Hai kịch bản được dự báo áp thấp
Bản tin dự báo bão/áp thấp mới nhất của Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) cho hay, vào hồi 2h ngày 19/10, vị trí áp thấp 10c ở vào khoảng 15,3 độ vĩ bắc, 135,2 độ kinh đông, đi vào khu vực dự báo của Philippines (PAR), cách đông nam Luzon 1.455 km về phía đông.
Báo Lao Động dẫn nguồn PAGASA, áp thấp hiện có "khả năng trung bình" phát triển thành áp thấp nhiệt đới trong vòng 24 đến 48 giờ tới.
Trước những diễn biến khó lường, chuyên gia dự báo thời tiết của PAGASA Ana Clauren-Jorda cho hay, áp thấp có thể đi sâu vào trong PAR ngày 20 hoặc 21/10 và mạnh lên thành bão. Cơn bão tiếp theo ở Philippines sẽ được đặt tên địa phương là Kristine.
Bên cạnh đó, cũng liên quan đến áp thấp 10c - mà Trung tâm Cảnh báo bão liên hợp Mỹ (JTWC) gọi là 94W, dự báo ngày 19/10 của JTWC cho hay, áp thấp hiện nằm ở giữa Biển Philippines, về phía bắc đông bắc của Palau và đang tạo ra hoạt động mưa rào tương đối hạn chế.
Vùng áp thấp này hiện trong quá trình hợp nhất với một vùng áp thấp lớn hơn ở phía đông của nó. Khi hai hệ thống này hợp nhất, các điều kiện môi trường dự kiến sẽ thuận lợi cho sự phát triển thêm, và hệ thống này có khả năng trở thành áp thấp nhiệt đới vào ngày 20 hoặc 21.10 khi nó di chuyển thất thường theo hướng tây tây nam trước khi chuyển hướng tây tây bắc vào đầu tuần tới.
Hiện tại, có hai kịch bản được dự báo: áp thấp băng qua Trung Luzon về phía Biển Đông hoặc đi về phía tây bắc đến phía đông Đài Loan (Trung Quốc).
JTWC khuyến cáo các vùng bị ảnh hưởng ở Philippines, đặc biệt là ở đông bắc Luzon, cũng như miền nam Đài Loan (Trung Quốc) nên theo dõi chặt chẽ tiến trình của hệ thống này. JTWC đánh giá cơ hội áp thấp mạnh lên trong 7 ngày là cao tới 70%.
Trong khi đó, mô hình dự báo của Windy.com cho thấy, vào khoảng ngày 23/10, áp thấp nhiệt đới có thể trở thành bão, áp sát thành phố Quezon của Philippines.
Hiện tại, ngày 19/10, dải hội tụ nhiệt đới đang ảnh hưởng đến Mindanao, gây mưa và giông bão, có thể dẫn đến lũ quét và sạt lở đất.
Đáng chú ý theo trang Bão trên Tây Bắc Thái Bình Dương, diễn biến xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông (nếu có) sẽ cực kỳ phức tạp về cường độ và hướng di chuyển, do còn có khả năng tương tác với một cơn bão khác ngoài khơi Philippines trong giai đoạn 23-24/10 trở đi, và đới gió đông bắc hoạt động tại khu vực Biển Đông. Kịch bản xấu là bão lao nhanh và hướng về vùng biển các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ của Việt Nam.
Dự báo bão gần Biển Đông hình thành trong vài ngày tới
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khoảng ngày 21 - 22/10, khả năng cao hình thành một dải hội tụ nhiệt đới trên khu vực giữa Biển Đông.
Theo dự báo thời tiết dải hội tụ nhiệt đới này có thể phát triển thành các xoáy thuận nhiệt đới. Vì vậy, đến thời điểm từ ngày 23 - 25/10, trên khu vực Biển Đông khả năng cao sẽ có hoạt động của áp thấp nhiệt đới hoặc bão.
Cơ quan khí tượng cho hay, từ ngày 19 - 25/10 độ cao sóng tại Biển Đông có xu hướng tăng ở hầu khắp các vùng biển.
Khu vực bắc và giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) độ cao sóng dao động 3 - 5 m. Khu vực nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa), vùng biển trung và Nam Trung bộ độ cao sóng phổ biến trong khoảng 2 - 4 m; các khu vực khác độ cao sóng dao động nhỏ hơn 2 m.
Ngoài ra, từ ngày 19 - 22/10, mực nước triều cường ven biển phía đông Nam bộ duy trì ở mức cao.
Triều cường xuất hiện trong khoảng thời gian sáng sớm và buổi chiều tối làm tăng nguy cơ ngập úng tại các khu vực trũng, thấp ở ven biển, ven sông, vùng ngoài đê bao Đông Nam bộ và làm chậm quá trình thoát lũ, trong trường hợp có lũ trên sông Cửu Long.
Hiện tượng ENSO
Cơ quan khí tượng cho biết, hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính nhưng nghiêng dần về pha lạnh La Nina (với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương đang thấp hơn trung bình nhiều năm -0,3 độ C vào tuần đầu tháng 10).
Dưới tác động của La Nina, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm trên Biển Đông 2,8 cơn; đổ bộ đất liền 1,1 cơn).
Đặc biệt, bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ đất liền có khả năng tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và các tỉnh phía nam. Đề phòng khả năng bão hoặc áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.
Trúc Chi (t/h)