Theo phản ánh của người dân, hiện nay, tại nhiều nông thôn, vùng núi xuất hiện các đối tượng giả danh nhân viên thương hiệu điện máy nổi tiếng để lừa bán hàng giả, hàng kém chất lượng với giá cắt cổ.
Để tạo niềm tin cho người dân, các đối tượng này còn trưng ra cả thẻ nhân viên, bảng giá có hình mẫu trưng bày sản phẩm của các thương hiệu điện máy có tiếng trên địa bàn. Sau đó, những người này hét giá hàng hóa thật cao rồi bất ngờ hạ giá cực rẻ để bán cho những người dân tò mò, kém hiểu biết.
Không những thế, các nhóm đối tượng còn tung chiêu thức quảng cáo đây là sản phẩm lần đầu tiên đưa ra thị trường, hàng hóa không qua khâu trung gian hay hàng được nhân viên tuồn lậu từ kho ra nên bán giá mềm cho khách để lấy doanh số. Những kẻ giả danh nhân viên điện máy này thường chạy xe bán tải chở hàng vào từng gia đình chào bán.
Chị Nguyễn Thị T. (45 tuổi, ngụ xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) kể lại, vào cuối tháng 8, có nhóm hai đối tượng chạy xe bán tải chở hàng dừng trước tiệm tạp hóa của gia đình chị.
Thấy khách đến, chị T. ra hỏi thăm, một người đàn ông khoảng 30 tuổi giới thiệu tên Quang, nhân viên Đ.M.X. chi nhánh Tây Ninh, đang đi giới thiệu sản phẩm khuyến mãi cho người dân các vùng ven biên giới.
Quang nói: “Tụi em có lô hàng gồm nồi cơm điện Cookin, bếp điện từ Nhật Bản và bếp gas hồng ngoại Nhật cần bán giá rẻ cho gia đình. Đây là lô hàng khuyến mãi trong tháng không qua khâu trung gian nên giảm giá 50%. Tổng lô hàng trị giá hơn 15 triệu đồng”. Nói xong, Quang giới thiệu cho chị T. các sản phẩm này với giá 7,5 triệu đồng.
Do từng nghe nhiều thông tin về việc lừa đảo bán hàng dạo, hàng giả nên chị T. đề nghị Quang cho xem kỹ nhãn mác hàng hóa. Đồng thời, chị T. hỏi người này về địa chỉ và tên tuổi giám đốc chi nhánh Đ.M.X. tại TP.Tây Ninh. Lúc này, Quang trả lời luống cuống và không trùng khớp với thông tin mà chị T. đã tìm hiểu trước đó.
Mua hàng của người xưng danh là nhân viên điện máy nổi tiếng bán dạo tận nhà, chị Trần Thị H. (30 tuổi, ngụ xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đã rơi vào hoàn cảnh tiền mất tật mang. Theo chị H., chị mua một nồi cơm điện đa năng hiệu Okatashi Nhật Bản với giá gốc 4,5 triệu đồng được khuyến mãi 50% còn 2,2 triệu đồng.
Nhóm người bán hàng tặng thêm cho gia đình chị một bóng đèn điện tử được quảng cáo có thể chống muỗi. Thế nhưng, nồi cơm điện sử dụng chưa đầy một tháng đã có hiện tượng cơm sôi, nhão bất thường, nồi méo mó. Bóng đèn chống muỗi thì cháy bóng khi sử dụng chưa tới 10 ngày.
Theo ghi nhận của PV, hình thức bán hàng tận nhà như trên cũng xuất hiện tại xã Nga Liên (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Tại đây, cũng có nhiều người dân mắc bẫy khi mua hàng giá trên trời, chất lượng dưới đất.
Tại địa phương này, khi chở hàng vào tận từng gia đình chào bán, các đối tượng lừa đảo còn giả vờ hỏi thăm đường sá, vờ mua cây cảnh, đồ gia dụng cũ rồi mới gạ bán hàng.
Bà Trần Thị Kh. (55 tuổi, ngụ xã Nga Liên) cho biết, bà đã suýt trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa bán lô hàng điện gia dụng với giá trên trời. Bà Kh. trình bày, khoảng 12h trưa 31/8, khi gia đình bà đang chuẩn bị ăn cơm thì có chiếc xe bán tải BKS 36-123 xx chạy thẳng vào ngõ rồi gọi lớn: “Cô ơi cho cháu hỏi thăm chút”.
"Khi tôi ra ngõ hỏi có chuyện gì thì một người đàn ông từ trên xe bước xuống xe giới thiệu tên Chiến – nhân viên bán hàng Đ.M.X. TP.Thanh Hóa. Người tài xế còn lại vẫn ngồi trên xe. Tiếp đó, Chiến nói: “Cô ơi chúng cháu đang đi lắp tivi cho khách hàng ở xã Nga Thái (cách đó khoảng 5km). Trong xe, tụi cháu lấy trộm được lô hàng ở kho của siêu thị muốn bán giá rẻ lấy tiền cho anh em uống rượu”, bà Kh. kể.
Theo bà Kh., sau đó, Chiến mở cánh cửa xe chỉ tay vào một chiếc bếp gas, một nồi cơm điện và một bếp điện từ rồi nói hàng hóa xuất xứ Nhật Bản, "chất lượng khỏi chê". Các đối tượng cho biết, do hàng lấy trộm ở kho nên chỉ bán nửa giá.
Để làm tin, Chiến đưa tấm thẻ nhỏ có dán hình của anh ta với mã số KV2 7869 để chứng minh là nhân viên cửa hàng điện máy. Tuy nhiên, khi cháu gái bà Kh. đưa điện thoại chụp hình tấm thẻ thì Chiến giật lại nói “không được chụp”.
Như hiểu được sự nghi ngờ của khách hàng, Chiến lấy trong xe ra một bảng mẫu về giá các sản phẩm điện máy có tên siêu thị điện máy Đ.M.X. rồi chỉ từng món hàng mẫu phân bua về giá.
Sau vài phút quảng cáo hàng, Chiến chốt giá với bà Kh. từ 15 triệu đồng xuống còn 5 triệu đồng. Thậm chí, khi khách hạ giá xuống còn 2 triệu đồng, người này cũng đồng ý bán. Thấy sự bất thường về cách bán hàng, bà Kh. trả lời không mua nữa do nhà hết tiền (...)
Từ thông tin của người dân, PV đã liên lạc với người này để hỏi mua hàng “lấy từ kho” ra với giá rẻ. Tuy nhiên, Chiến đã cắt số điện thoại liên lạc. Sau đó, PV đã liên hệ tới siêu thị điện máy mà đối tượng giả danh để kiểm chứng thông tin. Đại diện quản lý của siêu thị Đ.M.X. khẳng định, không bao giờ có phương thức bán hàng dạo, rao vặt hay giảm giá.
Đồng thời, quản lý siêu thị điện máy này khuyến cáo: “Người dân không nên tin bất kỳ đối tượng nào xưng danh là nhân viên các siêu thị điện máy nổi tiếng đi bán dạo. Hình thức này là lừa đảo, các đối tượng này gom hàng lậu, hàng rởm không rõ nguồn gốc rồi đi tới từng địa phương ở nông thôn, vùng núi rao bán. Chúng nhắm tới người dân kém hiểu biết để lừa đảo bán hàng rởm lấy tiền thật.
Một số kẻ còn là đối tượng phạm tội có tổ chức giả bán hàng để tiếp cận nhà dân để trộm cắp tài sản, thôi miên để lấy đồ đạc của những gia đình thiếu cảnh giác...".