Xuân ấm áp trong ngôi nhà ở làng trẻ SOS giữa lòng Hà Nội

Xuân ấm áp trong ngôi nhà ở làng trẻ SOS giữa lòng Hà Nội

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 4, 07/02/2018 06:00

Để những em nhỏ không cảm thấy cô đơn, lạc lõng giữa dòng đời xuôi ngược, năm nào cũng vậy, những người “mẹ nuôi” tại làng trẻ SOS luôn dành cho các em nhiều sự quan tâm đặc biệt, ấm áp tình thân.

Nơi tình người khơi gợi niềm hy vọng

Căn nhà nhỏ của cô Ngô Thị Sinh (42 tuổi, quê Sóc Sơn, Hà Nội) tại làng trẻ SOS Hà Nội (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang bao bọc 7 đứa con sinh sống ngổn ngang lá dong, hoa quả, bánh kẹo... Những “đứa con” của cô Sinh mỗi bé một việc, bé thì cắm hoa, bé nhận nhiệm vụ lau lá dong, vo gạo. Các bé háo hức vì được tự tay gói những chiếc bánh chưng, cùng nhau làm bữa cơm tất niên. Đối với các em nhỏ có số phận đặc biệt này, làng trẻ em SOS đã trở thành ngôi nhà thân thương và ấm áp.

Gia đình - Xuân ấm áp trong ngôi nhà ở làng trẻ SOS giữa lòng Hà Nội

Cô Sinh quây quần bên các con.

16 năm làm mẹ của những đứa trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt là 16 năm cô Sinh đón Tết cùng những đứa con mà mình không mang nặng đẻ đau. Có những bé nay đã trưởng thành, rời khỏi mái ấm, nhưng vẫn luôn nhớ tới công ơn của cô.

Hiện trong ngôi nhà của người mẹ này, bé nhỏ nhất đang học lớp 1, lớn nhất lớp 10. “Mẹ” Sinh cho biết, việc chăm sóc 7 đứa trẻ từ lúc còn nhỏ cho đến lớn gặp phải muôn vàn khó khăn. Thế nhưng, cứ nhìn thấy các con trưởng thành từng ngày thì dù có vất vả nhường nào cô cũng thấy vui.

Ký ức khó quên

Cô Sinh tâm sự, mỗi dịp cận Tết, ánh mắt đau đáu ngóng chờ người thân của những đứa trẻ khiến cô ứa nước mắt. Bởi những đứa trẻ mà cô đã và đang chăm bẵm đều có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.

“Ở đây khi Tết đến cũng có một số con buồn vì không được về quê. Chứng kiến những khoảnh khắc ủ dột  của các con là lòng tôi lại thấy thương, thấy tội vì các con còn nhỏ nhưng phải chịu thiệt thòi không có người thân bên cạnh”, Người mẹ này bộc bạch.

Nói đến đây, cô Sinh lặng người nhớ về hoàn cảnh của hai anh em ở Thái Nguyên: “Hai bé mồ côi cha mẹ, trước khi được đưa về làng trẻ SOS thì 2 bé sống với bà ngoại, nhưng ở vùng khó khăn nên có khi cả năm trời bà ngoại mới xuống thăm cháu được một lần.

Tết năm trước, hôm ấy là ngày 29, tôi để ý thấy hai anh em ngồi ngoài cửa, ánh mắt nhìn xa xăm vẻ đượm buồn vì không có ai hỏi thăm hay xuống đón về quê. Biết ý, tôi gọi hai con lại rủ đi chơi  nhưng chúng không hề hào hứng.

Sau đó, tôi đành ôm các con vào lòng, thủ thỉ: “Ở đây ăn Tết với mẹ, mẹ cũng có được về đâu, ra Tết mẹ con mình đi chơi”. Thế là, hai con mới gật đầu và gương mặt bắt đầu tươi trở lại. Hiện tại một bé đang học lớp 6 và một bé đang học lớp 4”.

