Chiều nay (20/8), buổi Họp mặt kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đồng thời cũng là kỷ niệm 30 năm Bảo tàng Tôn Đức Thắng ra đời đã được tổ chức trong không khí trang trọng, ấm cúng ngay tại bảo tàng.
Đến dự buổi họp mặt kỷ niệm có đại diện lãnh đạo sở Văn hóa TP.HCM, liên đoàn Lao động TP.HCM, thân nhân gia đình Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng rất đông các vị đại biểu, lão thành cách mạng.
Mở đầu lễ kỷ niệm, các đại biểu đều không khỏi bồi hồi, xúc động khi tiến vào phòng tưởng niệm để dâng hương tưởng nhớ bác Tôn kính yêu. Giữa hương thơm của những nén hương trầm và những đóa hoa tươi thắm, tất cả đều hướng về vị danh nhân ưu tú của dân tộc với tất thảy niềm tôn kính, lòng tri ân sâu sắc.
Tại buổi họp mặt, ông Phạm Thành Nam, Giám đốc bảo tàng Tôn Đức Thắng đã ôn lại những cống hiến to lớn của bác Tôn đối với cách mạng dân tộc đồng thời tổng kết những thành quả đạt được sau 30 năm hình thành và phát triển của bảo tàng.
Bảo tàng Tôn Đức Thắng cùng với bảo tàng Hồ Chí Minh là hai bảo tàng lưu niệm danh nhân tiêu biểu của Việt Nam và vinh dự là bảo tàng duy nhất trong cả nước lưu giữ được gần như đầy đủ những tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Bảo tàng được thành lập xuất phát từ nguyện vọng của quần chúng nhân dân với khát khao mong mỏi có một nơi lưu trữ những tư liệu về người chí sĩ cách mạng anh hùng, vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Trải qua 30 năm hoạt động, vượt qua những khó khăn ban đầu, thông qua nhiều hình thức sưu tầm, tra cứu, khai thác và tiếp nhận tư liệu đến từ các nguồn hiến tặng trong cả nước, đến nay, bảo tàng đã lưu trữ và gìn giữ được gần 17.000 hiện vật, tư liệu, thước phim và hình ảnh; trong đó có 7 bộ sưu tập quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của bác Tôn.
Nhờ những tư liệu quý giá đó, bảo tàng đã hoàn thành được sứ mệnh đáp ứng yêu cầu tìm hiểu, nghiên cứu học tập về Chủ tịch Tôn Đức Thắng của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân miền Nam nói riêng và đặc biệt là nhân dân TP.HCM.
Bảo tàng đã và đang góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cho giai cấp công nhân, nâng cao lòng tự hào dân tộc trong quần chúng nhân dân và thế hệ trẻ Việt Nam với niềm ngưỡng mộ, tôn vinh một con người vĩ đại mà bình dị.
Phát biểu trong buổi họp mặt, đồng chí Nguyễn Duy Minh, đại diện lãnh đạo sở Văn hóa Thể thao TP.HCM đã ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những đóng góp to lớn của các cán bộ nhân viên bảo tàng đã không ngừng học tập, nghiên cứu, tích lũy, nâng cao trình độ và cống hiến cho bảo tàng.
Đồng thời, ông nhấn mạnh, phải tăng cường hơn nữa các hoạt động nghiên cứu khoa học kết hợp với hoạt động của các ngành khác như ngành Du lịch, để góp phần vào sự nghiệp đổi mới và phát triển chung của ngành Văn hóa trong quá trình hội nhập để làm sao mỗi người cán bộ, nhân viên bảo tàng phải đóng vai trò như một cán bộ giáo dục, với nhiệm vụ giới thiệu, tuyên truyền và quảng bá giá trị lịch sử, để bảo tàng Tôn Đức Thắng xứng đáng là một thiết chế văn hóa đặc thù, đóng góp vào đời sống văn hóa của TP nói riêng và của cả nước nói chung.