Xuất khẩu sắn sang Nhật Bản tăng trưởng hơn 3.300%
Dữ liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 1,16 triệu tấn sắn và sản phẩm từ sắn, đạt 445,5 triệu USD, giảm lần lượt 2,4% về lượng và 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 4/2023 Việt Nam xuất khẩu 189.821 tấn sắn và sản phẩm từ sắn, đạt 76,03 triệu USD, giảm 30,8% về lượng và 27,6% về trị giá so với tháng 3/2023. So với cùng kỳ năm 2022, lượng và trị giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam giảm lần lượt 19,5% và 27,4%.
Giá xuất khẩu bình quân sắn và sản phẩm từ sắn ở mức 400,6 USD/tấn, tăng 4,6% so với tháng trước nhưng lại giảm 9,9% so với tháng 4/2022.
Theo Công Thương, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và sản phẩm sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,9% tổng lượng sắn xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 1,05 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 397,37 triệu USD, giảm 3,2% về lượng và giảm 15,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Hàn Quốc và Đài Loan là hai thị trường lớn thứ hai và thứ ba nhập khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam, chiếm 3,8% và 2,3% tổng lượng sắn xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, diễn biến tại hai thị trường này có sự khác biệt.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang thị trường Hàn Quốc là 45.455 tấn, đạt 16,58 triệu USD, giảm 27,5% về lượng và 23% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Đài Loan 20.381 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 9,9 triệu USD, tăng 100% về lượng và 85,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, Nhật Bản đang nổi lên là một thị trường tăng trưởng mạnh nhập khẩu sắn từ Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, luỹ kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang thị trường này là 2.282 tấn, đạt 1,16 triệu USD. Số liệu cùng kỳ năm 2022 khiêm tốn khi tổng lượng sắn và sản phẩm từ sắn xuất khẩu sang Nhật Bản là 66 tấn sắn, đạt 63.025 USD.
Số liệu cho thấy, lượng xuất khẩu đã tăng hơn 3.300% và trị giá tăng hơn 1.700% ghi nhận tại cùng kỳ năm 2022.
Nhật Bản sẽ là một điểm đến tiềm năng xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam
Dự đoán, trong năm 2023, Nhật Bản sẽ là một điểm đến tiềm năng xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam nhờ nhu cầu cao, vị trí địa lý gần. Trong khi đó, nguồn cung và giá của ngô và lúa mì đều bị ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine. Do đó, nhu cầu về sắn trên thị trường thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Kim ngạch xuất khẩu sắn đã đạt trị giá tỷ USD trong đó tinh bột sắn chiếm tỉ trọng lớn, còn lại là sắn lát. Sắn và các sản phẩm từ sắn dùng chế biến thức ăn chăn nuôi, làm thức ăn cho gia súc, nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp, sản xuất cồn rượu, bột ngọt, mì ăn liền, đường lỏng, tinh bột biến tính, bánh kẹo.
Hiện nay, xuất khẩu sắn của Việt Nam gặp cạnh tranh về thị trường xuất khẩu với các nước Thái Lan, Campuchia và Lào.
Dự báo giá bán
Thông tin trên Dân Việt, theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, trong 10 ngày đầu tháng 5/2023, giá sắn tươi thu mua tại Tây Ninh dao động ở mức 3.400-3.600 đồng/kg; tại Đắk Lắk, giá sắn dao động ở mức 3.000- 3.050 đồng/kg; tại Gia Lai dao động ở mức 3.300-3.100 đồng/kg, ổn định so với cuối tháng 4/2023. Hiện nguồn hàng tồn kho tinh bột sắn rất ít, nên giá bán được đẩy tăng lên.
Các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 535-555 USD/tấn, FOB cảng Tp.Hồ Chí Minh, tăng 10 USD/tấn so với cuối tháng 4/2023. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn ở mức 3.750-3.950 CNY/ tấn, tăng 100-150 CNY/tấn so với cuối tháng 4/2023.
Mặc dù giá ngô thế giới tháng 4/2023 giảm, ảnh hưởng đến giá mua sắn lát làm thức ăn chăn nuôi, nhưng nguồn hàng sắn lát tồn kho vụ 2022/23 ở mức thấp, nên các đơn vị kinh doanh mặt hàng này xuất bán ra không nhiều.
Nông sản Việt nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu
Giá trị xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam ước tính đã giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên đã có những tín hiệu cho thấy nông sản có thể tăng tốc trong thời gian tới.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên Lao Động, ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, để đáp ứng thay đổi căn bản của thị trường nông sản, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng năng lực cạnh tranh mới khi tham gia hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng; cơ cấu lại sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới, xây dựng chuỗi liên kết giá trị và có chính sách bảo hiểm thích hợp để xử lý rủi ro, biến động thị trường ngày càng mạnh; bảo đảm tuân thủ các quy định ngày càng khắt khe của thị trường cả về kinh tế, xã hội và môi trường của thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Thái Quang nhận định, dù quy định pháp luật về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung song vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, các giải pháp quản lý của cơ quan hải quan cần thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro về nhóm mặt hàng là nông sản xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành là hoạt động cốt lõi, xuyên suốt trong công tác đánh giá rủi ro.
Trúc Chi (t/h)