Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/7, xuất khẩu máy tính, điện thoại, linh kiện các loại đạt gần 65,9 tỷ USD; trong đó, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 36,32 tỷ USD; điện thoại và linh kiện là 29,57 tỷ USD…
Riêng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm đến 17,52% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đáng chú ý, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có kim ngạch vượt trội so với các nhóm hàng tiếp theo. Dễ thấy nhất, nhóm hàng đứng thứ hai là điện thoại và linh kiện, khoảng cách về kim ngạch đã lên đến 6,75 tỷ USD (điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch đạt 29,57 tỷ USD, tính từ đầu năm đến 15/7).
Theo bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC, tăng trưởng GDP quý II/2024 của Việt Nam đã tăng lên 6,9% so với cùng kỳ năm trước, gần như là mức cao nhất trong hai năm qua, vượt xa mức kỳ vọng của HSBC cũng như thị trường là 6%.
HSBC cho hay, lĩnh vực gây ngạc nhiên nhất chính là sản xuất, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cũng được phản ánh qua tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ của quý II, đạt 15% so với cùng kỳ năm trước.
Sự phục hồi xuất khẩu chủ yếu được dẫn dắt bởi mảng điện tử, song các ngành hàng khác cũng bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.
Ở chiều ngược lại, nửa đầu tháng 7, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 5 tỷ USD và nâng tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ đầu năm đến 15/7 đạt 54,3 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đã tăng 28,4%, tương ứng với hơn 12 tỷ USD và chiếm gần 28% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 thị trường nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lớn nhất. Riêng 2 thị trường lớn ở châu Á chiếm với tổng kim ngạch đạt khoảng 30,77 tỷ USD, gần 57% tổng kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của cả nước.
Cụ thể, nhập khẩu từ Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch xấp xỉ 16 tỷ USD, tăng mạnh 60% (tương đương gần 6 tỷ USD) so với cùng kỳ 2023. Nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 14,77 tỷ USD, tăng 18,16% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương tăng 2,27 tỷ USD).
Đặc biệt, sau nhiều năm dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, thời gian gần đây, điện thoại và linh kiện đã đánh mất vị trí này vào nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Như năm 2023, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt dẫn đầu cả nước về kim ngạch với 57,32 tỷ USD, trong khi điện thoại và linh kiện đạt 52,37 tỷ USD.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tốc độ tăng trưởng của máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cao hơn nhóm điện thoại và linh kiện nên vị trí giữa hai nhóm hàng này có khoảng cách nới rộng hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế dự báo, tín hiệu phục hồi của sản xuất và xuất khẩu vẫn đang được duy trì tích cực khi nhìn vào mức chi ngoại tệ để nhập khẩu máy móc, thiết bị và một số nhóm hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, nếu đơn hàng xuất khẩu ngành điện tử duy trì như hiện nay thì nhiều khả năng kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có khả năng cán mốc 100 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, cả hai nhóm hàng đều có thị trường phong phú, đa dạng ở khắp 5 châu. Trong đó, lớn nhất phải kể đến Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU…
Từ đầu năm đến giữa tháng 7/2024, xuất nhập khẩu hàng hóa nước ta đạt hơn 402 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hơn 207 tỷ USD, nhập khẩu 195 tỷ USD, cán cân thương mại xuất siêu 11,87 tỷ USD.
KHÁNH LINH (t/h)