Xuất khẩu nông sản sang EU: Rủi ro gia tăng trước loạt cảnh báo mới

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Thứ 2, 24/02/2025 14:08

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, nếu không có giải pháp kịp thời, EU thậm chí có thể cấm nhập khẩu các nhóm mặt hàng đã bị cảnh báo ở mức độ cao.

Sáng 24/2, Hội nghị "Triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường, tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU" đã được tổ chức nhằm thông tin, phổ biến, hướng dẫn việc cập nhật và thực hiện đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường EU.

114 cảnh báo từ EU trong 2024

Theo thông tin từ Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), trong năm 2024, Việt Nam nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng gấp đôi so với năm 2023. 

Một phần nguyên nhân đến từ nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chưa thực sự đầy đủ. Do EU không quy định về khối lượng hàng, nên đôi khi hàng hóa chỉ vài kilogram, thậm chí thuộc diện xách tay cũng bị kiểm tra.

Nếu hàng hóa vi phạm, không đạt được các quy định của thị trường, EU sẽ lập tức đưa ra cảnh báo. Với nhóm mặt hàng đã bị cảnh báo ở mức độ cao, nếu không có giải pháp kịp thời, cải thiện, thậm chí EU sẽ không cho phép nhập.

Bên cạnh việc nâng cao các tiêu chuẩn đối với các mặt hàng xuất khẩu, EU còn đưa ra những quy định mang tính riêng biệt. Chẳng hạn, trong năm 2023, quy định về không gây mất rừng (EUDR) được đưa ra, dự kiến áp dụng trong năm nay 2025.

Trong đó, nếu sản phẩm được sản xuất, chế biến tại các khu vực có nguy cơ gây mất rừng, EU sẽ từ chối nhập khẩu. Vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến 3 ngành hàng thế mạnh của nông nghiệp, gồm gỗ, cà phê và cao su.

Xuất khẩu nông sản sang EU: Rủi ro gia tăng trước loạt cảnh báo mới- Ảnh 1.

Ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam.

Ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, việc thực hiện thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn những thay đổi, dự thảo quy định của các quốc gia thành viên WTO là nhiệm vụ thường xuyên của Văn phòng.

Đây là cách để đơn vị được Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối thông tin về minh bạch thông tin thị trường, các biện pháp kiểm dịch động thực vật hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan đến xuất khẩu nắm bắt quy định thị trường, đảm bảo hoạt động giao thương vào EU.

"Giai đoạn đầu khi Việt Nam mới gia nhập EU vào năm 2005, có những năm phía bạn đưa ra tới 600 cảnh báo. Nhưng sau khi triển khai hỗ trợ một cách đồng bộ, việc tuân thủ các yêu cầu về nông sản thực phẩm đã được nhận thức và thực hiện một cách chuẩn chỉ hơn", ông Hòa chia sẻ.

Rủi ro lớn hơn trước sự kiểm soát gắt gao từ EU

Thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy số lượng cảnh báo của EU đối với thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam đang gia tăng đáng kể. Đáng chú ý, nhóm thực phẩm mới - vốn chưa từng bị cảnh báo trước đây - hiện là tâm điểm kiểm soát từ EU.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam cho biết: "Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025, EU đã ban hành 8 cảnh báo đối với nhóm này, trong đó Việt Nam chiếm 4 cảnh báo, tương đương 50% tổng số trên toàn cầu. Xu hướng kiểm soát ngày càng nghiêm ngặt khi số lượng cảnh báo với thực phẩm mới tăng từ 1 vào năm 2024 lên 4 trong hai tháng đầu năm 2025".

Xuất khẩu nông sản sang EU: Rủi ro gia tăng trước loạt cảnh báo mới- Ảnh 2.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam.

Nguyên nhân chính dẫn đến các cảnh báo này là dư lượng hóa chất, kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2024, cảnh báo về dư lượng hóa chất chiếm 53,5%, dư lượng kháng sinh trên thủy sản chiếm 50%, còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm có nguồn gốc thực vật lên tới 68,4%.

Đáng chú ý, Tp.HCM là địa phương có nhiều cảnh báo nhất với 42 trường hợp (36,8%), tiếp theo là Hà Nội, Tiền Giang và Khánh Hòa. Tuy nhiên, các địa phương có số cảnh báo cao nhất lại chưa gửi phản hồi về kế hoạch triển khai Đề án SPS theo Quyết định 534/QĐ-TTg, cho thấy sự thiếu đồng bộ trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Doanh nghiệp xuất khẩu đang đối mặt với rủi ro lớn hơn trước sự kiểm soát gắt gao từ EU. Khối này áp dụng 4 biện pháp xử lý vi phạm, nghiêm trọng nhất là thu hồi và tiêu hủy sản phẩm. Tỉ lệ lô hàng bị thu hồi tăng mạnh từ 21,9% năm 2024 lên 56,3% trong 2 tháng đầu năm 2025.

Xuất khẩu nông sản sang EU: Rủi ro gia tăng trước loạt cảnh báo mới- Ảnh 3.

Văn phòng SPS Việt Nam cũng cho biết, đến ngày 20/2/2025, chỉ mới có kết quả xử lý của 63/114 cảnh báo năm 2024 (chiếm 55,3%), trong khi 51 cảnh báo còn lại vẫn chưa được giải quyết.

Văn phòng SPS Việt Nam cũng cho biết, đến ngày 20/2/2025, chỉ mới có kết quả xử lý của 63/114 cảnh báo năm 2024 (chiếm 55,3%), trong khi 51 cảnh báo còn lại vẫn chưa được giải quyết.

Trước tình hình này, ông Nam nhấn mạnh sự cần thiết của các giải pháp kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời, tăng cường giám sát toàn bộ chuỗi cung ứng, siết chặt quản lý hóa chất và kháng sinh trong sản xuất, kiểm soát tại cửa khẩu và nâng cao quy trình kiểm nghiệm hàng hóa trước xuất khẩu.

"Những biện pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp tránh rủi ro mà còn đảm bảo sự bền vững cho ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam trước các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế", ông Nam nhấn mạnh.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.