Chiều ngày 17/1, vụ án liên quan đến sự cố y khoa làm 9 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hòa Bình tiếp tục với phần xét hỏi.
Liên quan đến việc sửa chữa hệ thống lọc nước RO, có 3 văn bản: Văn bản phê duyệt, văn bản lựa chọn nhà thầu, Hợp đồng 315 được ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình ký cùng một ngày (ngày 25/5/2017) mà theo luật sư thì các văn bản phải có trình tự thời gian và ký lần lượt.
Lý giải về việc này đồng thời cũng là trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Dương lý giải, đơn giản là để…tiết kiệm thời gian.
Tiếp đến, nguyên Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình – Hoàng Đình Khiếu trả lời câu hỏi của luật sư tại sao khi xảy ra sự cố chỉ chuyển 10/18 bệnh nhân sang Bệnh viện TP.Hòa Bình?
Bị cáo này trả lời, khi sự cố xảy ra, một số bệnh nhân bị tình trạng khó thở nên được chuyển sang hồi sức tích cực và được thở máy đặt ống.
“Lúc đó tôi biết BVĐK thành phố có 9 máy hoạt động, tôi đã chuyển 5 bệnh nhân ra trước, khi đó nếu chuyển bệnh nhân nặng sẽ dẫn đến tử vong. Việc di chuyển các bệnh nhân sang Bệnh viện thành phố Hòa Bình là được sự hỗ trợ từ bác sĩ tuyến trên”, bị cáo Khiếu nói.
“Trước sự cố sửa chữa hệ thống RO, khoa Hồi sức tích cực có phải lập kế hoạch chuyển các bệnh nhân sang các bệnh viện khác không?”, luật sư hỏi bị cáo Khiếu.
Mặc dù có vai trò là Trưởng khoa Hồi sức tích cực, nhưng bị cáo Khiếu khai không biết thời gian sửa chữa bao lâu, phòng Vật tư không thông báo thời gian sửa chữa nên không có kế hoạch chuyển bệnh nhân sang các đơn vị khác.
Sau phần xét hỏi đối với 7 bị cáo trong vụ án chạy thận, HĐXX tiến hành hỏi những người bị hại, đại diện của những nạn nhân tử vong. Hầu hết các gia đình bị hại đều yêu cầu BVĐK tỉnh Hòa Bình phải chịu trách nhiệm bồi thường cho họ.
“BVĐK tỉnh Hòa Bình là đơn vị duy nhất có trách nhiệm bồi thường vì người của chúng tôi chết tại bệnh viện”, đại diện của người bị hại trình bày trước tòa.