Chiều 4/4, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho Thạc sĩ, nữ hộ sinh Lộ Thị Thùy Linh, người đã hiến đa tạng hồi sinh sự sống cho 4 người.
Chị Lộ Thị Thùy Linh có nhiều năm công tác tại Bệnh viện E ở Khoa Phụ sản. Do mắc bệnh hiểm nghèo, chị Linh đột ngột ngừng tim, được đưa vào Bệnh viện E cấp cứu, hồi sức vào chiều ngày 7/3. Được các bác sĩ cứu chữa tích cực, tim đã đập trở lại, nhưng bệnh nhân trong tình trạng chết não.
Sau 3 lần đánh giá của Hội đồng chẩn đoán chết não, gia đình chị Linh đã đồng ý hiến toàn bộ tạng của chị để cứu sống 4 người mắc trọng bệnh. Nhờ nguồn tạng hiến của nữ bệnh nhân đã hồi sinh sự sống cho 4 người, trong đó, có 1 bệnh nhân được ghép tim và 2 bệnh nhân được ghép thận ở Bệnh viện Việt Đức, 1 bệnh nhân được ghép gan ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hiện tại, các bệnh nhân đều đã được ra viện.
Theo TS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E, chị Lộ Thị Thùy Linh đã đăng ký và tự nguyện hiến một phần cơ thể để cứu sống nhiều người bệnh đang cần được ghép tạng. Gia đình chị, với truyền thống nhiều thế hệ làm việc trong ngành y, cũng mong muốn thực hiện tâm nguyện đó của chị.
Ông Lộ Mạnh Hởi, bố của chị Linh chia sẻ: “Cho đi là còn mãi, trái tim của con tôi vẫn sống theo cách riêng và đầy ý nghĩa trong trái tim của người thân, gia đình, đồng nghiệp và mọi người trong xã hội”.
Xúc động trước nghĩa cử cao đẹp này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã gửi lời tri ân sâu sắc đến gia đình Thạc sĩ, nữ hộ sinh Lộ Thị Thùy Linh. Đây là một gương điển hình lan tỏa trong xã hội về những tấm lòng cao đẹp. Bộ Y tế truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho chị Lộ Thị Thùy Linh.
Cùng nói về nghĩa cử cao đẹp, mới đây, một bệnh viện ở Quảng Ninh cũng đã thực hiện phẫu thuật lấy đa tạng từ một người hiến bị chết não, mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân khác.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 2/4, ông Trần Anh Cường, giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, xác nhận khoảng 120 y bác sĩ đã xuyên đêm thực hiện phẫu thuật lấy đa tạng từ một người hiến ngay tại bệnh viện.
Đây cũng là một trong những lần đầu tiên việc lấy tạng được thực hiện tại một bệnh viện tuyến tỉnh trước khi chuyển tới nhiều trung tâm ghép tạng trong cả nước, xa nhất là Bệnh viện Trung ương Huế.
Người hiến tạng là một công dân tỉnh Quảng Ninh, bị chấn thương sọ não nặng sau tai nạn giao thông. Sau khi có kết luận chẩn đoán chết não và nhận được sự đồng thuận của gia đình, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã xây dựng kế hoạch lấy đa mô tạng, hiệp đồng chặt chẽ với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, các trung tâm ghép tạng toàn quốc để rà soát và lập danh sách bệnh nhân sẽ được ghép tạng từ người cho này.
Các tạng được hiến bao gồm: tim, gan, trong đó gan được chia tách gan phải - gan trái, 2 quả thận, 2 giác mạc. Ca phẫu thuật lấy tạng được triển khai ngay trong đêm với sự tham gia của các trung tâm ghép tạng hàng đầu Việt Nam như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế.
Theo thông tin từ Trung tâm Điều phối tạng quốc gia, đến cuối ngày 2/4, tất cả các tạng được lấy từ người hiến tạng trên đều đã được ghép, tưới máu tốt và giúp mang lại hy vọng sống mới cho các bệnh nhân khác.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), sau 32 năm Việt Nam thực hiện ca ghép tạng đầu tiên, và sau 14 năm triển khai công tác lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép mô, bộ phận cơ thể người, trong đó ghép thận: 6.764 ca, ghép gan 456 ca, ghép tim: 65 ca, ghép thận-tụy: 1 ca, ghép tim-phổi: 1 ca, ghép phổi: 9 ca, ghép chi trên: 2 ca, ghép ruột 2 ca…
Hiện nhu cầu người chờ ghép mô, tạng ngày càng tăng, ước tính cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi… Như vậy, nếu như có nguồn hiến tặng thích hợp sẽ có rất nhiều trường hợp suy tạng sẽ được cứu sống.
Minh Đức (T/h theo Báo Giao Thông, Hà Nội Mới, Tuổi Trẻ)