Ngày 20/4, người dân tại vài khu vực trên thế giới có thể chiêm ngưỡng nhật thực lai. Đây là một trong những hiện tượng thiên văn hiếm có, chỉ diễn ra 7 lần trong thế kỷ 21. Nhật thực có 3 loại phổ biến gồm nhật thực một phần (Mặt Trăng che khuất một phần Mặt Trời), nhật thực toàn phần (Mặt Trăng che khuất hoàn toàn Mặt Trời) và nhật thực hình khuyên (Mặt Trăng che khuất Mặt Trời tại khoảng cách rất xa, để lộ vòng tròn lửa của Mặt Trời quanh rìa Mặt Trăng).
Nhật thực lai là hiện tượng hiếm thấy nhất, chỉ chiếm 4,8% trong tất cả trường hợp. Do độ cong của Trái Đất, người dân tại các vĩ độ giữa đường đi của nhật thực sẽ thấy nhật thực toàn phần hoặc hình khuyên, tùy vị trí quan sát.
Các khu vực có thể quan sát nhật thực lai trong ngày 20/4 thuộc Nam Á, Đông Nam Á, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Nam Cực. Theo Space, bóng tối sẽ quét qua phía đông bắc Indonesia vào 1h36 ngày 20/4 (giờ GMT).
Trong phút đầu tiên, nhật thực sẽ có hình khuyên. Khi nhìn từ phía nam Ấn Độ Dương, Mặt Trăng không che phủ hoàn toàn Mặt Trời, tạo ra vòng tròn lửa bao quanh Mặt Trăng trong vài phút. Đến 2h38, Mặt Trăng bắt đầu che khuất tuyệt đối Mặt Trời. Những con tàu lang thang trên vùng biển gần Nam Cực sẽ may mắn nhìn thấy hiện tượng chuyển giao này trong giây lát.
Khu vực dễ quan sát nhất nằm trên biển Timor, phía nam Timor Leste ở Đông Nam Á. Tại đây, Mặt Trời sẽ bị che khuất hoàn toàn trong 76,1 giây ở độ cao 67 độ. Tiếp tục đi theo hướng đông bắc, nhật thực sẽ cắt qua Tây New Guinea rồi rẽ về phía đông, trước khi chuyển thành nhật thực hình khuyên và kết thúc khoảng 6h cùng ngày (giờ GMT).
Việt Nam nằm trong vùng quan sát, nhưng thuộc dải xa nhất nên chỉ có thể thấy nhật thực một phần. Theo Space, người dân tại TP.HCM có thể quan sát hiện tượng vào 11h20 ngày 20/4 (giờ địa phương) với độ bao phủ 13,3%.
Nhật thực lai là gì?
Nhật thực lai là sự kết hợp giữa nhật thực một phần, toàn phần và nhật thực hình khuyên. Hiện tượng thiên văn này chỉ xảy ra vài lần trong một thế kỷ.
Nhật thực lai là kiểu trung gian giữa nhật thực toàn phần và nhật thực hình khuyên. Ở một số điểm trên Trái Đất, nó được quan sát thấy là nhật thực toàn phần. Nhưng ở nơi khác nó lại là nhật thực hình khuyên. Thuật ngữ chung cho nhật thực toàn phần, hình khuyên hay nhật thực lai là nhật thực trung tâm.
Nếu nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng ở xa địa cầu, con người sẽ thấy Mặt Trăng không che khuất hoàn toàn Mặt Trời. Tình trạng đó tạo ra một "vòng lửa" mỏng xung quanh Mặt Trăng. Đó là hiện tượng nhật thực hình khuyên.
Trường hợp nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng gần trái đất hơn, đĩa Mặt Trăng sẽ đủ lớn để che hoàn toàn Mặt Trời. Chúng ta gọi đó là nhật thực toàn phần.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu Chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) cho biết, để quan sát nhật thực cần đảm bảo các thiết bị an toàn bảo vệ cho mắt. Các biện pháp quan sát nhật thực an toàn phổ biến có thể kể đến là quan sát với kính xem nhật thực chuyên dụng (kính sử dụng các loại phim lọc theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt có thể đảm bảo giảm độ sáng đến mức an toàn và ngăn ngừa được tia cực tím, hồng ngoại).
Bên cạnh đó, người yêu thiên văn có thể theo dõi hiện tượng này bằng cách quan sát qua chậu nước pha mực, có thể để một tấm gương ở dưới đáy chậu nước để phản xạ mặt trời tốt hơn. Người quan sát cũng có thể sử dụng ống nhòm và kính thiên văn với phim lọc chuyên dụng ở vật kính, hoặc sử dụng phương pháp chiếu ảnh hoặc quan sát với kính thợ hàn loại số 14 trở lên.
Lưu ý: Người yêu thiên văn không nên quan sát trực tiếp khi không có bất kỳ thiết bị bảo vệ mắt nào hay quan sát với kính râm loại rẻ tiền. Thậm chí ngay cả kính râm đắt tiền cũng không được thiết kế để nhìn thẳng vào mặt trời. Mặt khác, các biện pháp quan sát trước đây từng được một số nguồn hướng dẫn nhưng hiện nay được đánh giá là thiếu an toàn gồm quan sát với ruột đĩa mềm, phim ảnh lộ sáng, quan sát với phim chụp X quang…
Tiểu Phi (T/h Sức Khỏe& Đời Sống, VTC News)