Xuất cấp hơn 253.000 tấn gạo trong năm 2021

Xuất cấp hơn 253.000 tấn gạo trong năm 2021

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 6, 24/12/2021 17:10

Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết, năm 2021, đã triển khai xuất cấp với số lượng gạo dự trữ quốc gia lớn nhất trong các năm gần đây để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh gây ra với số lượng hơn 253.300 tấn gạo.

Xuất cấp 253.303 tấn gạo giá trị khoảng 2.912 tỷ đồng

Tại cuộc họp báo của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) ngày 23/12 về một số nội dung liên quan đến hoạt động xuất cấp hàng dự trữ quốc gia (DTQG) cho các địa phương để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói, dự án trồng rừng và học sinh vùng đặc biệt khó khăn trong năm 2021, bà Nguyễn Thị Phố Giang - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN cho biết, trong năm 2021, tổng cục đã giao các Cục DTNN khu vực thực hiện xuất cấp 253.303 tấn gạo cho các địa phương để hỗ trợ người dân; giá trị khoảng 2.912 tỷ đồng.

Cụ thể: Các đơn vị xuất cấp gạo hỗ trợ Tết Nguyên đán 9.083 tấn; hỗ trợ giáp hạt 6.343 tấn; hỗ trợ dự án trồng rừng cho các tỉnh (Thanh Hóa, Bắc Kạn, Bắc Giang) 6.753 tấn; hỗ trợ thiên tai, hạn hán 840 tấn; hỗ trợ học sinh 71.313 tấn; hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là 141.971 tấn (gồm, xuất gạo từ kho dự trữ 66.558 tấn; mua 75.413 tấn gạo từ doanh nghiệp theo quy định của Điều 26 của Luật Đấu thầu để xuất cấp trực tiếp cho các tỉnh miền Nam); viện trợ nước ngoài 17.000 tấn gạo cho Cuba.

Kinh tế vĩ mô - Xuất cấp hơn 253.000 tấn gạo trong năm 2021

Nguồn: Tổng cục Dự trữ Nhà nước. 

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN, ngày 16/12/2021, Tổng cục DTNN đã trình Bộ Tài chính xuất cấp 3.000 tấn gạo từ nguồn DTQG hỗ trợ 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên (mỗi tỉnh 1.000 tấn) để thực hiện cứu trợ cho người dân vùng lũ có nguy cơ thiếu đói. Sau khi có quyết định của Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN sẽ triển khai xuất cấp hỗ trợ gạo cho các địa phương theo quy định.

Tổng cục DTNN đã thực hiện xuất cấp các vật tư, thiết bị DTQG trị giá khoảng 142,1 tỷ đồng, trong đó phục vụ công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ khoảng 124,5 tỷ đồng; phục vụ công tác hỗ trợ dịch bệnh Covid-19 giá trị khoảng 17,6 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Phố Giang, để đạt được những kết quả như nêu trên, Tổng cục DTNN và các đơn vị trong hệ thống đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh và các đơn vị được UBND các tỉnh giao nhiệm vụ đầu mối tiếp nhận hàng DTQG hỗ trợ, bảo đảm mục tiêu đưa hàng DTQG nhanh nhất đến tay người dân để đảm bảo mục tiêu DTQG theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đề cập tới các mặt hàng do các bộ, ngành quản lý, lãnh đạo Tổng cục DTNN thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện xuất cấp các mặt hàng DTQG gồm: 747,76 tấn hạt giống cây trồng; 146.675 liều vắc-xin các loại; 377.300 lít hóa chất sát trùng gia súc và 473 tấn hóa chất sát trùng thủy sản.

Bộ Y tế đã xuất cấp 46 tấn Chloramin B và 24,500 triệu viên sát khuẩn nước Aquatabs cho các đơn vị, địa phương và đã xuất viện trợ cho Lào 10 tấn Chloramin B để hỗ trợ bạn phòng chống dịch Covid-19.

Bộ Quốc phòng đã xuất cấp 5 bộ thiết bị tiêu tẩy cơ động phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Bộ Công an đã xuất cấp 30 chiếc xe chở quân trung đội, 28 chiếc xe chở quân hóa trang (29 chỗ) và 12 chiếc xe cứu thương 2 cầu để trang bị cho lực lượng công an của 30 tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 và giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Phối hợp nhanh chóng, kịp thời đưa hàng xuất cấp dự trữ đến tay người cần 

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, bà Nguyễn Thị Phố Giang cho biết, trong năm 2021, toàn ngành DTNN đã chủ động xây dựng kế hoạch, sẵn sàng xuất cấp, vận chuyển lương thực, vật tư, thiết bị từ nguồn DTQG đến đối tượng thụ hưởng.

