Xúc động lá thư thời chiến: ‘Con sẽ về chỉ sớm hay muộn mà thôi’

Xúc động lá thư thời chiến: ‘Con sẽ về chỉ sớm hay muộn mà thôi’

Đỗ Thị Thơm

Đỗ Thị Thơm

Thứ 4, 26/07/2017 19:37

“Cậu mợ và các em có biết con sẽ thế nào không, nếu quả bom nổ? Những lúc đứng giữa cảnh chết chóc, con nghĩ nhiều đến hạnh phúc gia đình, nghĩ tới ngày hòa bình...", trích thư liệt sỹ Hoàng Kim Giao

 

Xã hội - Xúc động lá thư thời chiến: ‘Con sẽ về chỉ sớm hay muộn mà thôi’

Liệt sỹ Hoàng Kim Giao và những lá thư gửi về cho người thân.

“Tuyển tập Những lá thư thời chiến Việt Nam” là công trình được Nhà văn Đặng Vương Hưng thực hiện trong thời gian 10 năm (2005 – 2015), tập hơn hơn 300 lá thư của 127 tác giả. Người viết thư thuộc đủ mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội. Họ giống nhau ở một điểm là đều trực tiếp đi qua chiến tranh. Đặc biệt, đa phần tác giả, nhân vật trong thư được giới thiệu trong cuốn sách đều là liệt sĩ, hoặc thương binh và khi cuốn sách này ra đời, hầu hết họ đều không còn nữa. Bởi thế, nhiều lá thư không chỉ là kỷ vật vô giá, mà còn là di vật thiêng liêng, từng đặt trên bàn thờ của nhiều gia đình Việt Nam.

Chia sẻ về những bức thư của liệt sỹ Hoàng Kim Giao, Đại tá, nhà văn, nhà thơ Đặng Vương Hưng giãi bày: “Hoàng Kim Giao đã viết những lá thư cho cha, mẹ vợ và em gái với tình cảm yêu thương vô bờ bến. Anh hoàn toàn ý thức được nhiệm vụ nguy hiểm mà mình đáng làm: Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào! Anh đã tiên cảm được sự đi xa của mình. Vì thế, trong những trang thư viết cho người thân, đã nhiều lần anh bình thản nhắc đến cái chết… Anh dặn em gái và vợ mình ý thức học tập, tu dưỡng và không được khóc nếu anh hy sinh. Anh ao ước sẽ được đoàn tụ, sum họp với gia đình…

Không chỉ vậy, điều quan trọng hơn là qua những trang thư ấy, ta có thể hiểu được phần nào quan niệm, lý tưởng, lẽ sống, sự cống hiến và hy sinh vì Tổ quốc của cả một thế hệ thanh niên đã góp phần làm nên ngày chiến thắng 30/4/1975 vĩ đại của dân tộc”.

Quả thật, với nhiều bạn trẻ như tôi, sinh ra khi đất nước hòa bình, những năm tháng khắc nghiệt của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hiện lên vừa chân thật, vừa gần gũi qua những bức thư thời chiến.

Được sự cho phép của Đại tá Đặng Vương Hưng, báo Người Đưa Tin xin trân trọng trích đăng bức thư cuối cùng gửi cha mẹ trước lúc hy sinh của liệt sỹ Thiếu úy Hoàng Kim Giao.

 Ngày 10-11-1968

Cậu mợ kính yêu!

Trước khi đi công tác con không báo tin được cho cậu mợ, vì chỉ có một vài giờ mà phải chuẩn bị nhiều thứ quá. Hôm nay, sau hơn một tháng làm công tác, con nghỉ để chuẩn bị đi đợt mới, con tranh thủ viết thư về để cậu mợ yên tâm.

Từ 29-9 con bắt đầu đi vào khu 4. Hiện giờ con đang ở Hà Tĩnh và sắp tới con sẽ đi vào Quảng Bình và sâu hơn chút nữa...

Cùng đi với con còn có 5 đồng chí chiến sĩ nữa. Ði để thu thập chiến lợi phẩm và phá bom nổ chậm. Một tháng qua con đã phải đi khá nhiều đường đất vất vả và cả đói nữa, nhưng cũng có nhiều điều đáng mừng. Con được đi tới những vùng ác liệt nhất của chiến trường khu 4. Ở đây có những quãng chỉ 2km mà địch đã trút xuống 5.000 quả bom. Ở đây có những đội thanh niên xung phong cùng với mặt đường phải chịu từng ấy bom đạn và trong đội ngũ kiên cường đó, chiến sĩ phá bom là những người được yêu quý nhất. Có những lúc chúng con phải phá bom trên sông, trước mặt bao cảnh thương vong. Vì bom đạn giặc, con vẫn dẫn đầu anh em bơi lội trên sông, phá thông luồng lạch, tạo một niềm tin vững chắc cho các chiến sĩ giao thông.

Có những lúc chúng con phải phá bom mở đường ở các trọng điểm đánh phá trên bộ, dưới làn bom đạn dày đặc của máy bay Mỹ. Bị sức ép nhiều lần, anh em thương vong gần hết, nhưng con của cậu mợ vẫn vững vàng tổ chức các đồng chí đảng viên gan dạ nhất phá sạch bom đạn giặc, cho xe thông đúng 12 giờ sau lệnh ngừng bắn. Anh em lái xe trên tuyến đường này đã dành cho chúng con những phần thưởng rất đáng quý.

