Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/5, Việt Nam đã xuất khẩu được 664.202 tấn phân bón, đạt 270 triệu USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 6,7% về trị giá so với cùng kỳ.
Tính riêng 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu phân bón sang 10 thị trường, trong đó, thị trường nhập khẩu phân bón nhiều nhất từ Việt Nam là Campuchia đã chứng kiến sự suy giảm nhẹ với 145.783 tấn, giảm 3,7% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu phân bón sang Campuchia trong kỳ cũng giảm 9,6% so với cùng kỳ, còn 59,2 triệu USD.
Danh mục các thị trường nhập khẩu phân bón từ Việt Nam trong khối ASEAN còn có Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines và Thái Lan. Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia 45.012 tấn phân bón với trị giá 15,4 triệu USD, tăng lần lượt 18% so với cùng kỳ về lượng và 19% về giá trị.
Theo báo Công Thương, lượng xuất khẩu phân bón trong 4 tháng đầu năm 2024 sang Philippines đạt 38.633 tấn với kim ngạch 18,5 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng về lượng và giá trị xuất khẩu phân bón sang thị trường này tương đối cao, với lần lượt +281% và +193%.
Phân bón xuất khẩu sang Myanmar đạt 20.790 tấn với kim ngạch 10,5 triệu USD, tăng lần lượt 22% so với cùng kỳ và 5% so với cùng kỳ. Lượng phân bón xuất khẩu sang Lào đạt 14.866 tấn, giảm 7,2% so với cùng kỳ, trị giá 3,9 triệu USD, giảm sâu 40,9% so với cùng kỳ.
Thái Lan là thị trường thứ 6 Việt Nam xuất khẩu phân bón trong khối ASEAN, với 8.031 tấn trong 4 tháng đầu năm 2024, tăng 11% so với cùng kỳ, về trị giá tăng 12% so với cùng kỳ, lên mức 3,7 triệu USD.
Ngoài nhóm ASEAN, Việt Nam còn xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc với 83.385 tấn, tăng tới 74% so với cùng kỳ, kim ngạch đạt 34,4 triệu USD, tăng 96% so với cùng kỳ.
Lượng phân bón xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) trong 4 tháng đầu năm 2024 ghi nhận tăng trưởng đột biến 511%, lên mức 14.548 tấn (cùng kỳ chỉ có 2.380 tấn), kim ngạch tăng 454% so với cùng kỳ, đạt 6,1 triệu USD.
Phân bón xuất khẩu sang Nhật Bản cũng tăng trưởng 3 con số với lần lượt +464% về lượng và +450% về giá trị, đạt lần lượt 15.084 tấn và 6,6 triệu USD.
Nếu như cùng kỳ năm trước không có số liệu xuất khẩu thì trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam ghi nhận xuất khẩu phân bón sang Mozambique với 1.365 tấn và kim ngạch 0,8 triệu USD.
Theo Mekong Asean, về giá xuất khẩu trung bình trong 4 tháng đầu năm 2024, Mozambique là thị trường có mức giá cao nhất với 592 USD/tấn. Đứng sau là Myanmar với 509 USD/tấn.
Phân bón của Việt Nam xuất khẩu trung bình sang Philippines đạt 481 USD/tấn; Thái Lan đạt 465 USD/tấn, Nhật Bản với 440 USD/tấn, Đài Loan (Trung Quốc) với 422 USD/tấn, Hàn Quốc với 413 USD/tấn.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Campuchia xếp vị trí thứ 8 về giá trung bình với 406 USD/tấn. Hai thị trường còn lại là Lào và Malaysia có mức 263 USD/tấn và 343 USD/tấn.
Theo báo Kiểm toán, năm 2024, các chuyên gia dự báo nguồn cung phân bón sẽ ngày càng thắt chặt do hai nhà cung cấp lớn của thế giới là Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu. Điều này có thể khiến giá phân bón trong năm 2024 tăng nhẹ so với các năm trước. Dự kiến thị trường phân ure thế giới sẽ sôi động hơn từ nửa sau năm 2024 khi các nhà tiêu thụ lớn gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và châu Âu đồng loạt quay trở lại đấu thầu để đảm bảo nguồn cung phân bón cho giai đoạn cao điểm gieo hạt vụ Hè -Thu sắp tới.
Về tiêu thụ phân bón, Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA) dự báo tiêu thụ phân bón trên toàn cầu năm nay sẽ tăng 4% so với năm 2023, đạt 192,5 triệu tấn.
Minh Hoa (t/h)