9 tháng xuất khẩu gỗ tăng 17,2%
Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2024, xuất khẩu sản phẩm gỗ đem về 7,84 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu gỗ nguyên liệu đạt 3,533 tỷ USD, tăng 13,1%; xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ 777 triệu USD, tăng 3,9%. Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản 9 tháng năm 2024 ước đạt 12,15 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 9 tháng năm 2024, trừ 2 thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản có dấu hiệu giảm nhẹ lần lượt là 2,7% và 1,4% so với cùng kỳ năm 2023, các thị trường nhập khẩu chính còn lại vẫn duy trì tăng trưởng khá mạnh; trong đó, Hoa Kỳ đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 54,4%, tăng 24,7% so với cùng kỳ 2023; tiếp đến là Trung Quốc đạt 1,3 tỷ USD và châu Âu đạt 630 triệu USD và đều tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Triệu Văn Lực - Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện một số thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của nước ta (EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc) vẫn còn những khó khăn về kinh tế; chính sách bảo hộ sản phẩm hàng hóa, thực hiện chặt chẽ quy định về giải trình gỗ bất hợp pháp, giảm phát thải khí nhà kính, quy định về không gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), điều tra về chống bán phá giá và chống trợ cấp của thị trường Hoa Kỳ và Hàn Quốc), theo Thời báo ngân hàng.
Bên cạnh đó, tình hình thế giới tiếp tục có những xung đột địa chính trị, biến động phức tạp, khó lường, yếu tố rủi ro, bất định gia tăng; tác động giá cước vận tải biển tăng cao dẫn đến giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng, có loại gỗ nhập tăng 40% so với năm 2023, làm giá thành sản phẩm đầu ra tăng, trong khi nhà nhập khẩu nước ngoài yêu cầu giảm giá thành sản phẩm.
Việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) của các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng dăm gỗ, gỗ dán còn gặp nhiều khó khăn, do các thủ tục xác minh tới tận chủ rừng của ngành thuế cần nhiều thời gian.
Còn nhiều khó khăn và thách thức
Nhận định về tình hình sản xuất và xuất khẩu gỗ trong quý 4, ông Lực cho rằng sẽ rất khó khăn, do bão số 3 vừa qua đã để lại hậu quả rất nặng nề. Thống kê cho thấy có 13 tỉnh thiệt hại về rừng với diện tích 169.588 ha (diện tích này chưa bao gồm diện tích rừng tự nhiên bị sạt, trượt); trong đó 4 tỉnh thiệt hại nặng nhất là TP.Hải Phòng 10.045ha; Lạng Sơn 19.729 ha; Bắc Giang 26.415 ha và Quảng Ninh 110.713 ha. Nhiều cơ sở sản xuất chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại, cần phải đầu tư sửa chữa, khôi phục.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp đánh giá: Với chu kỳ trồng rừng sản xuất cây sinh trưởng nhanh (từ 5-7 năm), lượng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước ước sẽ giảm khoảng 3,5 triệu m3/năm. Nguyên nhân bởi các diện tích bị gãy đổ do bão phải trồng lại rừng được 5-7 năm mới đủ điều kiện khai thác.
"Bão số 3 đã khiến khối lượng gỗ nguyên liệu (gỗ nhỏ) bị thiệt hại lên đến 12 triệu m3; chi phí khai thác và vận chuyển cây bị đổ gãy khó khăn, trong khi giá trị gỗ nguyên liệu từ cây bị đổ gãy giảm. Điều đáng lo ngại nhất là nguy cơ giảm chuỗi cung cấp gỗ nguyên liệu trong những năm tới", ông Trần Quang Bảo nhận định.
Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, cho hay toàn tỉnh có 40.000ha rừng trồng thì đến nay chỉ còn khoảng 10.000ha nguyên vẹn, còn lại gãy đổ hết do bão. Có những doanh nghiệp như Công ty Lâm nghiệp Tiên Yên toàn bộ diện tích rừng không còn cây nào lành lặn.
“Để có được diện tích rừng phát triển như hiện nay, các doanh nghiệp phải mất 10 năm trồng, chăm sóc và không biết đến bao giờ mới khôi phục được. Hiện 11/13 hệ thống vận chuyển dăm lên cảng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã bị bão đánh tan nát, tàu cũng khó vào "ăn" dăm hơn nên hiện giá dăm đang giảm”, ông Văn nói.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, do ảnh hưởng của bão số 3, các doanh nghiệp thuộc Chi hội gỗ dán thiệt hại 130 tỷ đồng; Chi hội Viên nén gỗ bị thiệt hại 70 tỷ đồng; Chi hội Dăm gỗ thiệt hại trên 322 tỷ đồng. Các tỉnh phía Bắc gồm các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ… có 1.950ha rừng trồng nguyên liệu dăm gỗ của doanh nghiệp bị gãy đổ, với tổng giá trị thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng.
Để kịp thời ổn định thị trường xuất khẩu dăm gỗ, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dăm gỗ đã họp, thống nhất và công khai (đồng thời báo cáo chính quyền địa phương) về khung giá tối thiểu để thu mua gỗ keo phân loại theo tiêu chí về tuổi keo, độ khô và loại gỗ (bóc vỏ/ chưa bóc vỏ), đảm bảo lợi ích cho người dân và các đơn vị liên quan.
Các doanh nghiệp chế biến kinh doanh dăm gỗ các tỉnh phía Bắc đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo, có ý kiến để các cơ quan chứng năng sớm ban hành các chính sách về giãn, hoãn, khoanh nợ, gói lãi suất 0 đồng/ lãi suất thấp, hỗ trợ doanh nghiệp được vay tín chấp,… theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, giao các đơn vị chức năng/các tổ chức cung cấp giống kịp thời hướng dẫn và hỗ trợ về cung cấp giống (keo) với giá thành hợp lý và đủ số lượng để doanh nghiệp sớm triển khai trồng lại diện tích đất rừng đã bị thiệt hại, theo Vneconomy.
Nhằm đạt và vượt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 là 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỷ USD, tăng khoảng 6 % so với năm 2023, ông Triệu Văn Lực cho biết, hiện toàn ngành lâm nghiệp đang dồn lực khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, hỗ trợ kịp thời các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất lâm nghiệp, chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản bị thiệt hại nhanh chóng ổn định lại sản xuất. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện hành, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào việc phát triển rừng trồng, chế biến gỗ và lâm sản.
KHÁNH LINH (t/h)