Làm sao chứng minh được bị cưỡng ép sử dụng rượu, bia?
Mới đây, tại hội nghị triển khai hướng dẫn một số văn bản pháp luật về luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được bộ Y tế tổ chức, bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ Y tế) cho biết, luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia như: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mãi rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi...
Cũng theo bà Trang, nghị định 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do Thủ tướng ký ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/11 tới (thay thế nghị định 176/2013) có các điểm mới, quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực rượu, bia.
Theo đó, tại Điều 30 quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia. Phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Uống rượu, bia tại địa điểm không được uống rượu, bia; xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia.
Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu, bia... Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu bia, để tình trạng uống rượu bia trong, giữa giờ làm việc cũng bị phạt tiền mức 3 - 5 triệu đồng.
Liên quan đến quy định trên có rất nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn ý kiến bày tỏ sự đồng tình ủng hộ đối với quy định này, trong đó có việc xử phạt người ép uống rượu, bia nhằm giảm thiểu những tác hại của bia, rượu gây ra. Trên thực tế, việc sử dụng rượu, bia, “tiếp khách”, “chào mời nhau” bằng bia rượu là thói quen tiêu dùng đã tồn tại lâu đời ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam, được coi là phương tiện giao tiếp xã hội. Tuy nhiên, việc gia tăng tiêu thụ rượu, bia như hiện nay đồng nghĩa với việc hao tổn nhiều về sức khỏe, tiền bạc và những hệ lụy khác do sử dụng rượu bia gây ra như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và nhiều hệ lụy khác.
Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến băn khoăn ai sẽ là người đứng ra tố cáo hành vi này nếu trong bàn tiệc chủ yếu là người thân quen, bạn bè, gia đình. LS. Phạm văn Phất (đoàn Luật sư Quảng Ninh) nhìn nhận, quy định cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia sẽ rất khó để xử phạt nếu thiếu hướng dẫn cụ thể về cách phát hiện, tố giác người vi phạm. Về nguyên tắc, mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan. Theo đó, người bị ép uống rượu phải thực hiện việc tố giác người vi phạm nhanh chóng và phải chứng minh được bản thân bị cưỡng ép sử dụng rượu, bia qua các chứng cứ. Phải có người làm chứng hoặc hình ảnh, video ghi lại hành động, lời nói xúi giục, kích động, ép buộc người khác uống rượu, bia để xử lý người vi phạm.
Cần làm rõ ranh giới giữa mời và ép rượu
Theo nhiều chuyên gia về luật, quy định như trên của luật Phòng chống tác hại rượu bia là rất cần thiết nhưng để những điều luật đó đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao thì cần có văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn cụ thể, ví dụ như thế nào là xúi giục, thế nào là lôi kéo và thế nào là ép buộc uống rượu bia. Quy định càng cụ thể bao nhiêu thì mới có căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm nêu trên.
ĐBQH khóa XIII Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, trên thực tế, rượu, bia là loại hàng hóa được hầu hết các quốc gia đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng. Tại Việt Nam, luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 với mục đích phòng, tránh, giảm thiểu các hậu quả về sức khỏe, xã hội và kinh tế do sử dụng rượu bia gây ra. Khi Nghị định 117 sắp được thực thi, nhiều ý kiến lo ngại cho rằng nhắm tin mời người khác uống rượu, bia có bị coi là lôi kéo, xúi giục hoặc ép buộc người khác uống rượu, bia hay không?
“Trong thực tế đã xảy ra nhiều vụ án vì từ chối bia, rượu trong bàn tiệc; hoặc bị ép uống dẫn đến tai nạn giao thông sau đó khi đi trên đường... Quy định mới được cơ quan quản lý kỳ vọng sẽ giúp ngăn chặn được tình trạng này. Tuy nhiên theo đánh giá của tôi, quy định này không khả thi. Khái niệm về “ép uống bia, rượu” còn mập mờ, chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, chưa quy định rõ trách nhiệm xử lý vi phạm của cơ quan chức năng thì việc xử phạt sẽ gặp khó. Để quy định này được hiểu đúng, áp dụng đúng thì cần có những giải thích cụ thể thế nào là kích động, xúi giục, lôi kéo, ép buộc uống rượu, bia. Từ đó mới có căn cứ xử lý các hành vi vi phạm”, ông Thuyền nêu quan điểm.
Liên quan đến vấn đề tác hại của rượu, bia, ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) từng phát biểu tại nghị trường Quốc hội: “Xin hãy một lần đến những nơi cấp cứu người tai nạn vì rượu bia hay một lần nghe tiếng khóc của những người vợ mất chồng vì bia, rượu. Vậy mà không ít người lại cổ xúy cho “văn hóa uống”. Không nên ngụy biện bằng “uống có trách nhiệm” hay gì khác. Không nên cài cắm hay đánh tráo khái niệm”.
Theo đó, khi được hỏi, nhiều ĐBQH đồng tình cần tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia và có những quy định cụ thể, chi tiết đi vào cuộc sống.
Hương Lan