“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”
Với quyết tâm theo đuổi ước mơ xây dựng thương hiệu “nông trại hữu cơ” cho riêng mình, anh Đặng Văn Huy (SN 1988, trú tại thôn 3, xã Cư Suê, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Anh đã tự làm “cuộc cách mạng” nông nghiệp, chuyển canh tác truyền thống sang hữu cơ.
Anh Huy chia sẻ, gia đình anh gắn với nghiệp làm nông, đặc biệt là cây cà phê. Tuy nhiên, anh rất lo lắng về những hệ lụy từ việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. “Dùng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà tác động xấu tới môi trường. Vợ tôi đã bị sảy thai vì tiếp xúc nhiều với các loại thuốc bảo vệ thực vật...”, anh Huy tâm sự.
Xuất phát từ những lo lắng ấy, năm 2009, sau khi tốt nghiệp THPT, anh vác ba lô du lịch bụi qua nhiều nước bằng ít vốn tiếng Anh tự học: Israel, Thái Lan, Brazil, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Lào... nhằm học hỏi và tích lũy kiến thức về canh tác nông nghiệp.
Thái Lan là nước đầu tiên anh Huy đặt chân đến, vì sản phẩm nông nghiệp của đất nước này rất nổi tiếng. Nhiều người ưa chuộng nông sản của họ, trong khi giá thành không hề rẻ. Anh Huy mong muốn tìm hiểu cách người Thái Lan làm ra sản phẩm chất lượng cao.
Tìm đến cánh đồng lúa, vườn trái cây của người Thái Lan thăm quan, anh Huy ấn tượng khi người dân sử dụng máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Họ cũng chú trọng áp dụng các biện pháp sinh học trong canh tác nông nghiệp, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người và cho ra sản phẩm chất lượng cao.
Sau nhiều tháng lang thang trên đất nước Thái Lan, anh Huy trở về Đắk Lắk, lén bán bớt một số cà phê của gia đình làm lộ phí tiếp tục đến Israel. Anh Huy kể: “Thời tiết, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, khắp nơi là sa mạc nhưng Israel lại có nền nông nghiệp tiên tiến, xuất khẩu nông sản thuộc top đầu thế giới. Nông dân làm chủ sản xuất đến mức họ quyết định được cả thời gian ra trái, sản lượng của nhiều loại cây trồng. Họ cũng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt giúp cho cây trồng phát triển xanh tốt quanh năm, năng suất cao và chất lượng nông sản tốt”.
Năm 2015, anh Huy tiếp tục đặt chân đến Nhật Bản, Hàn Quốc và rất ấn tượng bởi sự kiên định với phương thức sản xuất chuyên canh, không chạy theo thị hiếu ngay cả khi giá cả thay đổi. Đặc biệt, họ chú trọng vào việc liên kết chuỗi sản xuất, các hợp tác xã nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Chia sẻ với PV, anh Huy vui vẻ nói rằng “xuất ngoại để làm nông dân”, học cách làm nông nghiệp sạch.
Chuyện con kiến và nông nghiệp hữu cơ
Trở về sau những chuyến “du ngoạn” qua nhiều nước trên thế giới, anh Huy bắt tay xây dựng thương hiệu “nông trại hữu cơ”. Anh vận động người thân và bà con xung quanh làm cà phê chất lượng cao, tạo ra một mô hình nông nghiệp bền vững…
Anh Huy đề xuất bà con loại bỏ dần các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học và thay thế bằng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ... Đặc biệt, anh khuyến khích hái cà phê chín 100% để tăng trọng lượng và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, đề xuất của anh không được nhiều người đón nhận vì cho rằng khó khả thi, tốn nhiều thời gian và nhân công.
Để chứng minh hiệu quả nông nghiệp hữu cơ, anh Huy quyết định thử nghiệm với 1ha cà phê của gia đình. Anh bỏ mặc vườn cà phê, chỉ tưới nước, làm cành, để cỏ mọc tự nhiên rồi đánh gục xuống gốc, không bón phân hóa học. Cành, chồi, lá cà phê cũng không được thu dọn sạch sẽ như trước mà rải đều xung quanh.
