Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Chile, một trong số các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đang có xu hướng tăng nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam trong 3 năm trở lại đây. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, quốc gia Nam Mỹ này đã nhập khẩu gần 3 triệu USD các sản phẩm cá ngừ từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2023, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 4 cho Chile sau Thái Lan, Ecuador và Trung Quốc, chiếm thị phần hơn 9%. Trong khi nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam và Thái Lan sang thị trường tăng trưởng liên tục trong 3 năm qua, xuất khẩu của Ecuador và Trung Quốc lại có xu hướng giảm.
Năm nay, Chile tăng nhập khẩu cả cá ngừ đóng hộp và thịt/loin cá ngừ đông lạnh từ Việt Nam. Đặc biệt, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm nay tăng gấp 3 lần.
Hiện, có 10 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu cá ngừ sang quốc gia Nam Mỹ này. Trong đó, Trinity Vietnam, Havuco và Nha Trang Bay là 3 doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất cá ngừ sang thị trường này, chiếm 76% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023.
Dự kiến, Việt Nam với lợi thế về thuế nhập khẩu theo cam kết trong hiệp định CPTPP sẽ là thế mạnh để cho các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại thị trường này. Do đó, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Chile sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong những tháng tới.
Theo VASEP, năm 2024, có nhiều thách thức khiến xuất khẩu cá ngừ sẽ chậm phục hồi, nhất là khi Ủy ban châu Âu (EC) duy trì giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Ngoài ra, giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm nhiệt, tuy nhiên căng thẳng tại Biển Đỏ đã khiến giá cước vận tải tăng cao sẽ khiến cho giá cá ngừ thành phẩm vẫn sẽ cao. Tất cả các yếu tố này sẽ kìm hãm sự phục hồi xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam
Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu cá ngừ tại nhiều nước chưa có dấu hiệu hồi phục. Sự cạnh tranh tại các thị trường ngày càng gay gắt và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cao. Tất cả các yếu tố này sẽ kìm hãm sự phục hồi xuất khẩu cá ngừ, chuyên gia của VASEP nhìn nhận.
Bên cạnh những khó khăn về thị trường, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do những bất cập về quy định kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) hiện hành của Việt Nam. Cụ thể, theo “Chương trình kiểm soát ATTP thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU” ban hành tại Quyết định 5523 ngày 21/12/2023 của Bộ NNPTNT – liên quan đến yêu cầu giấy Chứng thư an toàn thực phẩm (H/C) do cơ quan thẩm quyền các nước cấp (theo mẫu số “28” của EC) kèm theo các lô nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm cả các lô cá tàu (Cá được các tàu đánh bắt, chuyển sang các tàu cấp đông trên biển (freezer vessel), không chế biến, đóng gói hay bảo quản trên đất liền.
Các tàu cấp đông này chở nguyên liệu từ biển vào Việt Nam giao cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, không thể có giấy H/C do cơ quan thẩm quyền nào cấp. Các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập khi thực hiện quy định này, và ngành xuất khẩu cá ngừ 1 tỷ USD của Việt Nam có nguy cơ co hẹp và bị cạnh tranh thị phần tại châu Âu cũng như nguồn cung nguyên liệu cá ngừ khi các doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế nhiều nguồn nguyên liệu cá ngừ tốt.
Theo quy định của EU, nguyên liệu trên các tàu cấp đông như trên khi chuyển vào các nước thành viên EU thì cơ quan thẩm quyền EU cũng không yêu cầu giấy H/C do cơ quan thẩm quyền cấp mà chỉ yêu cầu H/C do Thuyền trưởng ký.
Hải Vân (T/h)