Thông tin từ hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, theo kết quả sơ bộ vụ kiện chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12, từ ngày 1/2/2016 đến 31/1/2017 mà bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ban hành thì mức thuế mà các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu là 25,36%.
Cụ thể, trong đợt kiểm tra POR12 vừa qua, Việt Nam chỉ có công ty Fimex được chọn là bị đơn bắt buộc. Do đó biên độ phá giá được tính cho Fimex (25,36%) đã được bộ Thương mại Mỹ áp dụng cho tất cả công ty của Việt Nam. Đây được cho là mức thuế cao nhất từ trước đến nay của tôm Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Theo giải thích của hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sau khi xem xét chi tiết, công ty Fimex phát hiện sự nhầm lẫn đối với các số liệu được đánh giá giữa tôm nguyên con và tôm bóc vỏ bỏ đầu.
Vì thế, Hiệp hội cho rằng kết quả đánh giá đã bị sai lệch. Đồng thời, phía Hiệp hội cũng khẳng định nếu tính toán chính xác thì biên độ phá giá của công ty Fimex chỉ là 1,19% thay vì mức 25,39% (gấp 21 lần) như đã công bố.
Các doanh nghiệp chế biến tôm của Việt Nam cho rằng mặc dù kết quả sơ bộ chưa có hiệu lực và chưa được áp dụng nhưng đã tác động không nhỏ đến tâm lý của các nhà nhập khẩu tại Mỹ đối với các mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam.
Năm 2017, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Mỹ đã giảm 7%, chỉ còn 659 triệu USD so với các năm trước do ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu tôm tại các thị trường khác đều tăng trưởng mạnh với giá cao, ổn định.
Qua đó, Mỹ đã mất vị trí dẫn đầu, trở thành thị trường đứng thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu tôm từ Việt Nam.