Anh còn trồng thêm một lớp cỏ lạc trong vườn để cố định đạm, trồng cây cúc quỳ xung quanh bờ lô để cắt ủ cho gốc cà phê. Đến mùa mưa, anh rải thêm một số loại nấm, men vi sinh ủ với các loại cỏ, lá cây, vỏ cà phê. Nhờ cách làm này, vườn cà phê được giữ ẩm, phế phẩm nông nghiệp được biến thành phân hữu cơ, tiết kiệm chi phí đầu tư, chống xói mòn đất, giảm ô nhiễm môi trường.
Sau một năm, năng suất 1ha cà phê hữu cơ chỉ còn khoảng 1-1,5 tấn nhân, giảm 3-4 lần so với trước. “Lúc ấy nhiều người nhìn tôi một gã gàn dở. Nhưng tôi vẫn kiên định với lựa chọn của mình”, anh Huy nhớ lại. Để nâng cao giá trị cà phê sau thu hoạch, anh Huy đầu tư máy móc chế biến sâu, kiếm thêm thu nhập. Anh Huy cũng tiến hành tái canh vườn cây, chọn các loại giống cây chất lượng và áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất hiện đại để tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng cao.
Thay vì độc canh cây cà phê, anh Huy trồng xen một số loại cây trồng theo tỉ lệ phù hợp như: Sầu riêng, bơ, mãng cầu, mít... Mô hình cây đa tầng vừa giúp anh tăng thu nhập, giảm thiểu rủi ro khi thị trường biến động, tạo tán che bảo vệ vườn cây khỏi tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, mang lại giá trị bền vững.
Khoảng 4-5 năm trở lại đây, anh Huy còn thí điểm mô hình nuôi kiến vàng, bọ rùa trong vườn cây để tiêu diệt các loài sinh vật gây hại như rệp sáp, sâu đục thân... Để bảo vệ đàn kiến vàng, bọ rùa, gia đình anh thường trồng các loại cây mà các loài côn trùng này thường làm tổ, sinh sống như: Mãng cầu, bơ, cây keo lái nhỏ. Sau khi thu hoạch cà phê, anh Huy bẻ những tổ kiến vàng hoặc cột những sợi dây từ cây cao xuống cây cà phê để kiến bò qua lại. Đặc biệt vào mùa khô, khi tưới cà phê sẽ có độ ẩm nên kiến tự đi kiếm thức ăn.
Sau hơn 15 năm theo đuổi mô hình nông nghiệp hữu cơ, anh Huy gặt hái nhiều “quả ngọt”. Sau khi trừ các chi phí đầu tư, gia đình anh thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/5ha/năm từ việc thu hoạch cà phê, sầu riêng, hồ tiêu... Trong khi trước đó, cùng diện tích này, gia đình chỉ được khoảng 500 triệu đồng/năm.
Ngoài việc mang lại kinh tế cho gia đình, mỗi năm, anh Huy còn tạo việc làm ổn định cho khoảng 15-20 lao động người dân tộc thiểu số tại địa phương. Năm 2018, anh đã thành lập Nông trại Đặng Farm để thuận lợi cho việc đưa các sản phẩm nông sản đến với người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho hay, anh Đặng Văn Huy được xem là người tiên phong trong việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại địa phương. Thời gian gần đây, hàng chục hộ dân trên địa bàn đã liên kết với anh Huy để sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Hiện nay, chính quyền địa phương cũng đang khuyến khích người dân phát triển theo mô hình này nhằm bảo vệ môi trường, sức khỏe của người dân và nâng cao giá trị, chất lượng nông sản.
Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 2364/QĐ-UBND ngày 18/10/2022 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Tây Nguyên, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội. Đồng thời, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh...
Khánh Ngọc