Xuất khẩu tăng trưởng cao
Theo tạp chí Hải Quan, số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố ghi nhận, tháng 12/2023 xuất khẩu điều đạt hơn 63 nghìn tấn, kim ngạch đạt hơn 343 triệu USD.
Tính chung cả năm ngoái, xuất khẩu điều đạt hơn 644 nghìn tấn, kim ngạch đạt 3,644 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng 18% về kim ngạch so với năm 2022.
Đây được xem là mức kim ngạch cao nhất từ trước đến này của ngành điều (cao hơn mức kỷ lục đạt được trước đó vào năm 2021 khoảng 7 triệu USD).
Thị trường xuất khẩu hạt điều khá đa dạng, trong đó những nhà nhập khẩu lớn có thể kể đến như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan…
Cụ thể, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 885,5 triệu USD, tăng 5% so với năm 2022 và chiếm 24,3% kim ngạch xuất khẩu điều của cả nước trong năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 683 triệu USD, tăng 55,23% so với năm 2022, chiếm 18,7% kim ngạch xuất khẩu điều của nước ta. Đây cũng là thị trường tăng ấn tượng nhất trong nhóm 3 thị trường xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam.
Hà Lan đứng thứ ba với kim ngạch đạt 353 triệu USD, tăng 19% so với năm 2022, chiếm 9,7% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.
Tuy nhiên, hiện ngành điều vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Năm 2023, cả nước nhập khẩu gần 2,77 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 3,2 tỷ USD, tăng 46,2% về lượng và tăng 19,6% về kim ngạch so với năm 2022.
2024 vẫn có triển vọng
Thông tin trên báo Công Thương, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội điều Bình Phước, Chủ tịch Tập đoàn Long Sơn- cho rằng, ngành điều có triển vọng tốt trong năm 2024 bởi nhiều thị trường thế giới như EU, Nhật Bản… vẫn có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ điều. Minh chứng là từ cuối năm 2023 đơn đặt hàng nhập khẩu của các nước như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… đang tăng lên và thời điểm này hơn 10 nhà máy chế biến điều của Long Sơn đang phải hoạt động hết công suất, thậm chí còn phải cân nhắc không nhận thêm đơn hàng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH VINAHE (Bình Phước)- cho biết, các đơn hàng xuất khẩu của VINAHE tăng đáng kể trong những tháng cuối năm và công ty cũng phải làm việc hết công suất để đáp ứng được tiến độ giao hàng.
Triển vọng là có, song theo nhận định chung của các doanh nghiệp, ngành điều đang phải đối mặt với bài toán nguyên liệu, chi phí lãi vay cao… cùng làn sóng dịch chuyển sang sản xuất xanh theo xu thế toàn cầu. Trong đó về nguyên liệu, diện tích điều ngày càng thu hẹp bởi người dân chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn như sầu riêng, mít…
Do đó, trong năm tới nếu các doanh nghiệp trong nước không đồng lòng, đoàn kết để điều tiết giá nhập khẩu nguyên liệu điều thô và giá điều nhân chế biến. Về làn sóng chuyển đổi xanh, theo các doanh nghiệp, các thị trường ngày càng có những yêu cầu khắt khe hơn về những tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội…
Dẫn ví dụ từ Tập đoàn Long Sơn, ông Vũ Thái Sơn cho biết, doanh nghiệp này đang xuất khẩu cho các đối tác là siêu thị ở Mỹ, châu Âu nên đòi hỏi các tiêu chuẩn rất cao. Chẳng hạn nếu như trước đây các thông số trên bao bì có thể in thì đối tác yêu cầu phải khắc laser. Doanh nghiệp cũng phải chứng minh cho đối tác thấy trách nhiệm xã hội, môi trường.
Để tận dụng cơ hội của thị trường, các doanh nghiệp đã và đang cố gắng đầu tư cơ giới hóa, tự động hóa, giảm bớt công nhân, giảm chi phí sản xuất và cố gắng bán hàng - dù giá có rẻ hơn. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp giảm tồn kho, xoay vòng tiền trả nợ ngân hàng, từ đó giảm lãi vay. Cùng với đó, đầu tư điện mặt trời mái nhà để tiết giảm tiền sử dụng điện, đồng thời thực hiện ký kết hợp đồng lao động cho công nhân đúng theo thông lệ quốc tế.
Đào Vũ (T/h)