Nơi sóng điện thoại tới muộn
Để lên được tới điểm bản Nậm Chà, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, chúng tôi phải đi bộ dọc bờ suối mất một ngày đường. Mỗi thầy cô giáo ở đây, ai cũng tự sắm cho mình một chiếc đèn pin để thắp sáng, muốn bắt sóng điện thoại thì dùng dây treo điện thoại “cục gạch” lên dây phơi quần áo ngoài hiên hoặc chạy lên đồi…
Chúng tôi vượt con Sông Đà để đến với bản làng Nậm Chà. Từ ngày có nhà máy thủy điện, bà con có thêm tuyến đường sông để thuận tiện đi lại hơn. Thầy Lê Đình Chuyền – Hiệu trưởng trường tiểu học Nậm Chà tâm sự: “Nậm Chà khổ lắm, năm 2014 nơi đây mới có sóng điện thoại, mãi đến 2016 mới có điện. Đường đi lại thì khó khăn vô cùng. Người lớn còn khắc phục được nhưng chỉ thương lũ trẻ”.
Cũng theo thầy Chuyền, điểm trường chính của mầm non và tiểu học đều ở cùng một chỗ, còn các điểm lẻ thì mầm non và tiểu học gộp làm một.
Đến nay, hai điểm trường lẻ Huổi Lính và Huổi Dạo (2/7 điểm trường lẻ của tiểu học Nậm Chà) vẫn chưa có điện, sóng điện thoại thì chập chờn. Muốn liên lạc với người nhà, thầy cô phải leo lên đồi để bắt sóng.
“Tôi còn nhớ như in ngày mới nhận công tác mà phát khóc. Huổi Dạo xa lắm, đi xe máy mất nửa ngày, đi đường suối mất mấy tiếng, phải xắn quần lấy tro bôi vào chân cho vắt đỡ cắn. 20/11 đầu tiên trên này, đi bộ đến 8h tối mới đến nơi, lúc ấy mình ngồi thụp xuống rồi ôm mặt khóc vì tủi thân”, cô Tòng Thị Anh (dân tộc Thái Đen – giáo viên điểm trường Huổi Dạo) kể về kỷ niệm khó quên trong nghề.
Với cô Lò Thị Nghị (SN 1990, giáo viên mầm non Nậm Chà), ngày đầu tiên lên dạy ở điểm lẻ Phiêng Lằn, cô phải đi bộ gần 7 tiếng đồng hồ. Cô Nghị kể: “Ngày ấy, đường “khắc nghiệt” đến nỗi 1, 2 người phát khóc lên rồi. Đặt chân đến điểm trường mà cô Nghị mệt lả nên chẳng ăn nổi. Lần thứ hai đi xe máy thì ngồi đằng sau mà có cảm giác sắp rơi ra ngoài, suốt 11 cây số xóc nảy liên tục, vừa mệt lả, vừa căng thẳng”.
Cùng chung tâm trạng ấy, cô Trang Thị Hiền (giáo viên lớp 5 tuổi, mầm non Nậm Chà) kể lại: “Mình là người Mường Tè lên đây công tác từ năm 2012 và được phân công dạy ở điểm lẻ Huổi Lính. Ngày ấy chỉ dùng Nokia 1202, 1280, điện thoại bắt sóng khỏe thế nhưng cũng tậm tịt, trò chuyện câu được câu chăng”.
Nhắc đến câu chuyện treo điện thoại trên cây để bắt sóng, thầy Chuyền cười cho biết, năm 2008 lên đây công tác, cứ hai tuần/lần, thầy lại đùm cơm nắm ăn dọc đường để đến Mường Tè – nơi có sóng điện thoại để liên lạc về cho gia đình. Rồi giọng thầy trầm hẳn xuống khi kể câu chuyện buồn, có trường hợp bố mẹ mất ở quê mà đến mấy ngày hôm sau thầy cô mới hay tin, vội vàng vừa khóc vừa khăn gói về nhưng không kịp.
Phút chạnh lòng của những người “cõng chữ lên non”
Không có điện, thầy cô soạn giáo án hay chấm bài đều tranh thủ ban ngày. Đến khi màn đêm buông xuống, cả ngôi trường chìm trong bóng tối giữa hoang vu của núi rừng. Ai cũng mang theo mình chiếc đèn pin, ban ngày nạp điện bằng tubin phát điện của bà con để tối còn có cái mà dùng.
Thông tin liên lạc yếu là thế, đường sá đi lại cũng vô cùng khó khăn, bệnh viện ở xa - cách điểm trường trung tâm gần 100 cây số, đi bộ mất khoảng 6 – 7 tiếng đồng hồ mới ra được đường lớn để bắt xe. Thầy Chuyền dẫn chứng câu chuyện, một giáo viên trong trường bị sảy thai, vì không ngồi được xe máy nên thầy huy động mấy chục người dân bản, thầy cô thay nhau khiêng đi viện.
