Xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu chững lại trước loạt thách thức

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Thứ 4, 02/04/2025 09:47

Trước áp lực từ thẻ vàng IUU và nguy cơ tăng thuế quan Mỹ, ngành thủy sản Việt Nam cần có các chiến lược ứng phó kịp thời để duy trì tăng trưởng.

Theo báo cáo mới công bố của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý I/2025 đã phục hồi ấn tượng, đạt kim ngạch 2,45 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2024. 

Riêng trong tháng 3, giá trị xuất khẩu đạt gần 889 triệu USD, tăng gần 20%, cho thấy đà tăng trưởng vẫn được duy trì, dù có dấu hiệu chững lại so với hai tháng đầu năm.

Động lực chính từ tôm và cá tra

Theo VASEP, tôm tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với kim ngạch 931,6 triệu USD trong quý I, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng tháng 3, xuất khẩu tôm đạt 327 triệu USD, tăng 20,4%. Sự tăng trưởng vượt bậc này đến từ nhu cầu mạnh mẽ tại các thị trường lớn như Trung Quốc (sau Tết Nguyên đán), Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, nơi các hiệp định thương mại như EVFTA đang phát huy hiệu quả.

Cá tra cũng đóng góp đáng kể với kim ngạch 465 triệu USD trong quý I/2025, tăng 13%, và 181 triệu USD trong tháng 3, tăng 16,1%. Giá nguyên liệu ổn định cùng với chiến lược đẩy mạnh sản phẩm giá trị gia tăng đã giúp cá tra duy trì vị thế quan trọng trong ngành thủy sản.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của cá tra có phần chậm hơn tôm, phản ánh nhu cầu thị trường đang chững lại, trong bối cảnh biến động địa chính trị và áp lực thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, tôm Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Ecuador và Ấn Độ – 2 quốc gia có lợi thế về giá cả và quy mô sản xuất.

Một điểm sáng đáng chú ý là sự bứt phá của nhóm cua, ghẹ và nhuyễn thể có vỏ. Trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu cua, ghẹ đạt 86,4 triệu USD, tăng 66%, nhờ nhu cầu tăng vọt từ Trung Quốc trong dịp Tết. Nhuyễn thể có vỏ như nghêu, sò, hàu thậm chí còn gây ấn tượng hơn với mức tăng 115%, đạt 64,9 triệu USD. Dù giá trị tuyệt đối chưa cao, tốc độ tăng trưởng này cho thấy tiềm năng lớn của các nhóm sản phẩm nhỏ trong việc đa dạng hóa cơ cấu xuất khẩu.

Tuy nhiên VASEP cũng nhận định, đến tháng 3/2025, xuất khẩu nhóm này có dấu hiệu chững lại, với kim ngạch cua, ghẹ chỉ tăng 28% và nhuyễn thể có vỏ tăng 89%. Điều này phản ánh sự giảm nhiệt của nhu cầu sau mùa cao điểm Tết Nguyên đán.

Loạt rào cản với ngành thủy sản

Trái ngược với xu hướng chung, cá ngừ là nhóm sản phẩm duy nhất ghi nhận kim ngạch giảm trong tháng 3/2025 xuống còn 83,3 triệu USD. Tuy nhiên lũy kế 3 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ vẫn tăng nhẹ 3,6% lên 222,7 triệu USD.

Theo VASEP, nguyên nhân chính đến từ các quy định nghiêm ngặt về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Quy định mới yêu cầu cá ngừ xuất khẩu phải có kích thước tối thiểu 0,5 mét, khiến nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu bị hạn chế.

Xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu chững lại trước loạt thách thức- Ảnh 1.

Trước áp lực từ thẻ vàng IUU và nguy cơ tăng thuế quan Mỹ, ngành thủy sản Việt Nam cần có các chiến lược ứng phó kịp thời để duy trì tăng trưởng.

Ngoài ra, Đạo luật Bảo vệ Động vật có vú ở Biển (MMPA) của Mỹ – thị trường lớn nhất của cá ngừ Việt Nam – cũng đang tạo ra thách thức đáng kể. Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã đưa ra thông báo sơ bộ không công nhận tính tương đương đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Các chuyên gia VASEP nhấn mạnh, nếu không đáp ứng yêu cầu của NOAA đúng thời hạn, hải sản Việt Nam có nguy cơ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ từ 1/1/2026. Điều này có thể khiến cá ngừ Việt Nam mất thị phần tại thị trường này, đồng thời tạo hiệu ứng domino lên các sản phẩm khai thác khác như mực và bạch tuộc.

Bên cạnh áp lực từ MMPA và thẻ vàng IUU của EU, ngành thủy sản Việt Nam còn đối mặt với nguy cơ Mỹ tăng thuế quan dưới chính quyền mới. Những rào cản thương mại này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải có chiến lược ứng phó kịp thời để duy trì tăng trưởng bền vững trong năm 2025.

Xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu chững lại trước loạt thách thức- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến.

Liên quan đến Đạo luật Bảo vệ Động vật có vú ở Biển của Mỹ, trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Phùng Đức Tiến cho biết: "Việt Nam đã có những bước chuẩn bị quan trọng, trong đó có việc triển khai các giải pháp phù hợp với các quy định quốc tế".

Bên cạnh đó, Bộ đã phê duyệt một đề án riêng và đang tiếp tục báo cáo Chính phủ để xây dựng đề án cấp quốc gia, đảm bảo nguồn lực thực hiện. Bộ NN&MT đang phối hợp với Bộ Ngoại giao và các tổ chức quốc tế để đàm phán kéo dài thời gian thực hiện các yêu cầu của Mỹ, giúp doanh nghiệp có thêm thời gian thích ứng.

"Mục tiêu để xây dựng đề án cấp quốc gia, đồng thời chuẩn bị đủ nguồn lực để triển khai các biện pháp nhằm đáp ứng các tiêu chí phía Mỹ đưa ra đối với là thú biển, đặc biệt là động vật có vú về khai thác, cứu hộ, bảo tồn", Thứ trưởng Tiến nói.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.