Những tháng cuối năm xuất khẩu chè vẫn chưa khởi sắc
Trong những năm qua, ngành chè đã đem lại giá trị kinh tế lớn cho xã hội, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên theo dự báo, xuất khẩu chè những tháng cuối năm 2023 vẫn thiếu tín hiệu tích cực.
Báo Công Thương dẫn nguồn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 82 nghìn tấn, trị giá 140,8 triệu USD, giảm 14,2% về lượng và giảm 15,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.717,3 USD/ tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu chè những tháng cuối năm 2023 vẫn thiếu vắng tín hiệu tích cực
Riêng trong tháng 9/2023, xuất khẩu chè đạt 11,1 nghìn tấn, trị giá 18,9 triệu USD, giảm 16,2% về lượng và giảm 11% về trị giá so với tháng 9/2022. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 9/2023 đạt 1.711,1 USD/tấn, tăng 6,2% so với tháng 9/2022.
Xuất khẩu chè tới các thị trường chính đều giảm đáng kể trong 9 tháng đầu năm 2023. Trong đó, thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành chè là Pakistan vẫn đang đối mặt với tình trạng lạm phát và lãi suất cao, cùng với đó là tình trạng thiếu ngoại tệ khiến các nhà nhập khẩu hạn chế mua chè. Do đó, chè xuất khẩu tới thị trường Pakistan tiếp tục xu hướng giảm.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2023, chè xuất khẩu tới thị trường này đạt 33,4 nghìn tấn, trị giá 64,5 triệu USD, giảm 12,3% về lượng và giảm 10% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đạt 10,7 nghìn tấn, trị giá 17,9 triệu USD, giảm 8,3% về lượng và giảm 10,2% về trị giá; tới Nga đạt 5 nghìn tấn, trị giá 8,4 triệu USD, giảm 32,6% về lượng và giảm 35,2% về trị giá…
Bên cạnh đó, trong số các thị trường xuất khẩu chủ lực trong 9 tháng đầu năm 2023, Iraq và Ả Rập Xê-út là 2 thị trường ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu 2 con số. Theo đó, tại thị trường Iraq tăng 48,8% về lượng và 32,9% về giá trị; còn tại thị trường Ả Rập Xê-út tăng 12,2% về lượng nhưng lại giảm 3,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, triển vọng xuất khẩu chè những tháng cuối năm 2023 chưa có tín hiệu tích cực, khi nhu cầu tiêu thụ chè tại các quốc gia bị hạn chế trước sức ép của lạm phát.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chè cũng gặp khó khăn khi các quy định về hàng rào kỹ thuật ngày càng khắt khe, khiến doanh nghiệp chè Việt Nam chưa đáp ứng và tận dụng được cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Cần phát huy tiềm năng, lợi thế cây chè
Theo số liệu trên báo Nhân Dân hiện nay, diện tích chè cả nước là hơn 120 nghìn ha. Chè là một trong những cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương trên cả nước. Các sản phẩm chè Việt Nam không chỉ phục vụ tiêu thụ trong nước mà xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới. Vì vậy, nhiều địa phương đang ưu tiên sản xuất chè theo hướng hữu cơ; ứng dụng chuyển đổi số, phát triển hạ tầng logistics để kết nối giữa sản xuất, chế biến, bảo quản và phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm chè…
Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm cho nên giá trị từng bước được nâng cao. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách từ cấp Trung ương đến địa phương ban hành nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ chè; các sản phẩm làm từ cây chè đang ngày càng đa dạng và phong phú, bảo đảm sản lượng và chất lượng, phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Nhằm phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tại các vùng chè chủ lực đã tiếp cận, phát triển hình thức du lịch trải nghiệm, bước đầu đã có những tín hiệu rất tích cực như: Vùng chè đặc sản Tân Cương, Shan tuyết tỉnh Hà Giang, Shan tuyết Suối Giàng, đảo chè Thanh An, huyện Thanh Chương (Nghệ An) và các đồi chè Tâm Châu tỉnh Lâm Đồng, Long Cốc (Phú Thọ), Mộc Châu (Sơn La), Linh Dương (Lào Cai), Tân Trào (Tuyên Quang), Hương Sơn (Hà Tĩnh)...
Việc phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tại các vùng chè chủ lực đã tiếp cận, phát triển hình thức du lịch trải nghiệm, bước đầu đã có những tín hiệu rất tích cực.
Đáng chú ý, cả nước có khoảng 257 doanh nghiệp chế biến chè quy mô công nghiệp, tổng công suất theo thiết kế là 5,2 nghìn tấn búp tươi/ngày, sử dụng 220 nghìn lao động sản xuất ra gần 200 nghìn tấn sản phẩm mỗi năm. Tuy nhiên, số nhà máy được trang bị đồng bộ, máy móc thiết bị tốt, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật chỉ chiếm 20%; số nhà máy trung bình là 60%; số cơ sở chế biến chắp vá, không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của quá trình chế biến chè là 20%...
Mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng chè của Việt Nam đạt từ 135 đến 140 nghìn ha; phấn đấu đến năm 2025 diện tích chè được chứng nhận an toàn lên 55% và đến năm 2030 khoảng 75%.
Trúc Chi (t/h)