Dù đứng giữa bãi bom của địch, hay dưới làn mưa đạn máy bay, con của cậu mợ vẫn vững vàng tiến lên phía trước. Cậu mợ ạ, ở đây chuyện sống chết đặt ra không phải từng ngày, mà từng giờ một. Có đồng chí vừa thăm con, nửa tiếng sau đã hy sinh. Có lúc con đã phải động viên sự hy sinh của từng người. Những lúc đó, như mọi người, con cũng nghĩ tới chuyện sống chết. Con nghĩ, nếu con hy sinh thì trước mắt sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, không đầy đủ trách nhiệm với các đồng  chí cùng đi. Cậu mợ và các em con sẽ thương nhớ con nhiều. Sức khỏe của cậu mợ cũng mau bị giảm sút. Tuy vậy, không phải lúc nào con cũng được cân nhắc tới chuyện sống chết. Bởi con nghĩ rằng cần phải sống, nhưng không thể từ bỏ hay trốn tránh những hy sinh cần thiết! Và lúc đó con lại vững vàng tự tin đứng giữa bãi bom...

Lệnh ngừng bắn đã tạo cho chúng con thuận lợi lớn trong công tác, nhưng những hy sinh của các chiến sĩ phá bom vẫn còn tiếp tục. Mỗi khi đứng trước những quả bom nổ chậm, hay chờ tiếng bộc phá nổ, con thường nghĩ tới cậu mợ, tới các em ở xa...

Cậu mợ và các em có biết con sẽ thế nào không, nếu quả bom nổ?

Những lúc đứng giữa cảnh chết chóc hoang tàn đó, con nghĩ nhiều đến hạnh phúc gia đình, nghĩ tới ngày sum họp, nghĩ tới những ngày hòa bình và con nghĩ ước mơ ngày về gặp mặt cậu mợ và các em con. Con luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để Tết có thể về nhà với gia đình, ngày ấy nhất định sẽ tới.

Ðến Tết này khi con về nhà, con sẽ kể lại cho cậu mợ nghe những ngày tháng chiến đấu căng thẳng, thầm lặng của con và con sẽ được ăn nhiều thứ, ăn đủ các loại rau. Ở đây, con chỉ được ăn toàn đồ hộp lương khô, gạo rang, nước suối. Bao giờ Tết về cậu mợ cho con ăn một bữa xôi chè thật no, như hồi bé lúc ở với cậu mợ con vẫn được ăn.

Cậu mợ kính yêu của con! Cậu mợ đừng lo cho con. Con làm việc với lòng tự tin và ý thức trách nhiệm với tập thể và với những người thân yêu của con. Nếu người chiến sĩ công binh không được sai sót một lần trong đời, thì con của cậu mợ xứng đáng là người chiến sĩ công binh ưu tú. Cậu mợ đừng lo lắng cho con, cậu mợ giữ gìn sức khỏe để Tết về con được vui.

Cậu mợ bảo nhà con rằng con không viết được thư, nhưng chưa lúc nào con không nghĩ tới... Ở đây tìm được tờ giấy, ngòi mực viết lá thư không dễ chút nào, có khi đổi bằng cả máu xương. Cậu mợ bảo nhà con khi được nghỉ Tết thì cứ về luôn Hải Phòng, để xe đạp lại gửi cơ quan cho con, khi nào được về con sẽ đạp xe về, đừng ở Hà Nội chờ con.

Con mong cậu mợ được khỏe mạnh, đừng lo lắng nhiều cho con. Con sẽ về chỉ sớm hay muộn mà thôi.

Con của cậu mợ!

Kính thư: Hoàng Kim Giao

Tái bút: Cậu mợ yêu quý của con!

Hôm nay có người ra Hà Nội mà không kịp viết lá thư khác gửi cậu mợ. Tết này chắc con không về kịp, cậu mợ đừng buồn. Có nhà con ở nhà, cậu mợ coi như có con ở nhà rồi. Khi nào làm xong nhiệm vụ con sẽ ở nhà lâu với cậu mợ.

Cậu mợ giữ sức khỏe đừng lo buồn. Con nhớ cậu mợ và các em con lắm. Cậu mợ bảo các em cố gắng học giỏi, ngoan ngoãn. Cậu mợ bảo nhà con Tết về nhà mang cả xe đạp về. Ðồ đạc con để lại có chiếc va ly, trong đó có một số đồ hộp và một gói chăn, cậu mợ viết thư bảo nhà con mang về.

Thôi, con sắp phải đi rồi...

Ngày 14-11-1968 

Liệt sỹ Hoàng Kim Giao sinh năm 1941 (tuổi Tân Tỵ) đã có những đóng góp tích cực về giải pháp khoa học công nghệ vào công trình: "Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường, bảo đảm giao thông 1967 - 1972". Công trình này đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996). Nhưng nhà khoa học trẻ đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ tại chiến trường Quân khu 4, khi mới 27 tuổi...

Đỗ Thơm (lược chép)

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.