Trong vai khách du lịch có nhu cầu giải khát tại khu 2 Đồ Sơn, TP.Hải Phòng, PV đã vào một quán nước vỉa hè. Sau khi gọi 2 quả dừa và thanh toán, chủ quán hét giá 100 nghìn đồng. Thắc mắc, ngày mưa mà sao dừa Đồ Sơn vẫn đắt, người này giải thích: "Thế là còn rẻ chán, bán hàng ở đây nộp đủ thứ "luật", nếu không bán vậy làm gì có lãi".
Trong nội dung clip mà bà Dương Thị Nhung bị nhóm du khách phản ánh chặt chém hơn 600 nghìn đồng tiền ghế ngồi trước đó, bà này có nói: Nếu mà ngồi ăn ở trên bờ thì không phải mất tiền ghế, còn ở dưới bãi biển thì phải mất tiền ghế.
Từ việc này, dư luận nghi ngờ có hoạt động bảo kê trong việc kinh doanh ở bãi biển Đồ Sơn. Để giải đáp những thắc mắc từ phía dư luận, PV đã liên hệ để làm việc với ông Hoàng Trung Hiếu – Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, TP.Hải Phòng.
“Việc kinh doanh hàng quán trên bãi biển Đồ Sơn là không được phép. Tuy nhiên, do sơ hở của cơ quan quản lý Nhà nước, các chủ quán vẫn ngang nhiên "nhảy dù" ra đó để kinh doanh.
Trong các lãnh đạo có một số người vẫn thương một số hộ khó khăn, hộ chính sách nên để xảy ra việc kinh doanh hàng quán không phép. Chúng tôi không phải chỉ có một việc đi kiểm tra, xử lý hoạt động bán hàng ở đó, mà còn rất nhiều việc khác phải làm. Do vậy, năm nay trót để vỉa hè như thế cho một số gia đình chính sách kinh doanh, sang năm sẽ cấm hết, dẹp trắng”, ông Hiếu cho biết.
Về việc, có rất nhiều hộ kinh doanh không có phép, các điều kiện khác kéo theo như vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, nguồn nhân lực... không đảm bảo, ông Hiếu giải thích: "Đồ Sơn có ràng buộc, dịch vụ đó mang tính thời vụ, 3 tháng hè, quận đã giao cho phường có phương án, ký cam kết thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi, còn vi phạm thì sẽ bị xử lý".
Cũng theo ông Hiếu, từ đầu năm đến nay chưa ghi nhận ca nào ngộ độc thực phẩm tức là các hộ kinh doanh này vẫn đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi được hỏi ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu ngộ độc xảy ra thì ông Hiếu im lặng.
Về vấn đề người bán hàng cho rằng, kinh doanh ở đây thì phải "làm luật" mới yên ổn, ông Hiếu cho hay, người bán hàng nộp cho ai, đối tượng nào, chứ quận Đồ Sơn không hề thu: “Có thể có những kẻ “đầu gấu” bảo kê ở đây, lén lút thu tiền này chứ quận thì không. Hiện quận cũng đang cho công an điều tra. Nếu chính quyền nào đứng sau việc đó, khi điều tra được, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”.
Theo quan sát của PV, tại các khu du lịch trên địa bàn quận Đồ Sơn, hoạt động dịch vụ diễn ra vô tội vạ, các quán bán hàng không niêm yết công khai giá dịch vụ, UBND quận Đồ Sơn cũng không công khai đường dây nóng để xử lý phản ánh của khách hàng. Chính vì thế, khách du lịch đến Đồ Sơn thường xuyên bị "chặt chém".
Kèm theo đó, hàng chục hộ kinh doanh không phép, tràn lan dưới bãi biển Đồ Sơn, đi cùng với những bất cập về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thất thu ngân sách Nhà nước. Việc này kéo dài nhiều năm mà không được xử lý, đã làm mất đi hình ảnh khu du lịch nổi tiếng của TP.Hải Phòng.
Trước đó, trả lời PV báo Người Đưa Tin, ông Phạm Văn Luân – Chánh Thanh tra sở Du lịch TP.Hải Phòng đã cho biết, sau “sự cố” chủ quán chặt chém khách du lịch ở Đồ Sơn hơn 600 nghìn tiền ghế ngồi, sở cũng đã xây dựng kế hoạch và sẽ cho thanh, kiểm tra toàn diện lại các hoạt động du lịch ở Đồ Sơn nói riêng và các khu du lịch khác ở Hải Phòng nói chung. Đặc biệt, sở sẽ chấn chỉnh việc bán hàng không niêm yết và hành vi chèo kéo, ép giá khách du lịch.