Tại tỉnh Lào Cai, dứa (thơm) đang chất đống khắp nơi, thậm chí phải đổ đi cả xe tải, làm thức ăn cho trâu bò vì không được thu mua. Chưa phải mặt hàng xuất chính ngạch vào Trung Quốc nên vừa qua, do chính sách siết chặt nhập tiểu ngạch của thị trường này nên dứa không xuất đi được.
Nhiều năm qua, giá cả hầu hết các mặt hàng nông sản ở Việt Nam tăng giảm đều phụ thuộc vào sức mua của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc “ăn” hàng thì người Việt phải mất nhiều tiền hơn để được thưởng thức thứ đó. Ngược lại, khi họ không ăn thì chúng ta lại phải lo “giải cứu” để hỗ trợ nông dân.
Tình hình thay đổi trong chính sách nhập khẩu nông sản của thị trường Trung Quốc trong thời gian gần đây, đang là sự báo động cho nông dân và người kinh doanh nông sản Việt Nam.
Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin về chủ đề này là ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc công ty Vinamit, người đã có hơn 20 năm buôn bán nông sản với thị trường Trung Quốc.
Thưa ông, với kinh nghiệm và quan sát của mình, ông có thể đánh giá gì về sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến chúng ta?
Trước hết, phải thừa nhận rằng GDP bình quân thu nhập đầu người của Trung Quốc rất cao, nhất là ở các thành phố lớn. Là người làm kinh doanh mà nếu bạn bỏ qua thị trường này thì rất vô lý. Ngày xưa tôi cũng rất buồn vì bị bạn bè chê cười khi bỏ thị trường Mỹ sang thị trường Trung Quốc vào năm 1995. Nhưng đứng dưới góc độ của một doanh nhân, thì phải nhìn nhận tiềm năng của Trung Quốc để tiếp cận.
Đây là một thị trường nhẹ nhàng hơn, từ việc đi lại đến giao nhận, xử lý thông tin. Do khả năng trồng trọt của họ không đáp ứng đủ nên phải nhập khẩu. Đến năm 2018, theo thống kê của cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch hai chiều của 2 nước đã lên đến 150 tỷ USD và tăng 21% so với năm 2017. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại thứ 7 của Trung Quốc và là số 1 trong khối ASEAN. Rõ ràng, chúng ta có thể thấy được thế mạnh của mình là gì.
Tuy nhiên, nói về xuất khẩu khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, thì hầu như mọi người đều ế ẩm. Hiện nay, 99% lượng nông sản xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc của chúng ta đều là tiểu ngạch. Trên 20 năm qua, chúng ta đều đi bằng đường qua các biên giới để vào Trung Quốc. Đó là điều mà đôi khi nhắc lại chúng ta phải giật mình và day dứt trong khi các nước khác đã đi bằng đường chính ngạch từ rất lâu.
Bây giờ, tình hình đang thay đổi khi chính phủ Trung Quốc đang buộc các thương nhân phải giao thương bằng đường chính ngạch. Và chính phủ Việt Nam cũng đang thúc đẩy công tác này vì có những thứ không kiểm soát được nếu vẫn duy trì con đường tiểu ngạch như trước.
Theo ông, cách buôn bán truyền thống qua đường biên mậu (thương mại qua biên giới) có những bất cập gì?
Đi bằng đường biên mậu thì khổ lắm. Nếu chuyển hàng từ công ty đến Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) rồi xuống hàng, lại đi qua sông để đến các kho hàng ở Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) rồi đến tỉnh Quảng Châu để đi các tỉnh thành, đến các siêu thị thì mỗi thùng hàng bị lên xuống khoảng 20 lần.
Đối với mít sấy khô, tôi rất đau lòng khi thấy các thùng hàng của mình từ lúc xuất đi đến lúc đến kho siêu thị ở Trung Quốc thì diện tích chỉ còn một nửa. Các xe của Trung Quốc khi vận chuyển phải tận dụng không gian, họ phải dập cho các thùng hàng xẹp xuống, nên tôi kiên quyết không tiếp tục bán hàng qua đường biên mậu.
Bên cạnh đó, khi làm ăn với Trung Quốc, chúng ta phải cố gắng kiểm soát thị trường bằng cách cân bằng chi phí. Ở đây với giá 10 đồng thì sang Trung Quốc phải bán được với giá 15 đồng, thậm chí có thể bán với giá 20 đồng thì mới đảm bảo được tất cả các khoản chi phí. Có thể nói, cách buôn bán qua đường biên mậu sẽ không tồn tại lâu dài được vì nó có quá nhiều bất cập, nhiều vấn đề về kiểm soát và chất lượng.
Vậy, còn cách nào khác không, thưa ông?
Một con đường khác mà doanh nhân Việt Nam chúng ta hay thực hiện là thông qua các đối tác người nước ngoài, một công ty làm chủ đại lý đầu tư của chúng ta vào thị trường Trung Quốc. Cách làm này cũng có rủi ro nhất định, phía chúng ta sẽ rất khó tăng giá bán khi cần thiết. Thậm chí, khi qua bên đó cũng có một sản phẩm tương đương dòng sản phẩm của mình mà tên khác, khách hàng của mình lại biến thành khách hàng tên của họ. Điều này cần phải hết sức cẩn trọng.
Vì thế, cách an toàn nhất vẫn là nhập trực tiếp hàng hóa của chúng ta vào các siêu thị tại Trung Quốc. Để làm được cách này, đòi hỏi công ty chúng ta phải có năng lực để đầu tư văn phòng tại Trung Quốc, tuân thủ các điều kiện pháp lý của nước sở tại. Nhưng nếu làm được cách này, cơ hội để chinh phục thêm thị trường online bên đó là rất lớn.
Chúng ta cần có sự chuẩn bị và chiến lược như thế nào để tăng cường sức cạnh tranh cho hàng nông sản khi đưa vào thị trường Tung Quốc, thưa ông?
Dĩ nhiên, với thị trường lớn như Trung Quốc, chúng ta phải có chiến lược rõ ràng và nguồn vốn vững chắc. Để xuất khẩu theo đường chính ngạch, chúng ta phải tốn nhiều tiền cho việc mua mã vạch, làm marketing, phân phối sản phẩm. Nhưng đó là con đường chắc chắn nhất hiện nay.
Thêm nữa, các sản phẩm của Việt Nam chưa chú trọng nghiên cứu thị trường để xem các nước xung quanh có hàng hóa giống chúng ta hay không. Ví dụ, nếu bạn bán xoài thì phải chú ý xem Philippines, Thái Lan, Malaysia có giống xoài như minh hay không. Từ đó, phải cân nhắc xem giá cả của mình ra sao và các đối phương như thế nào, tiêu chuẩn mình có là gì,...Những yếu tố đó rất quan trọng nếu muốn làm ăn quy mô lớn.
Hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết buôn bán chính ngạch với 8 loại trái cây (xoài, nhãn, chuối, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và thanh long). Trong khi đó, chúng ta còn rất nhiều loại trái cây có số lượng lớn vẫn chưa được ký kết, như: sầu riêng, các loại rau,... Nếu so với các nước khác thì chúng ta bị yếu thế hơn rất nhiều, Thái Lan được ký kết đến 23 loại trái cây. Như vậy, các doanh nghiệp phải lên tiếng với các hiệp hội, với các cục của bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Chính phủ. Chỉ có sự đoàn kết mới giúp việc xuất khẩu nông sản nước ta sang Trung Quốc được đảm bảo và bền vững.
Cảm ơn nhiều chia sẻ hữu ích của ông.
Hà Nhân - Mộc Hương - Đỗ Thuận