Xuất khẩu dệt may đón nhiều tín hiệu tích cực cuối năm

Xuất khẩu dệt may đón nhiều tín hiệu tích cực cuối năm

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 5, 28/09/2023 18:00

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 8/2023 vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên thị trường đang ấm dần lên, người lao động cũng được đảm bảo việc làm.

Thị trường tiêu dùng dần phục hồi 

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, thị trường dệt may những tháng cuối năm đã ấm lại và dần ổn định. Cụ thể hơn, về đơn hàng tuy còn thiếu nhưng các doanh nghiệp vẫn đảm bảo việc làm cho công nhân trong quý IV, sụt giảm về doanh thu và khó khăn cũng bớt đi.

Có được kết quả này là do thời gian qua tình trạng giảm sút trong ngành dệt may kéo dài, khi nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may phục hồi trở lại, các thị trường cũng có nhu cầu mới.

“Mặc dù thị trường vẫn khó về giá, cạnh tranh về đơn hàng nhỏ lẻ, mẫu mã khó và phức tạp hơn, nhưng doanh nghiệp rất nỗ lực đáp ứng được các yêu cầu nên đã thúc đẩy được tiêu thụ và hợp đồng với đối tác” ông Phạm Xuân Hồng thông tin với Công thương. 

Liên quan tới các tiêu chuẩn ngày càng cao của nhà nhập khẩu Mỹ và châu Âu, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn đáp ứng được (trừ quy định liên quan tới tái chế còn chưa thực sự rõ thông tin), còn về khí thải, môi trường thì hoàn toàn đáp ứng được.

Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy trong tháng 8/2023, xuất khẩu dệt may đạt gần 3,6 tỷ USD, giảm 6% so với tháng 7.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, ngành dệt may đã hoàn thành 65% mục tiêu đạt 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023.

Tương tự như phân tích của Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, thông tin được các đơn vị nghiên cứu thị trường đưa ra cũng cho thấy, thị trường dệt may có khả năng ấm dần về cuối năm.

Kinh tế vĩ mô - Xuất khẩu dệt may đón nhiều tín hiệu tích cực cuối năm

Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022.

Kỳ vọng sớm “thoát đáy” 

Tại báo cáo phân tích về ngành dệt may mới nhất, Chứng khoán SSI Research cho rằng, đơn đặt hàng đối với ngành dệt may Việt Nam dự kiến sẽ được cải thiện dần từ quý IV/2023.

SSI Research dự báo giá bán của hàng may mặc xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022 và chỉ cải thiện nhẹ đối với đơn hàng FOB.

Do đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục được thu hẹp mặc dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện; biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019.

Đặc biệt, chuyên gia của SSI Research cho rằng, xu hướng đơn đặt hàng với khối lượng nhỏ hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn (thời gian giao hàng trước đây lên tới 2 tháng và bây giờ có thể rút ngắn xuống còn 3-4 tuần) sẽ kéo dài đến năm 2024.

Tỷ lệ thuận với những tín hiệu thị trường trên, một số doanh nghiệp dệt may trong nước đang ổn định dần sản xuất. Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG là một trong số doanh nghiệp có được kết quả kinh doanh tích cực trong tháng 8/2023 khi đạt 721 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng 8/2022.

Để đạt được kết quả này, doanh nghiệp đã tạo kết nối và khai thác thêm các khách hàng mới, định hướng chiến lược dòng hàng, thu hút khách hàng trực tiếp. Ngoài ra, doanh nghiệp chấp nhận đơn hàng với biên lợi nhuận thấp để duy trì sản lượng.

Ở tầm vĩ mô, báo cáo vĩ mô tháng 8/2023 của Bảo Việt Securities (BVSC) nhận định, nhiều khả năng trong quý III/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ và có thể kéo tăng trưởng trung bình trong 3 quý đầu năm quay trở lại mức tăng trưởng dương. Cụ thể, với mức tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ, ngành công nghiệp có thể đóng góp khoảng 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong quý III.

Đáng chú ý, BVSC khẳng định chỉ số sản xuất công nghiệp của các ngành dệt, sản xuất sợi, sản xuất kim loại, sản xuất sắt thép gang, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế đã có diễn biến tăng mạnh trở lại so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp của các ngành sản xuất gỗ, sản xuất trang phục đã quay trở lại tăng trưởng dương trong tháng 8.

Như vậy có thể thấy, thị trường dệt may dường như đang ấm dần lên. Những nỗ lực của doanh nghiệp trong tìm kiếm đơn hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn quy định ngày một khó, cộng hưởng với sự đồng hành của Bộ Công Thương trong công tác xúc tiến mở rộng thị trường, hy vọng, ngành dệt may Việt Nam sớm “thoát đáy”, dần hồi phục sản xuất, xuất khẩu.

Chuyển đổi “xanh” 

"Xanh hóa" ngành dệt may là xu thế toàn cầu, không chỉ riêng tại Việt Nam. Hiện nay, yếu tố “xanh” không còn là lựa chọn mà đang dần được luật hóa tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của dệt may Việt Nam. Nếu như trước đây, các tiêu chuẩn này chỉ liên quan đến hóa chất, thuốc nhuộm được sử dụng trên nền tảng vải, thì giờ đây là yêu cầu bao nhiêu phần trăm từ nguyên liệu tái chế, bao nhiêu phần trăm có thể tuần hoàn, tuổi thọ của sản phẩm có dài hay không…

Kinh tế vĩ mô - Xuất khẩu dệt may đón nhiều tín hiệu tích cực cuối năm  (Hình 2).

