Xuất khẩu tôm Việt tăng trưởng trong một năm đầy khó khăn, biến động

Xuất khẩu tôm Việt tăng trưởng trong một năm đầy khó khăn, biến động

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 3, 24/01/2023 07:00

Theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2022 ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021.

Xuất khẩu tôm đạt khoảng 4,3 tỷ USD

Trong năm 2022 diễn ra nhiều biến cố từ việc ứng phó hậu dịch bệnh Covid-19, biến động giá cước vận chuyển, giá nhiên liệu, đặc biệt là lạm phát kinh tế ở một số thị trường lớn trên thế giới đã đè nặng lên nhu cầu của người tiêu dùng. Trong khi đó, con tôm được coi là một trong những mặt hàng thực phẩm xa xỉ mà người tiêu dùng cần gia giảm trong tình thế khó khăn. Điều này đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam.

Cụ thể vào nửa đầu năm nay, nhờ giá xuất khẩu tốt, nhu cầu cao, đơn hàng gối từ cuối năm 2021, nên xuất khẩu tôm tăng khá. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như nhu cầu thị trường thế giới sụt giảm do lạm phát toàn cầu tăng cao kỷ lục, xung đột Nga – Ukraine, biến động tiền tệ, chi phí sản xuất gia tăng, nguồn nguyên liệu hạn chế, nguồn vốn để quay vòng sản xuất hạn hẹp trong khi phải đối mặt với cạnh tranh mạnh mẽ từ các nguồn cung đối thủ.

Tuy vậy, tính tới tháng 11/2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đã vượt kim ngạch xuất khẩu tôm của cả năm 2021, đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Cả năm 2022, xuất khẩu tôm đạt khoảng 4,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021.

Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp ngành tôm đã cố gắng duy trì thị trường, nỗ lực phục hồi sản xuất trong nước để có thể đi qua giai đoạn tác động từ nhiều yếu tố lạm phát, biến động chính trị, nhiên liệu và cước phí vận chuyển. Theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2022 ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta chia sẻ, trong thời điểm lạm phát tăng cao tại Mỹ và châu Âu, hoạt động tiêu thụ ở các thị trường lớn của Sao Ta gặp khó khăn lớn, đồng tiền ngoại tệ mất giá trong khi chi phí bán hàng quá lớn. Trong thời điểm này, tỷ giá đồng yên và đồng euro so với đồng tiền Việt Nam giảm lần lượt 16% và 12%, làm cho nguồn ngoại tệ thu về từ bán hàng không nhiều như trước.

Cùng với đó, giá cước vận chuyển cũng là một trong những yếu tố tính vào giá thành sản phẩm. Riêng ở thị trường châu Âu, cước tàu tăng lên giá “trên trời”, chi phí đầu vào sản xuất đều tăng cao trong khi tiêu thụ giảm vì suy thoái kinh tế nên Sao Ta bán hàng gần như hòa vốn.

Trước những khó khăn của thih trường, Sao Ta đã nỗ lực hết sức để giữ thị trường. Nhiều hợp đồng bán hàng cũng đã ký và khách hàng châu Âu trước nay vẫn giữ cam kết khá tốt. Với biến động thị trường nên nguồn hàng giao chậm, khách hàng nhập khẩu cũng thông cảm trước những biến cố này. Sao Ta đã duy trì tại thị trường khó tính châu Âu bằng cách nhắm đến hệ thống phân phối cao cấp với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như tôm luộc, tôm bao bột.

Bên cạnh việc giữ thị trường châu Âu, doanh nghiệp cũng phải có chiến lược bán hàng để giữ nhiều thị trường khó tính khác, vượt qua giai đoạn khó của năm 2022, mang về nguồn kim ngạch như mong đợi của toàn ngành tôm.

Ông Nguyễn Văn Khải, thành viên HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho biết, thị trường Nhật Bản là một trong những thị trường khó tính mà nhiều doanh nghiệp e ngại khi xuất khẩu hàng hóa sang đây. Tuy nhiên, thị trường này lại ưa chuộng các dòng sản phẩm tôm chế biến sâu, chế biến tỉ mỉ.

