Những “bóng hồng” gác chắn tàu
Chúng tôi có mặt tại trạm chắn Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) vào buổi chiều một ngày giáp tết Đinh Dậu 2017, tận mắt mục sở thị tường tận ghi lại quá trình chuẩn bị của những nữ gác chắn để đón đoàn tàu Bắc- Nam mới thấy được không khí làm việc hối hả nhưng đầy áp lực của nghề gác chắn tàu.
Công việc của những nữ công nhân gác chắn đường tàu diễn ra đều đặn hàng ngày, hàng giờ. Do đặc thù công việc, mỗi công nhân gác phải làm việc theo ca, mỗi ca làm việc kéo dài đến 12 giờ đồng hồ. Khi chiếc điện thoại đặt trên bàn đổ chuông, ngay lập tức họ như chiếc lò xo bật dậy, ai nấy nhanh chân vào vị trí của người nấy.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Đậu Thị Hằng (nhân viên tổ chắn đường ngang đường sắt Ngọc Hồi) chia sẻ, chị đã gắn bó với nghề từ hơn chục năm nay. Ngày mưa cũng như ngày nắng, chị vẫn lầm lũi đứng gác để mang lại sự an toàn cho người tham gia giao thông.
Chị Đậu Thị Hằng được nhiều người ví là “bông hồng” tỏa nắng của gác chắn Ngọc Hồi bởi khuôn mặt thanh tú, tính tình cởi mở và nụ cường cười thường trực trên môi. Trò chuyện với chị, chúng tôi có cảm giác tự nhiên, gần gũi lạ. Chỉ hóm hỉnh nói: “Làm nghề này nếu không biết gìn giữ nhan sắc, chăm sóc làn da thì tiền lương cũng không đủ mua kem chống nắng, son che khuyết điểm”.
Theo lời chị kể, mỗi ca trực phải làm liên tục 12 tiếng trong ngày, thời gian dành cho gia đình bị hạn chế. Đặc biệt, cả hai vợ chồng chị cùng làm chung nghề đều gắn bó với công việc này nên cả hai luôn thông cảm, chia sẻ công việc nhà và chăm sóc con cái. “Khi vợ đi làm ca sáng, chồng sẽ đưa đón con đi học, còn khi vợ đi làm đêm thì chồng sẽ bảo ban con học hành, ru con ngủ. Hồi con còn nhỏ, có những khi neo người, tôi phải đưa con đi trực cùng. Những lúc đó, tôi thèm khát có một công việc làm giờ hành chính và nhàn hạ hơn để được bên con mỗi tối”, chị Hằng trầm tư kể.
Công việc của những “bóng hồng” gác chắn như chị Hằng mỗi ngày là nghe điện thoại trực ban, báo chuyển, ghi chép cẩn thận giờ tàu đến và canh giờ kéo barrie để bảo đảm đoàn tàu vượt qua không có chướng ngại nào. Nghe đơn giản là vậy, nhưng đằng sau đó là bao nhọc nhằn đòi hỏi sự nỗ lực làm việc không biết mệt mỏi và trách nhiệm đè nặng lên đôi vai của những người gác chắn. Bởi hằng ngày, họ phải bảo đảm an toàn cho hàng nghìn người.
Với chị Hằng là người chọn nghề, công việc dẫu vất vả, sớm hôm dãi nắng dầm mưa nhưng chưa khi nào chị để xảy ra sai sót gì. Theo chị, dù trực đêm hay ngày, công nhân gác chắn vẫn phải đảm bảo nghiêm ngặt nguyên tắc nghề nghiệp, đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu.
Những câu chuyện buồn vui nghề nghiệp cứ thế được sẻ chia trong căn phòng nhỏ của trạm chắn. Chị Lưu Chung Thủy, nữ nhân viên cùng làm ca với chị Hằng chia sẻ: “Cái nghề của mình nói sâu xa là “giữ tính mạng cho người khác”, chỉ cần một phút sơ sảy sẽ để lại hậu quả khó lường”.
Tôi hỏi chị Thủy, những lần gác khuya chuyện gì khiến chị lo ngại nhất? Câu hỏi như chạm vào nỗi niềm sâu kín của chị. Người phụ nữ này chia sẻ: “Công việc gác đường tàu với nam giới đã là cực nhọc, huống gì với phái nữ “chân yếu tay mềm”.
Nhiều chị em gác tàu đêm đã gặp phải không ít tình huống khó xử từ những “bợm nhậu” phóng xe quá tốc độ, các thanh niên tụ tập hút chích, những thành phần biến thái, ăn cắp, ăn trộm... Thậm chí, nhiều đối tượng quá khích sẵn sàng đe dọa đập phá và hành hung các công nhân gác tàu. Đáng ngại hơn cả là những vụ tai nạn giao thông không lường trước”.
Công việc liên quan trực tiếp đến tính mạng con người nên dù làm ca ngày hay đêm, trời nắng ấm hay mưa rét, sự lơi là là điều không thể có. Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, số chuyến tàu tăng lên gấp đôi nên phải nắm bắt được chính xác được giờ tàu đến để làm nhiệm vụ, khoảng thời gian giữa các chuyến tàu dịp Tết không cố định, chỉ sai giờ một chút thôi hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Đón giao thừa với tiếng còi tàu
Chị Thủy kể, kỷ niệm đáng nhớ nhất với chị chính là đón giao thừa với những chuyến tàu đầu tiên của năm mới. “Gần 15 năm làm công việc gác chắn đường tàu, đã có 5 cái Tết, tôi đi trực tàu và chung vui giao thừa với anh chị em tại trạm. Cảm giác bâng khuâng lắm, vừa buồn lại vừa vui. Buồn vì chẳng được ở bên chồng con vào cái thời khắc mà đáng lẽ ra gia đình nào cũng nên sum họp. Vui vì mình đã góp phần nhỏ công sức cho sự an toàn của người tham gia giao thông ngày Tết. Ngay cả những ngày này cũng thế, có lúc ra làm nhìn thấy người ta nườm nượp nào đào, nào mai, nào đồ đạc chuẩn bị đón Tết mà thấy nao nao trong lòng”, chị Thủy rưng rưng kể.
Chia sẻ về nghề, chị Hằng bảo rằng: “Cẩn trọng là thế nhưng bọn mình cũng không tránh khỏi những tình huống “thót tim”. Nhiều người dân bất chấp tín hiệu chuông và đèn cảnh báo, cứ nằng nặc đòi vượt rào chắn. “Mình cẩn thận mà ý thức giao thông của một số người dân còn quá kém, đôi lúc rất bực mình nhưng đành thở dài thôi”.
Qua chia sẻ của chị Hằng mới thấy, vất vả và không ít thiệt thòi, nhưng những “bóng hồng” ấy vẫn tìm cho mình được những niềm vui nhỏ, đó là những lúc họ giúp được một người bán hàng rong bị mắc kẹt giữa đường ngang hay một người mải mê nghe điện thoại mà không để ý tàu sắp đến... Với các chị, đó là những lần “thót tim” nhưng cũng chính là ngọn lửa đốt cháy lòng yêu nghề của mình hơn.
Và rồi, từng đêm trôi qua, những công nhân gác chắn tàu lại lặng lẽ như “ngọn đèn đứng gác”, canh từng chuyến tàu qua an toàn, để ai cũng được sum vầy đầm ấm bên gia đình trong thời khắc giao thừa. Với họ, dù phải hy sinh những phút giây hạnh bên gia đình cũng bởi “cái phận” với nghề và ngọn lửa nhiệt huyết trong công việc.
N.Giang