Tết Tân Sửu 2021 đã cận kề. Cũng hối hả, cũng chạy đua chuẩn bị cho Tết nhưng không còn bánh trái, hương hoa mà thay vào đó là sửa đường, làm nhà để chuẩn bị nơi ăn chốn ở đón Tết. Ký ức về những vụ sạt lở, dẫu đã qua đi 2 - 3 tháng nay, vẫn còn khá nặng nề trong tâm trí người dân Quảng Nam.
Nói như lời ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc - để vực dậy cuộc sống, người dân cần nhiều thời gian. Nhưng sau bão lũ, sạt lở là mưa gió thất thường. Trăm bề khó khăn bủa vây vùng đất rẻo cao này.
Già Thanh - người xung phong hiến đất cho người dân trong làng làm nhà ở tạm - nói: "Sạt lở cuốn trôi hết nhà cửa, đường sá nơi già ở. Nhiều người không nhà, không cửa thì đón Tết ở đâu? Già không đành lòng nhìn bà con sống lang thang nhờ vả khắp nơi nên đã nhường đất cho bà con làm nhà ở, cho lũ trẻ đi học".
Những ngôi nhà tạm vì thế mà mọc lên tại 2 xã Phước Thành và Phước Lộc. Nhỏ thôi, đơn sơ thôi với chừng 30m2. Người làng dùng tre làm trụ, dây thép xoắn chặt lại với nhau, ở trên che vải bạt. Cửa được dựng bằng tấm tôn còn sót sau bão tố. Những miếng ván nhặt nhạnh được ở bờ suối thì đóng cái bàn nhỏ và mấy cái ghế mini cho lũ trẻ ngồi học hoặc để ăn cơm.
Tuy không khang trang nhưng ấm áp. Những căn nhà nhỏ vẫn có điện, nước sinh hoạt. Nhiều nhà còn dự trữ được lương thực, áo ấm, chăn mền và các vật dụng khác. Từ chỗ bị cô lập đằng đẵng hàng tháng trời, từ chỗ màn trời chiếu đất, gần 3.000 đồng bào Ghẻ Triêng nơi đây đã có nhà mới. Bữa cơm của họ nay đã có cá thịt tươi và rau quả...
Trong căn nhà mới đơn sơ, họ bắt đầu chuẩn bị cho nhau cái Tết yêu thương. Biết rằng sẽ thiếu sót nhiều nhưng hơn hết, tình đồng bào, tình làng xóm hiện diện mãnh liệt trong cơn hoạn nạn.
Về phía cấp chính quyền, sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết, sau những đợt sạt lở, lũ quét kinh hoàng, hệ thống giao thông ở Phước Thành, Phước Lộc bị đứt gãy hoàn toàn. Mức độ thiệt hại tưởng chừng như khó có thể khôi phục.
Không chỉ là nơi ăn chốn ở mà hướng đến cái Tết sắp đến, chính quyền và người dân đã chạy đua với thời gian, nỗ lực thông tuyến nhiều vùng. Những con đường tạm được khơi thông để vận chuyển lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm phục vụ bà con.
Từ Phước Sơn, băng qua trùng điệp núi non là đến huyện Nam Trà My, nơi bước chân Thiếu úy Phạm Văn Đảo - cán bộ Công an huyện Nam Trà My - cùng đồng đội chưa bao giờ ngừng nghỉ suốt 2 tháng qua.
Ngoài việc tìm kiếm nạn nhân còn mất tích, lực lượng công an, quân đội đã cùng người dân dựng lại nhà, sửa lại đường. Cứ mỗi căn nhà mới được dựng lên hay thêm một người được tìm thấy là thêm một niềm vui.
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho biết, chính quyền đang xây dựng khu tái định cư tại nóc Ông Đề (xã Trà Leng) cho người dân có nơi ở dịp Tết sắp đến. Tại khu tái định cư mới có 81 lô đất, mỗi lô rộng 200m2, bố trí làm nơi tái định cư cho bà con ở thôn 1 và thôn 2 xã Trà Leng.
"Chính quyền huyện sẽ là chủ đầu tư xây cho bà con một căn nhà sàn, bê tông cốt thép kiên cố trị giá 150 triệu đồng/căn từ ngân sách Nhà nước và nguồn ủng hộ của các nhà hảo tâm trên cả nước. Dự kiến trước Tết sẽ có nhà mới bàn giao cho người dân để bà con có thể đón Tết an vui", ông Mẫn chia sẻ.
Về lâu dài, UBND tỉnh Quảng Nam đã có những chuyến khảo sát tìm mặt bằng để xây nhà cửa cho người dân vùng sạt lở. Bộ TN&MT cũng sẽ có kế hoạch tiến hành kiểm tra, khảo sát ở địa bàn huyện Phước Sơn và huyện Nam Trà My trong thời gian sớm nhất, để có kết luận các phương án nhà ở lâu dài, an toàn cho người dân, đặc biệt người dân miền núi của tỉnh Quảng Nam.