Xenobot rộng chưa tới 1 milimet, được “trình làng” vào năm 2020. Chúng được lắp ráp từ các tế bào gốc ở tim và da, thuộc về loài ếch có vuốt châu Phi (Xenopus laevis). Các xenobot ban đầu có hình cầu và được tạo ra từ khoảng 3.000 tế bào.
Thí nghiệm cho thấy, những khối cầu nhỏ xíu này có thể di chuyển độc lập trong vòng 1 tuần trước khi hết nhiên liệu. Chúng được cho có thể tự chữa lành và phân hủy tự nhiên vào thời điểm kết thúc “đời sống”.
Các nhà khoa học phát triển xenobot ở Đại học Vermont, Đại học Tufts và Viện Kỹ thuật sinh học Wyss thuộc Đại học Harvard vừa phát hiện các đốm nhỏ Xenobot phát triển một dạng tái tạo sinh học hoàn toàn mới và khác biệt so với bất kỳ loài động vật và thực vật nào.
"Tôi vô cùng kinh ngạc về điều đó. Ếch có cách sinh sản mà chúng thường sử dụng nhưng khi bạn giải phóng tế bào từ phôi thai và cho chúng cơ hội làm quen với môi trường mới, chúng không chỉ tìm ra cách di chuyển mà còn biết sinh sản theo cách mới", Giáo sư sinh học Michael Levin, Giám đốc Trung tâm Allen ở Đại học Tufts, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ.
Tế bào gốc là tế bào có khả năng phát triển thành những loại tế bào khác nhau. Để tạo ra xenobot, các chuyên gia tách tế bào gốc sống từ phôi thai ếch và để chúng tự ấp, không can thiệp vào gene của chúng.
Theo Josh Bongard, nhà khoa học máy tính và chuyên gia robot ở Đại học Vermont, trưởng nhóm nghiên cứu, ông và cộng sự nhận thấy xenobot có thể nhân bản. Tuy nhiên điều này hiếm khi xảy ra và chỉ trong trường hợp đặc biệt. Xenobot sử dụng "nhân bản động lực", quá trình diễn ra ở cấp độ phân tử nhưng chưa bao giờ được quan sát trước đây ở quy mô toàn tế bào hoặc ở tổ chức sinh vật.
Với sự trợ giúp của trí thông minh nhân tạo, các nhà nghiên cứu sau đó đã thử nghiệm hàng tỷ hình dáng khác nhau nhằm giúp các Xenobot tái tạo hiệu quả hơn. Sau cùng siêu máy tính kết luận đó là hình chữ C. Họ có thể tìm thấy các tế bào gốc cực nhỏ hình chữ C ở trong đĩa thí nghiệm và quy tụ hàng trăm tế bào lại với nhau. Ít ngày sau, những tế bào này trở thành Xenobot mới.
Công nghệ xenobot còn rất mới và chưa có ứng dụng thực tế nào nhưng sự kết hợp giữa sinh học phân tử và trí tuệ nhân tạo có thể sử dụng trong cơ thể và môi trường.
“Nếu chúng ta nắm được biện pháp buộc các tổ hợp tế bào cụ thể thực hiện đúng chỉ lệnh được yêu cầu, sẽ đến lúc chúng ta tìm được giải pháp về y học tái tạo, hứa hẹn điều trị các chấn thương nguy hiểm, tình trạng dị tật bẩm sinh, ung thư và lão hóa”, theo đồng trưởng nhóm nghiên cứu Michael Levin.
Trước những lo ngại về công nghệ sinh học tự nhân bản, các nhà nghiên cứu cho biết những cỗ máy sống bị kiểm soát hoàn toàn trong phòng thí nghiệm và dễ dàng phá hủy do chúng có thể phân hủy sinh học và nằm dưới sự điều phối của chuyên gia.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Thanh Niên)