Xúc động nhật ký 115: Đón Giao thừa lặng lẽ bên người bệnh

ctv ban tk

ctv ban tk

Thứ 7, 21/01/2023 13:38

Đằng sau những chuyến xe màu trắng vang lên tiếng còi cấp cứu vội vã trên đường phố là những con người không ngại gió mưa, đêm ngày hết mình giành giật từng phút...

Đằng sau những chuyến xe màu trắng vang lên tiếng còi cấp cứu vội vã trên đường phố là những con người không ngại gió mưa, đêm ngày hết mình giành giật từng phút, chạy đua với tử thần để đưa người bệnh đến bệnh viện nhanh nhất. Đó chính là lực lượng cấp cứu 115 Hà Nội. Nhưng có lẽ, ít ai hiểu được sự vất vả thầm lặng của những kíp trực làm nhiệm vụ cấp cứu này.

Phút Giao thừa lặng lẽ

Nhấp ngụm trà nóng, hơi trà bốc lên thơm lừng quyện với tiết trời se se lạnh của thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, bác sĩ Trần Anh Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chia sẻ, đã chọn nghề y, hiếm có y bác sĩ nào không một lần đón Tết ở bệnh viện, huống chi đối với riêng 115 thì thật hiếm hoi để các bác sĩ được đón Tết ở nhà. Kể cả những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới, khi người người được sum họp bên gia đình, các bác sĩ vẫn hết mình với công việc, thậm chí còn tất bật hơn ngày thường do số lượng người dân gọi cấp cứu vào những ngày lễ, Tết cao hơn những ngày khác.

“Vào những ngày lễ, Tết, số lượng phục vụ tăng lên đột xuất vì tâm lý mọi người ngại đi bệnh viện. Có nhiều người mắc các căn bệnh mãn tính, cả năm nằm viện, đến Tết họ mong muốn được trở về nhà đón năm mới, sum vầy bên gia đình nên thường sẽ gọi cấp cứu 115 đến điều trị tại nhà, trừ những trường hợp nghiêm trọng bắt buộc phải nhập viện”, bác sĩ Thắng giải thích thêm.

Trước khi giữ vị trí Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, bác sĩ Trần Anh Thắng đã có 15 năm trực tiếp tham gia cấp cứu bệnh nhân. Trong suốt quãng thời gian dài gắn bó với nghề, bác sĩ Thắng vẫn không quên được sự việc xảy ra trong thời khắc “đếm ngược” năm 2016. Tối cuối cùng của năm 2016, hàng chục nghìn người chen nhau trên phố Đinh Tiên Hoàng (gần tượng đài Lý Thái Tổ) để xem chương trình nghệ thuật. Nhiều bạn trẻ bất chấp đu cây, trèo qua lan can, ngồi bên bờ sông để tận mắt xem biểu diễn. Thậm chí, nhiều người đã ngất xỉu vì chen lấn trong đám đông.

Xã hội - Xúc động nhật ký 115: Đón Giao thừa lặng lẽ bên người bệnh

Bác sĩ Trần Anh Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội.

Cùng lúc đó, điện thoại của Trung tâm cấp cứu 115 liên tục vang lên, xe cấp cứu rú còi inh ỏi, nhanh chóng có mặt tại hiện trường, nhưng trớ trêu thay, khi đưa bệnh nhân lên được xe thì xe không thể di chuyển do lượng người quá đông, thậm chí có người dân còn đứng trên nóc xe cấp cứu mà các bác sĩ không thể làm gì được. Trong trường hợp này, các bác sĩ buộc phải gọi xe cấp cứu khác đến và di chuyển bệnh nhân ra ngoài. Nhận thấy tình hình có vẻ sẽ rất nghiêm trọng nếu như không giải tán được đám đông đang chen lấn, xô đẩy nên trực tiếp bác sĩ Thắng đã yêu cầu Trung tâm thương mại Tràng Tiền mở cửa để cho hết trẻ em, phụ nữ và người già vào bên trong nhằm giảm tải đám đông.

