Thống kê từ Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu trên 217.500 tấn hạt điều, thu về 1,17 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu hạt điều của nước ta tăng 34% về lượng và tăng 22,5% về giá trị.
Trong 4 tháng, xuất khẩu hạt điều sang hầu hết thị trường đều tăng trưởng dương. Đặc biệt, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang nhiều thị trường lớn có mức tăng từ 2 đến 3 con số.
Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của hạt điều Việt Nam khi người tiêu dùng của quốc gia này rất chuộng mua. Tính đến hết tháng 4 năm nay, nước ta xuất khẩu gần 57.200 tấn hạt điều sang thị trường Mỹ, kim ngạch đạt 304,1 triệu USD, tăng 32,3% về lượng và tăng 20,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, theo VietNamNet, tại thị trường Trung Quốc, hạt điều Việt Nam được khen ngon, có chất lượng vượt trội so với hàng nội địa, nguồn cung ổn định quanh năm. Do đó, Trung Quốc tăng mạnh mua hạt điều của nước ta, giảm mua từ các quốc gia khác.
Theo thống kê, chỉ trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 37.200 tấn hạt điều sang Trung Quốc, thu về 201,4 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu hạt điều tăng mạnh 97,6% về lượng và tăng 62,4% về giá trị. Tin vui là hơn 90% hạt điều của Trung Quốc được nhập khẩu từ Việt Nam.
Năm ngoái, xuất khẩu hạt điều ghi nhận mức tăng trưởng khá trong số các nhóm sản phẩm của ngành nông nghiệp. Cùng với rau quả, cà phê và gạo, xuất khẩu hạt điều tăng cả lượng và trị giá so với năm 2022.
Cụ thể, báo Đầu tư dẫn thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong năm 2023 đạt 644.000 tấn, trị giá 3,64 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với năm 2022. Mỹ và Trung Quốc cũng là khách hàng lớn của hạt điều Việt.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, trong năm 2023, xuất khẩu điều sang thị trường Mỹ đạt 885 triệu USD, tăng 5% so với năm 2022 và chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
Xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc ghi nhận đột phá, với kim ngạch 683 triệu USD, tăng 55% so với năm 2022 và chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều cả nước.
Trong 10 thị trường lớn nhất của hạt điều Việt, mức tăng trưởng của thị trường Trung Quốc chỉ đứng sau thị trường Nga, song vượt xa các thị trường khác như Mỹ, UAE, Đức, Anh, Canada...
Trước những biến động về giá và sản lượng, hạt điều Việt Nam luôn chiếm tỷ trọng áp đảo từ 80-90% trong tổng lượng nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc và Mỹ. Ngành điều Việt Nam vẫn duy trì vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu trong 16 năm liên tiếp.
“Xuất khẩu điều sẽ tiếp tục giữ được đà tăng trưởng cao, hướng tới mốc kỷ lục mới là 3,8 tỷ USD trong năm nay”, ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam - cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Long Sơn – doanh nghiệp hàng đầu về chế biến, xuất khẩu điều của Việt Nam, để đạt được thành công trong năm 2024, các doanh nghiệp điều Việt Nam cần đoàn kết với nhau để mua được nguyên liệu giá thấp. “Nếu không đoàn kết thì dù thị trường có thuận lợi đến mấy, nhưng giá nguyên liệu đầu vào cao quá thì vẫn không hiệu quả”, ông Sơn chia sẻ với tạp chí Hải quan.
Về triển vọng trong năm 2024, theo VietNamNet, thị trường hạt điều toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. Xu hướng ăn thuần chay và thực vật ngày càng nhiều nên nhu cầu về các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt tăng cao, trong đó có hạt điều.
Giới phân tích đánh giá khu vực châu Á sẽ là thị trường trọng điểm của ngành điều do ít bị tác động bởi các cuộc chiến tranh. Tại thị trường Trung Quốc, ngành điều Việt có cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu khi nhu cầu của quốc gia tỷ dân này tiếp tục tăng. Thị trường Mỹ cũng được dự báo sẽ tốt. Một số khách hàng của ngành điều Việt Nam tại Mỹ cho biết sức mua đã bắt đầu khởi sắc, tồn kho đang giảm, cho thấy kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi. Riêng thị trường châu Âu được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn do lạm phát cao, sức mua của người dân vẫn yếu.
Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 thị trường mới mà ngành điều Việt Nam mới thâm nhập được kể từ sau đại dịch Covid-19. Trước đây, các nhà mua hàng tại 2 thị trường này đều mua hạt điều của Ấn Độ, nhưng việc các nhà máy Ấn Độ ngưng sản xuất trong thời gian đại dịch đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Hiện các khách hàng tại đây đều đánh giá rất cao hạt điều Việt Nam cả về giá cả và chất lượng, nên tiềm năng trong thời gian tới là rất lớn.
Để khắc phục những hạn chế, tận dụng cơ hội thị trường, các doanh nghiệp ngành điều đang nỗ lực đầu tư máy móc, thiết bị, tự động hóa để giảm chi phí sản xuất, đồng thời nỗ lực chuyển đổi để đáp ứng những yêu cầu mới của thị trường. Như tại Tập đoàn Long Sơn, việc in thông tin bằng mực in trên hộp điều đã phải thay bằng cách khắc laser để không ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, Long Sơn cũng đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái để chứng minh cho khách hàng về việc tiết giảm sử dụng điện từ năng lượng hóa thạch…
Bên cạnh sự tự chủ động như trên, các doanh nghiệp cũng mong muốn có chính sách hỗ trợ vay vốn thông thoáng hơn và có cơ chế linh hoạt trong việc thu ngoại tệ khi xuất khẩu, cụ thể là bán thị trường nào thì thu ngoại tệ thị trường đó.
Minh Hoa (t/h)