Mới đây, các chuyên gia của bộ Y tế đánh giá, nguyên nhân trực tiếp khiến 8 nạn nhân tử vong trong vụ án chạy thận ở Hòa Bình không phải do tồn dư hoá chất mà vì nguyên nhân khác.
Theo TS. Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Trang thiết bị và công trình y tế, bộ Y tế cho biết: Từ giữa tháng 7 vừa qua, các chuyên gia của Viện bắt tay phục dựng lại hệ thống này và mất 2 tuần để hoàn tất dựa theo sơ đồ và các hình ảnh được cung cấp.
Sau khi phân tích kĩ, các nhà khoa học y tế, hóa học, trang thiết bị y tế nhận định, nguyên nhân khiến 8 nạn nhân tử vong không phải do tồn dư hoá chất HF trong quá trình làm sạch hệ thống mà do hệ thống RO1 hỏng 3 van nước, đã nối thẳng nguồn nước ô nhiễm từ hệ thống lọc thô chưa qua màng lọc RO của hệ thống RO1 vào tank RO2 cho máy chạy thận nhân tạo.
Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Những tình tiết mới này có được coi là chứng cứ trong vụ án chạy thận ở Hòa Bình hay không phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét. Bởi vì, bộ Y tế không phải là cơ quan giám định, kết quả đó không phải là một kết quả giám định.
“Kết quả phân tích của bộ Y tế hoàn toàn khác biệt so với các chứng cứ do các cơ quan tiền hành tố tụng thu thập và giám định mà hiện tại chưa có cơ quan nào khẳng định kết quả của bên nào đúng. Để xác định kết quả nào đúng thì phải xem lại quy trình thu thập trước đây có đúng hay không, quy trình về lấy mẫu nước giám định đã chuẩn chưa….”, luật sư Nam nói.
Nguyên nhân dẫn đến cái chết của các bệnh nhân chạy thận ở Hòa Bình có phải tồn dư hóa chất trong nước hay do các vấn đề khác là câu hỏi nhiều người đặt ra trong thời điểm này.
Theo quan điểm của luật sư Nam, nếu như nguyên nhân chết của các bệnh nhân chạy thận không phải do tồn dư hóa chất mà do van nước hở như kết luận của bộ Y tế thì các bị cáo hoàn toàn còn cơ hội được vô tội.
Từ đó, cá nhân luật sư Nam cho rằng: “Trong trường hợp chứng minh được tình tiết mới có căn cứ, tức nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân tử vong không phải do tồn dư Florua mà do hở van nước thì có căn cứ để kháng nghị tái thẩm”.
Từng tham gia vụ án trong vai trò là luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương trong giai đoạn sơ thẩm, luật sư Hoàng Ngọc Biên (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) tập trung phân tích chuỗi hành động của bị cáo Bùi Mạnh Quốc trong Kết luận điều tra, Cáo trạng, cả hai Bản án và lời khai trước toà của bị cáo cho thấy không thể có tồn dư HF trong tank RO2 vì các lý do sau:
Quốc không thực hiện tẩy màng RO số 2 mà chỉ vệ sinh hai màng lọc, vệ sinh ống Inox, đầu bịt các ống và dùng bơm cao áp để lấy nước mềm của RO2 sục đẩy toàn bộ hỗn hợp HCL - HF ra đường thải.
Quốc đã thay van xả đáy tank RO2 và được Toà sơ thẩm xác nhận là tank RO2 đã hết nước khi kết thúc quá trình khử khuẩn đường ống cấp nước cho máy thận và đã xả 2 lần các đầu cấp nước cho các máy thận.
Vì vậy, luật sư Biên cho rằng, nguyên nhân gây tử vong của 8 bệnh nhân không thể là HF (F-). Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra tìm ra tồn dư HF (F-) trong nước chạy thận ngày 29.5.2017 là không có căn cứ khoa học.
Luật sư Biên cũng cho rằng, quá trình thu thập mẫu sai quy cách dẫn đến kết quả điều tra về tồn dư HF không phù hợp với đặc tính hoá học của HF, không phù hợp với thực trạng hoạt động của hệ thống nước.
Và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hoà Bình đã không điều tra thực nghiệm hiện trường trong trường hợp hỏng 3 van thuộc hệ thống RO1 để xác định ảnh hưởng của việc hỏng 3 van này đối với toàn bộ hệ thống nên đã bỏ sót nguyên nhân khoa học thực sự gây ra tử vong cho 8 bệnh nhân.
Từ đó, dưới góc nhìn của chuyên gia pháp lý, luật sư Biên cho rằng: Căn cứ vào quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 khi “Xác định người hành nghề có sai sót hoặc không có sai sót chuyên môn kỹ thuật” thì trong trường hợp này Hoàng Công Lương “Đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến đối với người bệnh” thì những nội dung kết luận của Hội đồng chuyên môn phải được coi là tài liệu, chứng cứ gỡ tội, loại bỏ trách nhiệm hình sự đối với Hoàng Công Lương.