Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) 6 tháng 2024 đạt 32 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 24,5 tỷ USD, tăng 14,1%, nhập khẩu từ EU đạt 7,5 tỷ USD, tăng 5,2%.
Nhờ xuất khẩu khởi sắc so với cùng kỳ năm ngoái đã góp phần cải thiện cán cân thương mại với mức xuất siêu 17 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ.
Theo báo Công Thương, xuất khẩu sang EU khởi sắc là nhờ sự phục hồi đáng kể của những nhóm hàng chủ lực như điện thoại, máy tính, hàng dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản.
Tăng mạnh nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt kim ngạch xấp xỉ 4,1 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ, máy móc thiết bị và phụ tùng đạt 3,95 tỷ USD, tăng hơn 22%, giày dép gần 3 tỷ USD, tăng 11,3%...
Xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EU đạt 513 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng lưu ý, đơn hàng xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ đã khiến máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang EU tăng kỷ lục, mới hết 6 tháng nhưng chỉ kém thực hiện của cả năm ngoái 1,5 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu của nước ta tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn nửa đầu năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số, trong đó EU có mức tăng cao chỉ sau Mỹ (22,1%), cao hơn mức tăng tại ASEAN (12,3%), Hàn Quốc (10,4%), Nhật Bản (1,8%), Trung Quốc (5,3%)...
Nếu tiếp tục duy trì được đà phục hồi như giai đoạn đầu năm, nửa cuối năm nay, xuất khẩu sang EU có thể đạt 50-52 tỷ USD.
Hỗ trợ đáng kể cho sự phục hồi của thương mại hàng hóa là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi sắp tròn 4 năm (ngày bắt đầu có hiệu lực 1/8/2020), với cam kết ưu đãi thuế quan cho nhiều mặt hàng xuất khẩu.
Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O ưu đãi theo mẫu EUR.1 trong năm ngoái đạt 14,3 tỷ USD, tương đương 35,17% kim ngạch xuất khẩu sang EU.
Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 rất tốt như thủy sản (89,2%), rau quả (88,3%).
Riêng giày dép, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu 4,8 tỷ USD có tỷ lệ cấp C/O ưu đãi EUR.1 lên tới gần 100%.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với khu vực EU đạt 34,3 tỷ USD
Theo báo Đầu tư, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ), thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) của Việt Nam.
Năm 2023, suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu hàng hóa tại EU sụt giảm đã tác động đến trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực thị trường này.
Tổng kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với các nước trong khu vực châu Âu ước đạt 72,3 tỷ USD, giảm 5,3% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 53,3 tỷ USD, giảm 4,7% và nhập khẩu ước đạt gần 19 tỷ USD, giảm 6,8%.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường châu Âu trong năm 2023 ước đạt 34,3 tỷ USD.
Xuất khẩu sang EU đã thu hẹp đà giảm khá nhanh trong những tháng cuối năm, trong khi giai đoạn nửa đầu năm, sụt giảm kim ngạch xuất khẩu đều ở mức 2 con số.
Với độ mở nền kinh tế lớn, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chịu tác động trực tiếp từ sự sụt giảm của kinh tế toàn cầu nửa đầu năm và sự phục hồi một cách chậm chạm và không đồng đều của các nền kinh tế trên thế giới nửa cuối năm 2023.
Minh Hoa (t/h)