Trong bối cảnh Trung Đông đang “cực nóng” với tâm điểm là cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine, Ả Rập Xê-út (Saudi Arabia) vẫn không bỏ lỡ việc tổ chức sự kiện đầu tư thường niên, thường được ví là “Davos trên sa mạc”.
Dù bị “phủ bóng đen” bởi những gì đang diễn ra ở Gaza, hội nghị đầu tư ở Riyadh vẫn quy tụ 6.000 người tham gia từ hơn 90 quốc gia và 500 diễn giả khu vực và quốc tế từ các lĩnh vực khác nhau, đồng thời chứng kiến các thương vụ trị giá hàng tỷ USD được “chốt”.
Tầm nhìn 2030
Phát biểu trước đám đông chăm chú tại khách sạn Ritz Carlton hào nhoáng ở thủ đô Riyadh 5 năm trước, nhà lãnh đạo trên thực tế của Ả Rập Xê-út, Thái tử Mohammed bin Salman (MBS), cho biết ông tin rằng Trung Đông có thể trở thành “châu Âu mới”.
“Sự phục hưng toàn cầu tiếp theo trong 30 năm tới sẽ diễn ra ở Trung Đông”, Thái tử MBS cho biết vào năm 2018, trong khuôn khổ Sáng kiến Đầu tư Tương lai (FII) lần thứ 2. “Đây là cuộc chiến của người Ả Rập Xê-út. Đây là cuộc chiến của tôi”, ông tiếp tục. “Tôi không muốn rời nhân thế trước khi tôi thấy Trung Đông đứng hàng đầu thế giới”.
Vị Thái tử quyền lực tiếp tục trình bày về Tầm nhìn 2030 (Vision 2030) – một kế hoạch cực kỳ tốn kém và đầy tham vọng nhằm đa dạng hóa nền kinh tế Ả Rập Xê-út khỏi phụ thuộc vào dầu mỏ.
Vào thời điểm đó, bài phát biểu của ông đã nhận được những tràng pháo tay và sự hoan nghênh nhiệt liệt – mặc dù thực tế là nhiều khách phương Tây đã bỏ qua sự kiện vì vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi diễn ra không lâu trước khi FII 2018 khai mạc.
Tại FII năm nay, diễn ra từ ngày 24-26/10, hội nghị đầu tư được mệnh danh “Davos trên sa mạc” bị phủ bóng bởi làn sóng xung đột mới nhất giữa Israel-Hamas mà hậu quả của nó nguy cơ phá hỏng tham vọng của quốc gia Vùng Vịnh giàu dầu mỏ này.
Tuy nhiên, cuộc xung đột ở cách thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê-út hàng nghìn km chỉ khiến hội nghị bị mất một số ít người tham dự.
Các nhà tài chính hàng đầu của Phố Wall, đặc biệt là David Solomon của Goldman Sachs, Jamie Dimon của JPMorgan và Jane Fraser của Citigroup, vẫn xuất hiện và phát biểu bất chấp những lo ngại rộng rãi về việc đi lại ở Trung Đông.
Sự kiện thường niên này thường được những người tham dự sử dụng như một cơ hội để xây dựng mối quan hệ với một số công ty lớn nhất của Ả Rập Xê-út và quỹ đầu tư quốc gia trị giá 778 tỷ USD của nước này, được thu hút bởi những hứa hẹn về các thỏa thuận khi vương quốc này bắt tay vào kế hoạch cải cách đầy tham vọng Tầm nhìn 2030.
Năm ngoái, Ả Rập Xê-út đã chi hàng tỷ USD vào các công ty, từ thể thao, trò chơi đến hàng không. Năm nay, Saudi Telecom Corp đã mua gần 10% cổ phần trong Telefonica của Tây Ban Nha.
