Đơn hàng phục hồi, doanh nghiệp phấn khởi
Đầu tháng 6/2024, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt 4,9 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 3,35 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước…
Dữ liệu từ báo cáo tài chính các doanh nghiệp ngành gỗ cho thấy, trong số 15 doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ trên sàn (HOSE, HNX, UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024, có 9 doanh nghiệp tăng lãi, 4 doanh nghiệp giảm lãi và 2 doanh nghiệp tiếp tục lỗ.
Tổng doanh thu các doanh nghiệp đạt gần 4,1 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2023 song lãi ròng lại tăng mạnh 46%, lên hơn 313 tỷ đồng.
Xét về con số tuyệt đối, Công ty CP Phú Tài (PTB) đứng đầu doanh thu quý 1, đạt gần 903 tỷ đồng từ việc bán các sản phẩm gỗ, chiếm 64% tổng doanh thu và tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước, nhờ sản lượng tiêu thụ gỗ tăng.
Lãi từ hoạt động tài chính tăng thêm hơn 20 tỷ đồng, giúp lãi ròng của PTB đạt hơn 89 tỷ đồng, tăng 42% và là mức lãi cao nhất trong 3 quý gần nhất, kể từ quý 3/2023.
Trong khi đó, Công ty CP Gỗ An Cường (ACG) đứng đầu về mức tăng trưởng lợi nhuận quý 1 với 124%, đạt hơn 81 tỷ đồng. Công ty cho biết, đã đẩy mạnh các dòng hàng có biên lợi nhuận tốt, đồng thời thực hiện các giải pháp tối ưu hóa hoạt động sản xuất, tăng năng suất và tiết giảm chi phí.
Chia sẻ tại Đại hội Đại cổ đông thường niên 2024, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ An Cường, công ty đã có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 11 vì thị trường Mỹ đã hồi phục. Dự báo tình hình xuất khẩu của công ty trong năm 2025 và 2026 sẽ tích cực hơn.
“Hiện nay, các nhà máy của An Cường cơ bản hoạt động với 70% công suất, riêng nhà máy xuất khẩu hoạt động với hơn 110% công suất, thậm chí công ty còn phải gia công thêm ở bên ngoài”, ông Nghĩa thông tin thêm.
Còn Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới các thị trường chính đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao.
Dẫn đầu là xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ đạt 2,7 tỷ USD, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 668 triệu USD, tăng 38,3%; Canada đạt 77,5 triệu USD, tăng 29,2%; Anh đạt 73 triệu USD, tăng 21,3%; Úc đạt 46 triệu USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ
Đối với sản phẩm ngành gỗ, tại thị trường Hoa Kỳ đang có những động thái về cắt giảm lãi suất, qua đó kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Nhờ đó đã giúp nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ tại thị trường này đang tăng mạnh mẽ. Khu vực EU cũng đã vượt qua giai đoạn suy thoái, lượng tồn kho sản phẩm gỗ đã cạn nên các thương nhân bắt đầu tăng nhập khẩu trở lại.
Nhờ tăng trưởng mạnh về xuất khẩu, đồ gỗ Việt Nam đang tiếp tục chiếm thị phần lớn tại nhiều thị trường tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ hàng đầu thế giới. Tại thị trường Hoa Kỳ, đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 40,8% tổng giá trị nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trong quý 1/2024.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay: "Thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao".
Phân tích thêm, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIFOREST chỉ ra, do nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có dấu hiệu hồi phục ở nhiều thị trường, đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp đã có sự phục hồi đáng kể, bằng 80 - 90% so với năm 2022. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 8, thậm chí có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2024.
“Trong giai đoạn 2010-2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ luôn có tốc độ tăng trưởng cao, mỗi năm tăng 25-45%. Đến năm 2023, xuất khẩu ngành hàng này suy giảm. Tuy nhiên, sang năm 2024, ngành gỗ đã đón những tín hiệu tích cực và đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng như thời kỳ hoàng kim”, ông Hoài nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Hoài, ngành gỗ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính…
Quan ngại hơn, nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa ngày càng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam.
"Để cụ thể hóa doanh số xuất khẩu, ngành gỗ đang tập trung vào nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó đẩy mạnh thị trường theo hướng phát triển bền vững. Bởi nếu không xây dựng tốt thị trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh số xuất khẩu gỗ trong năm 2024", ông Hoài nhấn mạnh.