Đáng chú ý, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 3/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt gần 116,1 nghìn tấn, trị giá 180,36 triệu USD, tăng 32,3% về lượng và tăng 38,8% về trị giá so với tháng 2/2024; So với tháng 3/2023 tăng 0,2% về lượng và tăng 10% về trị giá.
Về giá xuất khẩu, tháng 3/2024, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.554 USD/tấn, tăng 4,9% so với tháng 2/2024 và tăng 9,9% so với tháng 3/2023. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.466 USD/tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 3/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 52,83% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với gần 61,34 nghìn tấn, trị giá 90,72 triệu USD, tăng 4,5% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với tháng 2/2024; tuy nhiên so với tháng 3/2023 giảm 29,3% về lượng và giảm 24,3% về trị giá; giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.479 USD/tấn, tăng 3,2% so với tháng 2/2024 và tăng 7,1% so với tháng 3/2023.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 287,85 nghìn tấn cao su, trị giá 407,82 triệu USD, giảm 1,6% về lượng, nhưng tăng 2,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Theo tạp chí Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu thông tin, trong tháng 3/2024, xuất khẩu cao su sang một số thị trường như: Ấn Độ, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Sri Lanka, Bỉ, Hoa Kỳ… tăng trưởng mạnh cả về lượng và trị giá so với tháng 3/2023. Đặc biệt, mới đây, Ấn Độ đã quyết định giảm thuế nhập khẩu đối với một số loại xe điện được sản xuất bởi các nhà sản xuất ô tô cam kết đầu tư ít nhất 500 triệu USD và bắt đầu sản xuất trong nước trong vòng 3 năm. Điều này hứa hẹn sẽ là bước tiếp mới với ngành công nghiệp ô tô của quốc gia này và đi kèm với đó là nhu cầu về cao su cũng tích cực hơn cho hoạt động sản xuất lốp xe.
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cao su dự báo biến động mạnh thời gian tới
Theo báo Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương vừa cho biết, từ đầu tháng 4/2024 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á biến động trái chiều, giá tăng tại Nhật Bản và Thượng Hải, trong khi giảm tại Thái Lan.
Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su tăng trở lại so với cuối tháng 3/2024. Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản tăng do điều kiện thời tiết không thuận lợi ở các khu vực sản xuất cao su và đồng Yên yếu đi, mặc dù giá dầu giảm đã hạn chế mức tăng.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 cũng trong xu hướng tăng. Về lượng tồn kho, tuần tính đến ngày 7/4/2024, tổng tồn kho cao su tự nhiên tại khu ngoại quan và thương mại tổng hợp Thanh Đảo đạt 643.500 tấn, giảm 16.400 tấn so với tuần trước (trong đó, tồn kho tại khu ngoại quan đạt 88.800 tấn, giảm 1,1%; Tồn kho thương mại tổng hợp đạt 554.700 tấn, giảm 2,7%).
Tại Thái Lan, giá cao su giảm trở lại sau khi tăng mạnh trong tháng trước. Chốt phiên giao dịch ngày 9/4/2024, giá cao su RSS3 dao động ở mức 88 Baht/kg (tương đương 2,41 USD/kg), giảm 1,3% so với cuối tháng 3/2024, nhưng tăng 67,4% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện tượng La Nina có khả năng xảy ra vào nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục gây lo ngại cho nguồn cung Thái Lan nói riêng và toàn cầu nói chung, vì thời điểm này là mùa cao điểm khai thác cao su, sau khi kết thúc giai đoạn nghỉ cạo và thay lá trong nửa đầu năm. Trong 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng cao su của Thái Lan đạt 871 nghìn tấn, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo nhận định, nguồn cung cao su có thể tiếp tục thiếu hụt trong năm 2024- 2025, thị trường toàn cầu có thể sẽ thiếu hụt khoảng 600 - 800 nghìn tấn mỗi năm. Sự chênh lệch cung - cầu này đến từ tiêu thụ cao su thiên nhiên trên toàn cầu có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 4-6% mỗi năm, nhờ vào sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và lốp xe toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc.
Đặc biệt, năm 2024 dự báo sẽ là năm khắc nghiệt với cây cao su khi chuyển giao giữa hiện tượng El Nino và La Nina, gây ra nhiều biến động trong mùa vụ khai thác cao điểm tại khu vực Đông Nam Á.
Minh Hoa (t/h)