Thực tế cho thấy, ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục DTNN đã khẩn trương ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho các cục DTNN khu vực xuất cấp hàng DTQG hỗ trợ cho các địa phương cụ thể. Đồng thời, ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh phối hợp với các cục DTNN khu vực để thực hiện công tác giao, nhận gạo theo đúng kế hoạch tiếp nhận của UBND các tỉnh và quy định về xuất cấp hàng DTQG hiện hành.

Kinh tế vĩ mô - Xuất cấp hơn 253.000 tấn gạo trong năm 2021  (Hình 2).

Các tình nguyện viên vận chuyển gạo và nhu yếu phẩm lên xe, ủng hộ đồng bào miền Trung đang gặp khó khăn do thiên tai. Ảnh: TTXVN. 

Căn cứ kế hoạch tiếp nhận hàng DTQG của UBND tỉnh, các Cục DTNN khu vực được giao nhiệm vụ xuất hàng cứu trợ, hỗ trợ đã chủ động có kế hoạch xuất kho, vận chuyển, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh và các đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận hàng DTQG bảo đảm công tác xuất cấp hàng DTQG nhanh chóng, kịp thời, an toàn, đủ số lượng, chất lượng, theo đúng kế hoạch tiếp nhận của các địa phương.

Trong năm qua, công tác phối hợp kiểm tra và chủ động kiểm tra hàng DTQG sau xuất cấp đã được các Cục DTNN khu vực chú trọng, quan tâm. Qua công tác kiểm tra và tổng hợp báo cáo tình hình của các cục DTNN khu vực, hàng DTQG xuất cấp cho các địa phương bảo đảm số lượng, chất lượng; việc sử dụng gạo đúng đối tượng, mục đích theo đúng quy định về xuất cấp, sử dụng hàng DTQG hiện hành và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các cục DTNN khu vực đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông của địa phương và trung ương để tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc hỗ trợ gạo của Thủ tướng Chính phủ.

Từ năm 2022, đấu thầu mua gạo dự trữ qua mạng 

Năm 2021, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) được giao nhiệm vụ mua nhập kho dự trữ quốc gia 190.000 tấn gạo. Tổng cục DTNN đã giao nhiệm vụ cho các cục dự trữ nhà nước khu vực triển khai quy trình đấu thầu mua gạo, nhập kho công khai, minh bạch theo đúng quy định về đấu thầu.

Toàn bộ 190.000 tấn gạo đã có nhà thầu ký kết hợp đồng.

Trao đổi với báo Hà Nội mới về việc đánh giá, chấm điểm uy tín nhà thầu, ông Phạm Việt Hà cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên Tổng cục DTNN đánh giá uy tín nhà thầu theo phương pháp chấm điểm. Đây không phải là hình thức đánh giá để loại nhà thầu, mà nhằm bảo đảm công bằng. Nhà thầu nào uy tín cao được đánh giá cao và ngược lại.

“Phương pháp này mang lại tính cạnh tranh, nâng cao trách nhiệm của các nhà thầu trúng thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng cung cấp gạo”, ông Phạm Việt Hà nói.

Năm 2021, số lượng nhà thầu tham gia dự thầu tăng cao hơn so với các năm trước; giá trúng thầu thấp hơn so với giá gói thầu (tiết kiệm 1,2% so với giá gói thầu); thời gian hoàn thành nhập 190.000 tấn gạo sớm hơn so với dự kiến.

Theo ông Phạm Việt Hà, chỉ tiêu kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2022 đang được trình Chính phủ. Dự kiến, lượng gạo mua tăng thêm 30.000 tấn so với năm 2021 nhằm đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh dịch bệnh và theo hướng tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia.

Trước đây, việc đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia được thực hiện theo phương thức đấu thầu trực tiếp nhưng từ năm 2022 sẽ đấu thầu qua mạng. Tổng cục DTNN sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia tập huấn cho tất cả cán bộ làm công tác đấu thầu.

Hương Anh (tổng hợp) 



 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.