Xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm: Ấn tượng những con số và thách thức đường dài

Xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm: Ấn tượng những con số và thách thức đường dài

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 3, 04/06/2024 11:45

Xuất khẩu nông lâm thủy sản những tháng đầu năm tăng trưởng khá với những con số ấn tượng. Nhiều ngành chủ lực có mức tăng trưởng cao.

Tính chung 5 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng

Tháng 5/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,06 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 5/2023; trong đó, nông sản chính 2,73 tỷ USD (tăng 14,3%). Tính chung 5 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 24,14 tỷ USD. Đóng góp vào kết quả này có nông sản 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%. Về giá trị xuất khẩu, hầu hết các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước: Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,6%; Cà phê tăng 44,1%; Gạo tăng 38,2%; Điều tăng 19,3%; Rau quả tăng 28,1%.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), xuất khẩu cà phê đang đạt được mức tăng ấn tượng nhất, với 2,9 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2024, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu gạo tiếp nối phía sau, trong 5 tháng đầu năm đã xuất khẩu 4,15 triệu tấn gạo, đem về 2,65 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và 38,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết về thị trường rau quả, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam nhận định, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng có xu hướng tăng.

Tuy chưa đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ như với các mặt hàng nông sản và lâm sản, nhưng xuất khẩu thủy sản đã có dấu hiệu hồi phục trở lại. Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm ước đạt 725 triệu USD, tăng 2% so với cùng kì năm 2023. Trong đó, thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất trong 5 tháng đầu năm vẫn là Hoa Kỳ, tiếp theo là châu Âu và một số thị trường Nam Mỹ khác.

Đáng chú ý, xuất khẩu tôm tháng 5/2024 đem về 361 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu tôm 5 tháng lên 1.335 triệu USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế vĩ mô - Xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm: Ấn tượng những con số và thách thức đường dài

Ảnh minh họa.

Xuất khẩu nông sản vẫn "tiềm ẩn" nhiều mối lo

Những tháng đầu năm mặc dù đạt thành tích ấn tượng nhưng hoạt động xuất khẩu nhiều loại nông sản (gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, rau quả...) vẫn tiềm ẩn nhiều mối lo. Nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành lại đang thua lỗ, có DN đã phải rời thị trường vì không gồng nổi.

Đặc biệt với ngành gạo, dù số liệu xuất khẩu vẫn sáng, thị trường vẫn tốt với kim ngạch 5 tháng đầu năm ước đạt 2,65 tỷ USD, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm ngoái; giá gạo xuất khẩu bình quân 638 USD/tấn, tăng 20,5%. Tuy nhiên, một số vấn đề bất ổn đang xuất hiện khi các DN gạo thua lỗ xuất hiện ngày càng nhiều, nợ tiền lúa của nông dân và gần đây nhất là vụ DN bỏ thầu giá thấp để có được hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia có thể gây thiệt hại cho ngành lúa gạo.

Như trường hợp Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, một DN lớn trong ngành nông nghiệp, báo lỗ ròng 96 tỷ đồng quý I/2024, nhiều hơn 15 tỷ đồng so với mức lỗ cùng kỳ năm trước.

Trong vụ lúa đông xuân vừa qua, Lộc Trời còn vướng phải lùm xùm nợ tiền lúa gần 500 tỷ đồng của nông dân tại các tỉnh ĐBSCL. Sau khi thu xếp được tài chính để trả hết tiền cho nông dân vào ngày 21-5, đại diện Lộc Trời đã có giải thích về sự cố dòng tiền, trong đó có việc biên độ lợi nhuận ngành gạo rất thấp và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất khả kháng như thời tiết bất thường, sâu bệnh hoặc các sự cố bất ổn liên quan đến an ninh lương thực thế giới…

Trước đó, năm 2023, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) lỗ 208 tỷ đồng. Nguyên nhân là do doanh thu thuần giảm đến 77% so với năm trước còn chi phí lãi vay lại tăng 18%.

Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An năm 2023 cũng ghi nhận lỗ lần đầu kể từ khi lên sàn chứng khoán với mức lỗ 19 tỉ đồng dù doanh thu đạt 4.484 tỷ đồng, tăng 18%.

Theo Người Lao Động, tuần qua, tại cuộc họp về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT cùng chủ trì, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đã đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo để xử lý tình trạng bỏ thầu giá thấp. Tuy nhiên, đề xuất này đã gặp nhiều phản ứng trái chiều của các DN gạo bởi lo ngại quay lại tình trạng xin - cho trong khi xu thế chung là tháo gỡ các rào cản, tăng quyền tự chủ cho các DN.

