Theo Hải Quan Online, thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 11, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,42 tỷ USD.
Kết quả trên, giúp kim ngạch nhóm hàng này tính từ đầu năm đến 15/11 đạt 48,94 tỷ USD, tăng khoảng 600 triệu USD so với cùng kỳ 2022 (tương đương tăng 1,22%).
Dù mức tăng còn ít, nhưng đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh không chỉ máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện mà nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tăng trưởng âm suốt thời gian dài của năm 2023.
Nhờ sự phục hồi kể trên, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã giành vị trí số về xuất khẩu của Việt Nam từ ngành hàng điện thoại. Đến 15/11, riêng nhóm hàng này chiếm xấp xỉ 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Về thị trường (cập nhật hết tháng 10), Việt Nam xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang các thị trường chủ lực như: Hoa Kỳ đạt 13,5 tỷ USD (tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ 2022); Trung Quốc đạt 11 tỷ USD (tăng 11,9%); EU đạt 4,92 tỷ USD (giảm 18%); Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 4,17 tỷ USD (giảm 17,3%)…
Về hoạt động xuất khẩu nói chung, từ đầu năm đến 15/11, kim ngạch cả nước đạt 306,06 tỷ USD, giảm 6,4% (tương ứng giảm 20,96 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, nhiều nhóm hàng chủ lực vẫn giảm mạnh: điện thoại các loại và linh kiện giảm 6,52 tỷ USD (tương ứng giảm 12,4%); dệt may giảm 4,22 tỷ USD (tương ứng giảm 12,7%); giày dép các loại giảm 3,73 tỷ USD (tương ứng giảm 17,7%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 2,78 tỷ USD (tương ứng giảm 7%)...
Xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng đầu nhóm tỷ USD
Theo Vietnamplus, thống kê của Bộ Công Thương cho hay qua 10 tháng, cả nước đã xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD. Đáng chú ý, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,2%.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, ước đạt 47 tỷ USD. Tiếp đến là Điện thoại các loại và linh kiện, thu về 44,02 tỷ USD; Ngoài ra, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 35,51 tỷ USD; hàng dệt may đạt 27,8 tỷ USD; giày dép các loại đạt 16,05 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng ước đạt 11,58 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,8 tỷ USD…
Đại diện Bộ Công Thương cho hay, trong xuất khẩu đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường. Theo đó, xuất khẩu sang các thị trường lớn của Việt Nam mặc dù giảm tại Mỹ và EU, nhưng xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á đã tăng trưởng tốt.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã thực hiện tốt các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - đây là thị trường xuất khẩu duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (tăng 5%), trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.
Đào Vũ (T/h)