Cụ thể, báo Thanh Niên dẫn thông tin thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6 kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 775 triệu USD, tăng 1% so với tháng trước nhưng tăng tới 16,7 % so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch 775 triệu USD là con số cao kỷ lục của ngành rau quả xuất khẩu so với cùng kỳ những năm trước.
Điều này cũng giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng trên 28% so với cùng kỳ năm 2023 - mức cao kỷ lục của lịch sử ngành rau quả xuất khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) nhận định: Đây mới là ước tính sơ bộ, con số thực tế thường cao hơn. Kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng mạnh trong tháng 6 nhờ mặt hàng chủ lực là sầu riêng khu vực Đông Nam bộ vào vụ thu hoạch rộ. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng khác cũng xuất khẩu tốt đặc biệt là thanh long và chuối.
Hiện tại, vùng trồng sầu riêng lớn nhất cả nước là Tây nguyên vẫn chưa vào vụ thu hoạch. Khi vùng này vào vụ, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ còn tăng cao. "Với đà tăng trưởng như hiện tại, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm 2024 có thể vượt 7 tỷ USD", ông Nguyên dự báo.
Trước đó, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt kỷ lục với 5,69 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm 2022, vượt xa mục tiêu đặt ra trước đó của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Theo báo Đại biểu Nhân dân, thanh long, sầu riêng là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất, đều trên 2 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu rau quả hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Australia… Trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và chiếm tỉ trọng 65%.
Trao đổi với báo Công Thương, ông Nguyên cho biết, rau quả Việt có nhiều lợi thế xuất khẩu sang Trung Quốc nhờ vị trí địa lý, tương đồng trong văn hóa ẩm thực.
Hiện, Việt Nam có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc gồm: Sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây…
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về kiểm dịch đối với dưa hấu từ tháng 12/2023 và chính thức có hiệu lực từ ngày 12/6/2024; còn các Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, bơ, chanh leo vào Trung Quốc đang trong quá trình đàm phán tích cực.
Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững đòi hỏi sản phẩm rau quả của Việt Nam phải nâng cao hơn nữa về chất lượng. Bởi hiện nay không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang siết chặt chất lượng nông sản nhập khẩu.
Minh Hoa (t/h)