Thuận lợi đà phát triển
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng qua, cả nước đã xuất khẩu được gần 4,2 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 2,7 tỷ USD, tăng gần 15% về lượng và tăng tới hơn 38% về giá trị.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm nay, dự kiến nước ta sẽ xuất khẩu từ 7,5 đến 8 triệu tấn gạo. Hiện nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước hoạt động xuất khẩu gạo liên tục tăng trưởng ở mức cao.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, nhu cầu lương thực nhiều quốc gia tăng mạnh. Tận dụng lợi thế, tiềm năng, Việt Nam đã khai thác hiệu quả kinh tế ngành hàng lúa gạo. Xuất khẩu gạo liên tục tăng, không chỉ về sản lượng mà giá trị cũng đạt ở mức cao.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết: "Từ quý 4 năm 2023 đến nay thì có nhiều tín hiệu tích cực. Đặc biệt giá lúa gạo đã có mặt bằng mới".
Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu gạo cho Việt Nam trước nhất nhờ khai tốt thị trường nhập khẩu Philippines. Quốc gia vùng Đông Nam Á, nhập khẩu gạo Việt Nam chiếm hơn 80% thị phần này, đầu năm tới nay tăng sản lượng tiêu thụ gạo nước ta lên 1 triệu tấn và khả năng năm nay sẽ vượt mốc 4 triệu tấn.
Còn ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho biết: "Trong năm vừa qua cho đến năm nay thì Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới cũng đã hạn chế, gần như là cấm xuất khẩu gạo tẻ. Thì đây lại là thế lớn cho Việt Nam trong việc đàm phán cũng như thúc đẩy để tăng giá trị hạt gạo".
Tăng trưởng xuất khẩu gạo mạnh như hiện nay là điều đáng mừng. Theo các doanh nghiệp để có thể phát huy hiệu quả xuất khẩu gạo bền vững, hoạt động liên kết sản xuất với nhà nông cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá, xuất khẩu gạo vẫn có nhiều tín hiệu tích cực khi nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường vẫn ở mức cao.
Trong khi đó, Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vẫn đang duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng. Các quốc gia khác như Indonesia, Philippines, Malaysia sản lượng sản xuất giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.
“Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng lúa vụ Đông Xuân còn khoảng 3 triệu tấn (tương đương 2 triệu tấn gạo). Với sản lượng còn lại cùng với nguồn nhập khẩu, dự báo 6 tháng đầu năm xuất khẩu gạo có thể đạt khoảng 4,5 triệu tấn”, ông Nam nói.
Đẩy mạnh chuỗi giá trị sản xuất
Theo các chuyện gia, “bắt tay” giữa doanh nghiệp và nông dân/hợp tác xã được xem là mấu chốt để nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo. Tuy nhiên, dù có nhiều chính sách khuyến khích nhưng doanh nghiệp vẫn chọn mua gạo qua thương lái thay vì liên kết với nông dân để mua lúa.
Đại diện Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam thường ký hợp đồng với nước ngoài, sau đó mới thu mua gạo trong nước để thực hiện hợp đồng. Điều này khiến họ trở tay không kịp khi giá gạo thu mua trong nước tăng cao hơn giá mà doanh nghiệp đã ký hợp đồng.
Cùng với đó, khi có biến động giá gạo tăng cao, các doanh nghiệp buộc phải đàm phán lại về thời gian giao hàng với đối tác, dẫn tới chi phí vận chuyển, giao hàng trên toàn chuỗi đều tăng cao, góp phần tăng thêm thua lỗ.
Chia sẻ về những khó khăn, ông Đinh Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ may (Đồng Tháp) cho biết, việc giá gạo trong nước và thế giới liên tục biến động trong thời gian qua khiến doanh nghiệp gặp nhiều thách thức trong sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Tâm, doanh nghiệp có liên kết với bà con nông dân xây dựng vùng nguyên liệu lúa tôm, lúa tôm sinh thái… Trước đây giá gạo trong nước đi ngang và ít biến động, việc mua bán giữa doanh nghiệp và người dân diễn ra khá thuận lợi.
Tuy nhiên, từ tháng 8/2023 đến nay giá gạo nội địa liên tục biến động khiến doanh nghiệp không tính toán được tương lai.
“Hợp đồng đã được ký với khách hàng từ trước, song khi giá gạo liên tục tăng, doanh nghiệp sẽ phải mua gạo vào với mức giá cao. Trong khi đó, doanh nghiệp lại không thể tăng giá, bởi nếu tăng giá sẽ mất khách hàng, mất thị trường. Giá lúa gạo biến động khiến các chuỗi liên kết bị đứt gãy hoàn toàn”, ông Tâm cho hay.
Cũng theo ông Tâm, việc đứt gãy chuỗi liên kết khiến doanh nghiệp e ngại khi đầu tư giống trong vụ mới. Bởi khi đầu tư giống xong đến thời điểm thu hoạch, giá tăng cao, người dân lại bán ra bên ngoài. Đây là những rủi ro mà các doanh nghiệp liên kết sẽ gặp phải trong thời gian tới.
Cũng như các ngành hàng khác, kinh doanh lúa gạo phải đi theo cung cầu thị trường. Do vậy, ông Tâm cho rằng, chính quyền địa phương cần quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nguyên liệu.
“Địa phương phải phối hợp cùng các tổ hợp tác cùng nhau động viên người dân chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp để người dân có lãi và doanh nghiệp có hàng. Từ đó, doanh nghiệp có thể mạnh dạn để đầu tư và phát triển bền vững vùng nguyên liệu”, ông Tâm cho hay.