Đây là lợi thế của các doanh nghiệp ngành tôm Việt, mà các doanh nghiệp chế biến tôm của Ecuadore và Ấn Độ khó cạnh tranh được. Mặc dù tỷ giá yên/VND giảm 16% nhưng tính ra bán hàng ở Nhật Bản lợi thế hơn do cước tàu rẻ, chỉ 4.000 - 5.000 USD/container. Điều này không làm tăng giá bán “ảo” bởi cước tàu cũng phải cộng vào chi phí giá bán, có thể bù đắp phần nào việc đồng yên Nhật mất giá.

Đặc biệt, Sao Ta có lợi thế về sản phẩm chế biến tỉ mỉ, do đó, Nhật Bản chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất trong số các thị trường của Sao Ta 2 năm nay. Tuy nhiên, không vì lợi thế ngành hàng, Sao Ta vẫn có chiến lược giảm giá sản phẩm tôm chế biến sâu, bởi người tiêu dùng Nhật Bản cũng rơi vào vòng xoáy lạm phát kinh tế chung toàn cầu, đều có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, để kích cầu tiêu dùng, doanh nghiệp cũng có thể trụ vững tại thị trường này, bắt buộc phải có chiến lược về giảm giá.

Tôm Việt bền bỉ giữ thị trường

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, để có được thành tích này, thời gian qua, ngành thủy sản nói chung, ngành chế biến, xuất khẩu tôm nói riêng đã tập trung vào một số yếu tố. Đó là, nhu cầu từ thị trường tăng lên, trọng điểm là thị trường Mỹ và Trung Quốc. Tiếp đó, giá xuất khẩu tăng lên từ 10 - 15%, do giá cước tàu vận chuyển tăng. Các lợi thế về thuế quan sau khi ký các Hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA đã được doanh nghiệp tận dụng hiệu quả, nhất là ở các thị trường Canada, Mexico, Australia tăng rất mạnh hơn 30%, đạt trên 200 triệu USD/thị trường.

Cụ thể, các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối thị trường đã được tổ chức lại rầm rộ sau dịch Covid-19, góp phần phục hồi và tăng trưởng mạnh từ tháng 3 đến tháng 8. Cuối cùng là doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu dự trữ từ cuối năm 2021 chuyển sang nên có sản lượng dồi dào đáp ứng nhu cầu các đơn hàng.

Trong khí đó, về nguyên nhân chủ quan đưa đến sự thành công này, ông Trương Đình Hòe cho biết, phía các doanh nghiệp đã có sự chủ động trong vấn đề nguyên liệu và sản xuất. Khi thế giới bắt đầu vào giai đoạn cao trào của dịch Covid-19 thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ tiếp tục nuôi trồng thủy sản, sản xuất tôm chất lượng cao bình thường và thực tế điều đó đã giúp cho việc phục hồi sau đại dịch rất nhanh.

"Cùng với đó là tính linh hoạt, kiên trì với thị trường, kiên trì với xu hướng tiêu dùng. Khi đại dịch xảy ra, người tiêu dùng không ra đường được nên phải ăn thủy sản tại nhà, các doanh nghiệp đã chuyển dịch kịp thời, đáp ứng ngay nhu cầu thị trường. Đó cũng là bài học về sự kiên trì, chủ động mà các doanh nghiệp đã đúc rút được sau dịch Covid-19. Vì vậy, ngành tôm không cần quá nhiều thời gian để phục hồi như một số ngành khác. Cuối cùng các doanh nghiệp đã theo đuổi mục tiêu hiện đại hóa trong nhiều năm", ông Trương Đình Hòe chỉ rõ.

Việt Nam hiện trở thành một trong những quốc gia có trình độ chế biến cao trên thế giới. Ngành tôm tập trung cho quá trình sản xuất xanh, bền vững, đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng của các quốc gia phát triển; đồng thời, tìm kiếm cả những thị trường ngách, ít cạnh tranh để chiếm lĩnh, ông Hòe nói thêm.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, cần đẩy mạnh nghiên cứu, nhân rộng sản xuất tôm bố mẹ chất lượng cao, hạn chế tối đa nhập khẩu. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường tổ chức liên kết trong chuỗi tôm. Các cơ sở nuôi nhỏ lẻ cần liên kết thành hợp tác xã, tổ hợp tác.

Trúc Chi (theo TTXVN, Công Thương, Chính Phủ)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.