Thêm một câu chuyện xúc động mà cô Sinh nhớ là câu hỏi của bé gái: “Mẹ ơi! Sao mọi người có quê để về còn con thì không?”. “Đó là câu chuyện của cô con gái nhỏ mà tôi đang chăm sóc. Cháu bị bỏ rơi khi mới 1 ngày tuổi, đến nay con được gần 6 tuổi. Đến Tết, thấy những anh chị khác có người đến thăm hỏi hoặc có quê để nhắc tới thì con bắt đầu hỏi tôi: “Tại sao con không có quê? Tại sao có quê mà mẹ không về? Tại sao không có ai thăm con?”.

Khi nghe câu hỏi của con, tôi có cảm giác như có ai bóp nghẹt trái tim, một cảm giác xót xa, thương cảm trào nước mắt. Tôi thương con vì con chịu nhiều thiệt thòi. Khi lớn hơn chút, tôi cho con về quê của tôi, làm giấy khai sinh để con mang họ của tôi và bây giờ con cũng tự nhận đây chính là quê của mình”, cô Sinh trải lòng.

Gia đình - Xuân ấm áp trong ngôi nhà ở làng trẻ SOS giữa lòng Hà Nội (Hình 2).

Những chiếc bánh chưng được cô Sinh chuẩn bị cho các con.

Trong không khí rộn ràng của ngày Tết Nguyên đán, Tô Thị Mỹ - con gái của cô Sinh nay đã trưởng thành về thăm mẹ và các em. Cô gái nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn luôn miệng nói chuyện với mẹ của mình. Khi nhắc về những cái Tết được ở cùng mẹ Sinh, Mỹ nói: “Tết ở đây cũng như những gia đình khác. Các mẹ thường làm bánh chưng, thịt gà, cúng lễ gia tiên... Ngày Tết, em cũng như các em nhỏ khác đều cảm thấy háo hức, không nghĩ đây là trung tâm bảo trợ mà nó như gia đình của mình, rất thân thuộc”.

Nhắc nhớ về kỷ niệm bên mẹ và các em ngày Tết, Mạc Phương Thảo (học sinh lớp 10) bồi hồi kẻ: “Mỗi năm được đón giao thừa cùng mẹ và các em đều để lại cho em những cảm xúc khó phai. Đối với em, mẹ Sinh tốt nhất trên thế gian này và em luôn biết ơn những gì mà mẹ đã dành cho chúng em”.

Gia đình - Xuân ấm áp trong ngôi nhà ở làng trẻ SOS giữa lòng Hà Nội (Hình 3).

Mâm cỗ tất niên năm trước của gia đình cô Sinh cũng đủ đầy các món.

Còn đối với “mẹ” Sinh, cô luôn dành tất cả tình yêu thương trọn vẹn nhất cho những đứa con thân yêu. Mùng 1 Tết là cô lại đưa các con đi chùa cầu may đầu năm, đi chúc Tết  và thuê xe đưa các con về quê nhà Sóc Sơn chơi. Mỗi lần được về quê là những đứa trẻ ấy lại háo hức, hào hứng vì biết rằng ở nơi ấy chúng vẫn được những người thân của mẹ yêu thương, đùm bọc và coi như con cháu ruột thịt trong nhà. Đó là điều mà những đứa con và cô Sinh cảm thấy ấm lòng nhất.

Tết đã đến thật gần, khi hỏi mong muốn lớn nhất của người phụ nữ này là gì, cô Sinh chỉ cười và đáp: “Tôi chỉ mong Tết đến các con không còn thấy cô đơn nữa và mong có thật nhiều sức khỏe để nuôi nấng, chăm sóc các con nên người”.

Để trẻ đón cái Tết đầm ấm

“Làng trẻ em SOS là một trung tâm bảo trợ xã hội nên việc chăm lo Tết cho trẻ luôn được chú trọng. Về môi trường có thể trang trí để tạo không khí Tết cho toàn làng để các con được cảm nhận Tết một cách rõ rệt. Về việc chăm lo Tết chúng tôi phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân tặng quà cho trẻ, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ đón xuân. Bên cạnh việc cố gắng cho các con có đủ đầy về mặt vật chất, thì các mẹ ở đây cũng phải tạo không khí làm sao cho các con phấn khởi, nhiều niềm vui nhất để các con vơi bớt nỗi buồn tủi. Quan trọng nhất là để các con cảm nhận và đón một cái Tết thực sự đầm ấm tại đây”, ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc làng trẻ SOS Hà Nội chia sẻ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.