Các thương vụ tỷ USD dự kiến được chốt trong sự kiện năm nay. Thương vụ đầu tiên trong số đó đã được công bố hôm 24/10: Kế hoạch trị giá 0,5 tỷ USD cho Quỹ đầu tư công (PIF) - quỹ đầu tư quốc gia của Ả Rập Xê-út để đầu tư vào một nhà máy sản xuất ô tô ở quốc gia Vùng Vịnh cùng với nhà sản xuất ô tô Hyundai của Hàn Quốc.
Xung đột “làm lu mờ mọi thứ khác”
Có mặt ở sự kiện này là điều hợp lý bất chấp những gì đang xảy ra ở Gaza, bà Karen E. Young, một học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, nói với DW.
“Các nhà đầu tư đã trả rất nhiều tiền để tham dự hội nghị. Họ coi Ả Rập Xê-út và PIF là nguồn đầu tư và cơ hội chính”, bà Young chỉ ra. “Họ chỉ đơn giản là muốn tìm hiểu xem các quốc gia Vùng Vịnh và các quỹ quỹ đầu tư quốc gia của họ sẽ hành động như thế nào trong cuộc khủng hoảng này”.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ sự kiện đầu tư, bàn về cuộc xung đột mới nhất ở Gaza là không thể tránh khỏi.
Sau khi lực lượng Hamas tiến hành cuộc tấn công gây sốc vào Israel vào ngày 7/10 khiến hơn 1.400 người ở nước này thiệt mạng, Quân đội Israel (IDF) đã ném bom Dải Gaza, một trong những nơi đông dân nhất trên trái đất – với 2,3 triệu người trên diện tích 365 km2.
Theo cơ quan y tế do Hamas điều hành ở Gaza, ước tính hơn 7.000 người Palestine, gần một nửa trong số đó là trẻ em, đã thiệt mạng vì các cuộc không kích và pháo kích liên miên của Israel. Số người thiệt mạng dự báo còn tăng.
Những gì đang diễn ra ở Gaza “làm lu mờ mọi thứ khác”, tờ Wall Street Journal dẫn lời Bộ trưởng Đầu tư Ả Rập Xê-út Khalid al-Falih cho biết. “Nhưng vì lợi ích của họ và lợi ích của nhân loại, chúng ta phải giữ vững định hướng vào sự thịnh vượng của người dân chúng ta”.
CEO Citigroup Jane Fraser cho biết thật khó để không bi quan trong hoàn cảnh này, và ông chủ của BlackRock, Larry Fink, cho rằng giao tranh ở Ukraine và Gaza sẽ dẫn đến tình trạng bất an xã hội lớn hơn và do đó, ít hy vọng hơn. Ông lập luận rằng điều đó sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người tiêu dùng và cuối cùng là tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Các nhà kinh tế cho biết, trong ngắn hạn, những vấn đề kinh tế tiềm ẩn lớn nhất mà cuộc xung đột ở Gaza có thể gây ra liên quan đến nguồn cung và giá cả dầu khí. Trong trường hợp xấu nhất, khi xung đột lan rộng ra ngoài Israel, giá dầu có thể tăng lên tới 150 USD/thùng, các nhà phân tích tại Bloomberg cho biết trong tuần này. Giá hiện đang ở mức khoảng 90 USD/thùng. Điều này sẽ dẫn đến lạm phát nhiều hơn và tăng trưởng chậm lại.
Những rủi ro trước mắt khác bao gồm dòng người tị nạn gia tăng, chi phí bảo hiểm tăng và mối đe dọa đối với các quốc gia trong khu vực phụ thuộc vào thu nhập từ du lịch.
Rủi ro đối với tuyến thương mại
Một dự án khác đang gặp rủi ro là Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu (IMEC) được công bố tháng trước. Đây là một hành lang thương mại nối Ấn Độ với châu Âu thông qua Trung Đông. Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Israel đều đã ký một biên bản ghi nhớ về hành lang thương mại, cũng như một số nước châu Âu và Ấn Độ.
