ngầm) và gia tăng phát thải khí nhà kính, cũng như ảnh hưởng tới chất lượng nông sản.
Trong khi đó, để sản xuất nông nghiệp xanh đang rất cần khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, thế nhưng tỉ lệ vẫn còn khiêm tốn với khoảng 2 - 3 triệu tấn/năm.
Thứ hai, để ngành phân bón phát triển ổn định lâu dài, hiện Hiệp hội Phân bón Việt Nam đang kiến nghị chuyển mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế VAT áp dụng thuế VAT 5%.
Việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế VAT đầu vào, giảm bớt khó khăn cho các đơn vị sản xuất phân bón trong nước, từ đó, có thêm cơ hội cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu cùng loại.
Cuối cùng là tăng cường các biện pháp chống phân bón giả, phân bón rởm, phân bón kém chất lượng. Đây được xem là vấn nạn trong sản xuất nông nghiệp bởi người sử dụng rất khó phân biệt được đâu là phân bón thật, đâu là phân bón giả, có người chỉ biết dựa vào kinh nghiệm, có người phó thác vào uy tín của đại lý làm ăn lâu năm.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ!
Phương Anh - Hữu Thắng