Mới đây, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, nói chỉ có nhà vườn trồng sầu riêng lãi lớn chứ nhiều DN thu mua và xuất khẩu lại đang thua lỗ, có DN mất đến cả trăm tỷ đồng vì tình trạng tranh mua tranh bán, phá vỡ các giao kèo khi giá sầu riêng tăng.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thừa nhận thực tế ngành xuất khẩu sầu riêng những năm qua nhà vườn lãi lớn, còn DN thua lỗ khá nhiều, đến mức không đóng nổi phí hội viên....

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước - thông tin các DN điều Việt Nam đang gặp vấn đề lớn khi giá nguyên liệu tăng cao, các nhà xuất khẩu châu Phi hủy hợp đồng giao hàng để bán lại với giá cao hơn.

"Đầu năm, nhiều DN dự báo nguyên liệu dồi dào, giá rẻ nhưng không ngờ châu Phi mất mùa nặng. Đầu tháng 5, Bờ Biển Ngà tạm dừng xuất khẩu điều thô để hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa. Đây là thị trường cung cấp khoảng 1/3 nguyên liệu cho Việt Nam nên mức độ ảnh hưởng khá lớn. Tình hình xuất nhập khẩu điều từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy", ông Sơn nhận định.

Về định hướng xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trong thời gian tới, Bộ NNPTNT cho hay các thị trường lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Dù vậy, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức về cung và cầu hàng nông sản, vật tư. Các cuộc xung đột quân sự gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt... làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng chi phí vận chuyển. Nhiều quốc gia thực thi chính sách bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung, ứng phó với tác động tiêu cực của El Nino, La Nina.

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, bộ này cho biết sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản. Đặc biệt, tận dụng các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, hỗ trợ DN ký kết đơn hàng xuất khẩu mới…

Nhằm đẩy mạnh tuân thủ các quy định quốc tế về xuất khẩu nông sản, ngành hàng lúa gạo không chỉ mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất hữu cơ, xây dựng chuỗi giá trị... mà còn tiên phong tập trung vào một phân khúc khó hiện nay là sản xuất lúa giảm phát thải, tiến tới trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bán gạo phát thải thấp. Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng: Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang ghi nhận tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây nhưng thực tế trong sản xuất chưa có nhiều vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn; canh tác lúa vẫn thiếu bền vững do người nông dân sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học gây ảnh hưởng đến môi trường, tăng phát thải khí nhà kính.

Theo báo Nhân Dân với mục tiêu giảm 20% chi phí đầu vào sản xuất, đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất lúa của các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, từ đầu năm đến nay, do nhu cầu thị trường phục hồi, thêm vào đó các doanh nghiệp tận dụng tốt ưu đãi từ các FTA nên kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản tăng trưởng cao. Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, nhiều thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ đạo của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại như Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực châu Á, Hoa Kỳ...

Theo ồng Hải, trong thời gian tới, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả cung và cầu hàng nông sản, vật tư; các cuộc xung đột quân sự gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt... làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng chi phí vận chuyển. Nhiều quốc gia thực thi chính sách bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung, ứng phó với tác động tiêu cực của El Nino, La Nina. Đây là khó khăn rất lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta.

Doanh nghiệp cần có chiến lược linh hoạt để đối phó. Trong đó, chú ý "chăm sóc" tốt một số thị trường "ruột" như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU. Đồng thời, tận dụng các FTA, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực.

"Bộ Công thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới và phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng. Ngoài ra, tổ chức các hoạt động phổ biến thông tin, quy định thị trường và hỗ trợ kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường, các chuỗi phân phối bán lẻ trong nước, các sàn thương mại điện tử…", ông Hải nhấn mạnh.

Năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP 3,5%. Bước chạy đà của những tháng đầu năm 2024 là tín hiệu tích cực cho thấy sự nỗ lực của toàn ngành trên chặng đường hiện thực hóa mục tiêu. Thị trường đã mở, nhu cầu nông, lâm, thủy sản trên toàn cầu được dự báo sẽ còn tăng, thì nâng cao năng lực thực thi các quy định về chất lượng sản phẩm, lao động, môi trường... trong sản xuất và xuất khẩu sẽ giúp nông sản Việt Nam thắng lớn trên thị trường quốc tế.

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.