Xuất khẩu điện thoại, máy vi tính mang về hơn 10 tỷ USD
Báo Công Thương dẫn số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 8, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt kim ngạch xuất khẩu 5,28 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước và tiếp tục duy trì là nhóm hàng lớn nhất của nước ta.
Trong khi đó, điện thoại và linh kiện có sự tăng trưởng ấn tượng tới 15,7% so với tháng trước và đạt 5,15 tỷ USD.
Riêng hai nhóm hàng lớn nhất nêu trên đạt tổng kim ngạch 10,43 tỷ USD, chiếm 31,84% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong tháng 8.
Ngoài ra, tháng 8 còn 5 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên và hầu hết có sự tăng trưởng khá so với tháng trước.
Cụ thể, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3,62 tỷ USD, tăng 2,4%; dệt may đạt 3,45 tỷ USD, tăng 5,5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,29 tỷ USD, tăng 15,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,21 tỷ USD, tăng 5,7%.
Trong các nhóm hàng “tỷ USD”, duy nhất giày dép có kim ngạch giảm so với tháng 7/2023. Trong tháng 8, nhóm hàng này đạt 1,72 tỷ USD, giảm 4%.
Tháng 8, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 32,76 tỷ USD, tăng 9% (tương ứng tăng 2,69 tỷ USD) so với tháng trước.
Tính chung 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cả nước đạt 228,17 tỷ USD, giảm 9,8% (tương ứng giảm 24,79 tỷ USD).
Để xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng trưởng bền vững
Theo báo Lao Động, mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện của Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, chưa phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỉ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao còn thấp. Theo tạp chí Hải Quan, trong 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 3,9%, thấp hơn mức giảm 5,1% của 5 tháng, 4,6% của 6 tháng và 4,3% của 7 tháng. Đây là một tín hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất cũng như xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện trong năm 2023, dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ và đóng góp tích cực của ngành này vào sự phục hồi của cả nền kinh tế Việt Nam.
Để hoạt động xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện thực sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, cần có thêm các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Đồng thời, có thêm sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; tăng cường vai trò, hiệu quả của các cơ quan đại diện thương mại, của các hiệp hội ngành nghề trong xúc tiến thương mại; tìm kiếm cơ hội kinh doanh và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền và ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm thực hiện có hiệu quả, tận dụng các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư từ các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết...
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo Công Thương, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định, trong thời gian tới, cần xây dựng một chiến lược hỗ trợ dài hơi, giúp biến đổi ngành từ việc lắp ráp đơn giản sang sản xuất, chế tạo các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Ðầu tiên, cần thúc đẩy phát triển các sản phẩm như màn hình, chất bán dẫn và linh kiện điện tử quan trọng.
Về phía các doanh nghiệp điện tử, cần chú trọng hơn tới việc xác định các sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả. Mỗi doanh nghiệp cần tự xác định cho mình những phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp, đồng thời cần tính đến khả năng đón đầu xu hướng tiêu dùng cũng như phát triển công nghệ chung của thế giới. Trên cơ sở đó, giúp cho doanh nghiệp nội tập trung nguồn lực để phát triển các sản phẩm có năng lực cạnh tranh tốt.
Minh Hoa (t/h)