Nhắc tới cấp cứu 115, bác sĩ Thắng cũng không khỏi trăn trở khi chế độ đãi ngộ chưa đủ giữ chân bác sĩ, nhân viên y tế, chứ đừng nói là nhân tài, người có chuyên môn cao. Trong khi áp lực công việc lớn, gần như các bác sĩ không có thu nhập ngoài. “Phải ghi nhận những người còn tồn tại ở Trung tâm 115 đến hôm nay hết sức dũng cảm và đầy tâm huyết. Tôi rất biết ơn những con người đang cùng làm việc ở Trung tâm 115 này”, bác sĩ Thắng nói.

13 năm mới được đón một Giao thừa ở nhà

Chia sẻ những câu chuyện trực Tết, bác sĩ Trần Sơn (38 tuổi) là người gắn bó hơn 13 năm với Trung tâm cấp cứu 115 không khỏi chạnh lòng khi mỗi dịp tết đến, nhất là những năm đầu mới bước chân vào nghề. Giao thừa đầu tiên kể từ ngày đi làm, thay vì được sum họp bên gia đình như mọi năm, Sơn phải chạy đua với thời gian, làm thế nào đến cấp cứu được cho người bệnh càng sớm càng tốt.

“Đúng vào đêm Giao thừa năm ngoái, kíp trực của chúng tôi có mặt tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội để cấp cứu cho một phụ nữ bị tăng huyết áp, rối loạn tiền đình. Khi điều trị xong cũng là lúc tiếng đồng hồ điểm sang năm mới vang lên, chúng tôi xin phép ra về thì gia đình bệnh nhân giữ lại cùng đón Giao thừa.

Xã hội - Xúc động nhật ký 115: Đón Giao thừa lặng lẽ bên người bệnh (Hình 2).

Để cho gia chủ đỡ “rông”, chúng tôi cũng mạn phép ăn miếng bánh; nhấm nháp miếng mứt dừa. Biết chúng tôi đang trong quá trình làm nhiệm vụ không thể uống rượu bia, người chồng bệnh nhân nhanh tay “lì xì” cho mỗi người một lon bia trước khi ra về”, anh Sơn cười hiện chia sẻ.

Nhớ lại quãng thời gian 13 năm gắn bó với công việc cứu người, bác sĩ Sơn mới có được 1 năm đón Tết cùng gia đình. Mặc dù công việc còn nhiều vất vả, bác sĩ Sơn cũng như rất nhiều đồng nghiệp khác vẫn ngày đêm chạy đua cùng thời gian, mang sức lực, chuyên môn của mình cứu chữa bệnh nhân.

Cùng công tác tại Trung tâm Cấp cứu 115, Tp.Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tú (35 tuổi) bộc bạch, với đặc trưng công việc, bác sĩ phải rất cố gắng để thực hiện tốt các ca sơ cứu trước khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Bên cạnh đó, các bác sĩ luôn gặp áp lực và nhiều khi còn bị đùa giỡn, gây khó khăn trong công việc. Thế nhưng vì trách nhiệm, dù đêm khuya, mưa gió hay tắc đường, những “chiến binh áo trắng” vẫn sẵn sàng lên đường mỗi khi nhận được điện thoại.

“Xác định đó là nhiệm vụ, trọng trách mà người khoác lên mình chiếc áo blouse trắng phải gánh vác, chúng tôi - các bác sĩ 115 nói riêng tạm gạt cảm xúc cá nhân sang một bên để luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc cứu người, mang bình an về cho mọi nhà”, chị Tú tự hào nói.

Bác sĩ Trần Anh Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết: “Có khoảng 20 chiếc xe cấp cứu 115 “gánh” hơn 8 triệu dân Hà Nội. Như vậy, trung bình mỗi ngày có khoảng 100-200 ca cần cấp cứu; có những thời điểm, các kíp cấp cứu đang trên đường vận chuyển người bệnh đến bệnh viện đã vội nhận lệnh đến cấp cứu bệnh nhân khác. Thế nhưng, nhiều người lại chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của cấp cứu 115.

Cấp cứu trước viện đóng vai trò quan trọng trong hệ thống cấp cứu; nâng cao khả năng và cơ hội sống cho người bệnh cấp cứu, hoặc ít ra cũng để lại di chứng ít nhất hoặc nhẹ nhất có thể. Sơ cứu kịp thời sẽ làm cho các chức năng sống bảo tồn, các chức năng sinh hoạt sẽ được phục hồi. Vì vậy thời gian là tối quan trọng trong sơ cấp cứu. Thời gian là mạng sống của bệnh nhân”.

Nguyễn Thúy

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.