Chưa kể, hạn chế về thông tin liên lạc đã dẫn đến không ít câu chuyện chạnh lòng. Nhiều thầy cô sống xa con cái, muốn gọi điện hàng ngày hỏi thăm con cho đỡ nhớ… mà điều kiện trớ trêu.
Kể lại câu chuyện nghẹn lòng ấy, cô giáo Hiền lén nhìn chồng chực khóc: “Mình có con trai 4 tuổi, hiện đang gửi bà nội ở Hải Dương. Điều kiện hai vợ chồng giảng dạy trên này nên con mới 10 tháng rưỡi đã phải cai sữa. Nhớ con lắm chứ, nhiều khi nhớ con phát điên. Một năm gặp con được 1 – 2 lần. Hàng ngày vẫn nói chuyện với bố mẹ qua điện thoại, lúc con bi bô, chỉ mong con gọi “Mẹ ơi”.
Ngày con gọi tiếng “Mẹ” đầu tiên, mình bất ngờ lắm, òa khóc. Tết về buồn, đến cổng nhìn thấy con, mình thì mừng rơi nước mắt, định lao vào ôm con, nhưng con cứ đứng nhìn chằm chằm không nhận ra mẹ. Mình bảo: “Con trai, mẹ đây. Mẹ Hiền của con đây, ra với mẹ nào!”. Một lúc sau, con nhận ra mới chạy lại gọi “Mẹ”.
Thời gian bên con trôi nhanh lắm, hết kỳ nghỉ, lúc đi, con đứng nhìn rồi khóc, chạy theo bám lấy chân mếu máo: “Mẹ đừng đi, mẹ cho con đi với!” làm mình chẳng đành lòng. Thế là hai mẹ con ôm nhau khóc”.
Có lẽ cũng vì thiếu thốn tình cảm với con nên các thầy cô giáo Nậm Chà dành tình yêu thương cho học trò như với con đẻ. Hơn nữa, với họ, mảnh đất Nậm Chà đã “hóa tâm hồn” tự bao giờ, nảy sinh tình cảm gắn bó với bà con dân bản, với học trò, với thiên nhiên, cảnh vật nơi đây.
Còn với người thầy hiệu trưởng tiểu học Nậm Chà, điều hạnh phúc nhất 8 năm nay mà thầy nhận được chính là “sự gắn bó, tình cảm của người dân bản sống thật thà và học trò ngoan, hiền lành, chất phác”. Đã có rất nhiều người đến công tác vài năm rồi chuyển nhưng thầy vẫn ở lại, gần gũi với bà con và đã coi đây là quê hương thứ hai.
“Tình cảm của bà con rất thật. Tết đến hay những dịp đặc biệt dân bản mổ lợn biếu thầy, hoặc mời thầy đến nhà dùng bữa cơm… Tôi nhớ mãi năm đầu tiên đón trung thu với học sinh ở Huổi Dạo. Lúc ấy chỉ có 3 lớp, mỗi lớp chưa đến chục học sinh, tôi có mua chút kẹo ngoài thị trấn, mỗi học sinh góp đồ của nhà mình đem đến, bạn mang bí ngô, rau, khoai, sắn, bạn thì quả dưa… Thầy trò cùng phá cỗ trong ánh đèn dầu tranh tối tranh sáng trong căn phòng nhỏ bằng nứa”, thầy Chuyền nhớ lại.
Nhiều năm công tác ở trường, được lãnh đạo UBND xã tín nhiệm, người dân yêu mến, năm 2013 thầy Chuyền được mời thuyên chuyển công tác với chức vụ Phó bí thư Đảng ủy xã Nậm Chà nhưng thầy từ chối với lý do: “Muốn tiếp tục gắn bó với sự nghiệp giáo dục”. Đó là công việc ươm những mầm xanh của đất nước, mang đến sự thay đổi, luồng gió mới cho mảnh đất này. Với thầy Chuyền, nghề “gõ đầu trẻ” đã ăn sâu vào máu rồi.
Thầy giáo tiểu học Phạm Văn Ninh (Hải Dương) lại có cho mình những niềm vui khác trong hành trang gắn bó với ngành giáo dục: “Vui nhất là học sinh lấy vợ và lúc gặp thầy tay bắt mặt mừng khoe rằng: “Con em được một tuổi rồi thầy ơi!””.
Có lên Nậm Chà mới hiểu phần nào cái khổ, thiếu thốn của học sinh và tinh thần lạc quan, kiên trì, bản lĩnh thép vượt lên trên khó khăn để chở chữ lên non của thầy cô giáo. Để dạy cho trẻ, trước tiên các thầy cô phải học tiếng của trẻ - tiếng Mông, tiếng Dao rồi mới dạy được tiếng Kinh. Bởi, các thầy cô không chỉ dạy bằng ngôn ngữ, ánh mắt, tâm huyết với nghề mà còn dạy học trò bằng tình yêu thương vô bờ bến.
Thiên Di