Yêu cầu về bền vững và cạnh tranh đã thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chuyển đổi xanh.

Trao đổi với VOV, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, Tập đoàn Dệt may Việt Nam xác định phát triển bền vững sẽ là một câu chuyện về chiến lược đường dài, không thể một sớm một chiều, ngay lập tức chuyển đổi toàn bộ. Do đó, doanh nghiệp phải bám rất sát theo yêu cầu của khách hàng, cũng chính là yêu cầu của thị trường.

“Những thách thức nhưng cũng đặt ra những cơ hội, nếu chúng ta bắt kịp được sẽ nâng cao giá trị trên mỗi đầu lao động. Đối với ngành dệt may, lao động phổ thông có thể giảm đi nhưng những lao động có chất lượng phải tăng lên, đáp ứng được yêu cầu mới về phát triển bền vững. Để làm được những sản phẩm xanh, yêu cầu theo thiết kế sinh thái mới đó cũng là cơ hội, vì cơ hội xuất phát từ trong những thách thức. Dệt may phải xác định phát triển bền vững là một xu thế không thể đảo ngược, từ đó chủ động nắm bắt để cố gắng bắt nhịp cùng với thị trường, bắt sớm quá cũng sẽ không hiệu quả, nhưng phải bắt đúng”, ông Vương Đức Anh nói.

Yêu cầu về bền vững và cạnh tranh đã thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chuyển đổi xanh. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã định hướng phát triển bền vững từ nhiều năm trước. Cụ thể như Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã đầu tư cho nghiên cứu và phát triển kinh doanh, tạo ra những sản phẩm mới có tính năng đặc thù, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hay như nhà máy Dệt Bảo Minh được đầu tư nhiều thiết bị công nghệ cao, triển khai Giải pháp tích hợp các hệ thống điều hành mang lại hiệu quả và sự chính xác, đồng bộ cho hoạt động sản xuất.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, các DN dệt may đang đẩy mạnh đầu tư, có những hành động thiết thực cho một tương lai "xanh". Trong tầm nhìn đến 2050, “số hoá” và “xanh hoá” là xu thế tất yếu của ngành dệt may. VITAS xác định “xanh hóa” là tất yếu đòi hỏi sự xuyên suốt được phát động cũng như khuyến cáo các doanh nghiệp trong những năm vừa qua. Hiện nhiều doanh nghiệp dệt may đã đầu tư vào hạ tầng, môi trường và năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, áp mái...

“Hầu hết các doanh nghiệp may, sợi, dệt nhuộm đạt được các chuẩn mực trong Luật môi trường của Việt Nam cũng như đánh giá của khách hàng quốc tế. Xanh hóa liên quan đến khả năng đánh giá, nhận xét của các tổ chức quốc tế và các nhà đánh giá. Dệt may đã đạt các chuẩn mực môi trường, môi trường làm việc của người lao động, tới đây tỷ trọng này ngày càng tăng sẽ thúc đẩy bước phát triển cho đầu tư”, ông Giang kỳ vọng.

 

Việt Nam vươn lên xếp thứ 6 thế giới về xuất khẩu xơ sợi 

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại của Việt Nam trong tháng 8/2023 đạt 174.205 tấn và thu về hơn 427,4 triệu USD, tăng 12,1% về lượng và tăng 11,3% về trị giá so với tháng 7/2023.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm, mặt hàng này đã thu về 2,88 tỷ USD với hơn 1,16 triệu tấn, tăng 6,8% về lượng và giảm 16,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. 

Giá xuất khẩu bình quân đạt 2.476 USD/tấn, giảm 22% giảm so với cùng kỳ năm 2022 (3.171 USD/tấn). 

Xét về thị trường, một thị trường châu Á đang tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam so với năm 2022. 

Cụ thể trong tháng 8/2023, xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại sang Hồng Kông đạt 521 tấn với kim ngạch hơn 1,39 triệu USD, tăng hơn 847% về lượng và tăng 354% về trị giá so với tháng 8/2022.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm, thị trường này đã nhập khẩu 3.767 tấn xơ, sợi dệt của Việt Nam với kim ngạch hơn 11,9 triệu USD, tăng 194% về lượng và tăng 55% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, giá xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại bình quân vào thị trường này đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 3.166 USD/tấn, giảm 47,3% so với cùng kỳ năm 2022 (6.006 USD/tấn). 

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu xơ sợi đứng thứ 6 thế giới đồng thời là nhà xuất khẩu hàng dệt may thứ 3 thế giới – chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh. Năm 2022 xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 44,5 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021 và xuất khẩu xơ sợi dệt các loại đạt 2,54 tỷ USD, giảm nhẹ 4,3% về lượng và giảm 0,2% về trị giá so với năm 2021. 

 

Hương Anh (t/h) 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.