Điều này trước đây không thể thực hiện được vì mối quan hệ không tốt giữa Israel và Ả Rập Xê-út. Nhưng trước ngày 7/10, hai nước đã tiến rất gần đến việc bình thường hóa quan hệ. Hòa giải với Israel phù hợp với Tầm nhìn 2030 của Ả Rập Xê-út, vì nó sẽ cho phép Riyadh tiếp cận công nghệ của Israel, một thỏa thuận quốc phòng khả thi với Mỹ, và khả năng cấp phép cho chương trình hạt nhân dân sự của vương quốc Ả Rập hàng đầu này.
IMEC cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc hợp tác chặt chẽ hơn giữa Ả Rập Xê-út và Israel trong bối cảnh người Ả Rập đã cam kết chi 20 tỷ USD cho tuyến thương mại mới.
“Dòng chảy trơn tru của hàng hóa và vốn đầu tư từ phía Tây Ấn Độ Dương tới phía Đông Địa Trung Hải là yếu tố thay đổi cuộc chơi địa chính trị có thể lôi kéo các quốc gia khác trong tương lai”, ông Michaël Tanchum, thành viên cấp cao tại Viện Chính sách An ninh và Châu Âu của Áo, nói với DW về IMEC.
Tuy nhiên, sau vụ tấn công ngày 7/10 và việc Israel ném bom Dải Gaza, Ả Rập Xê-út cho biết họ đang tạm dừng quá trình bình thường hóa với quốc gia Do Thái.
Và IMEC có thể trở thành “tài sản thế chấp” cho thiệt hại, ông Herve Delphin, Đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) tại Ấn Độ, nói với truyền thông Ấn Độ trong tuần này. “Câu hỏi đặt ra là liệu đó là tài sản thế chấp tạm thời hay tài sản thế chấp vĩnh viễn”, ông Delphin nói và cho biết thêm rằng điều này sẽ phụ thuộc vào việc xung đột có leo thang hơn nữa hay không.
Mối đe dọa đối với một Trung Đông mới
Thái tử Ả Rập Xê-út MBS trước đây đã lập luận rằng sự ổn định trong khu vực là cần thiết để đạt được Tầm nhìn 2030. Và “chiến tranh là mối đe dọa đối với tầm nhìn của ông về một Trung Đông mới, như một trung tâm đầu tư ra nước ngoài, du lịch và thương mại tích hợp”, bà Young của Đại học Columbia đồng ý.
Giống như nhiều nhà quan sát khác, bà Young cũng tin rằng mặc dù quá trình bình thường hóa giữa Ả Rập Xê-út và Israel bị đình trệ do xung đột Gaza nhưng nó vẫn chưa chết.
Hôm 25/10, ngày thứ hai của FII, Bộ trưởng Tài chính Ả Rập Xê-út Mohammed al-Jadaan nói với những người tham dự hội nghị rằng đất nước ông không muốn cuộc xung đột ở Gaza làm hỏng kế hoạch của Ả Rập Xê-út. “Vì vậy, chúng tôi đang nỗ lực rất nhiều với các đối tác của mình để đảm bảo chúng tôi sẽ quay trở lại như cũ”, ông nói.
“Giới lãnh đạo Ả Rập Xê-út hiểu rằng vấn đề Palestine vẫn còn đè nặng lên ảnh hưởng trong nước và quốc tế, trong việc mặc cả với Mỹ và sự cạnh tranh của họ với các nước Hồi giáo khác”, bà Yasmine Farouk, một học giả không thường trú thuộc Chương trình Trung Đông tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết vào đầu tháng này.
Mặc dù vậy, bà Farouk kết luận, Ả Rập Xê-út có thể sẽ thực dụng hơn trong tương lai gần và sẽ hướng tới việc xây dựng sự đồng thuận trong khu vực.
Minh Đức (Theo DW, Reuters, Xinhua)