Trong bối cảnh xung đột vẫn đang tiếp diễn ở Dải Gaza ngay sát nách, người Ai Cập đi bỏ phiếu bầu Tổng thống trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 10/12.
Kết quả bầu cử dự kiến sẽ được công bố vào ngày 18/12, nhưng Tổng thống Ai Cập đương nhiệm Abdel Fattah el-Sisi – không phải đối mặt với đối thủ nặng ký nào – được cho là sẽ tái đắc cử và tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 của mình.
Ban đầu lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2013, ông El-Sisi có thể sẽ tiếp tục điều hành quốc gia Đông Bắc Phi này cho đến năm 2030, sau khi giới hạn nhiệm kỳ được điều chỉnh từ 4 năm lên thành 6 năm thông qua sửa đổi Hiến pháp vào năm 2019.
Nếu ông El-Sisi giành chiến thắng và tiếp tục điều hành quốc gia Ả Rập, các ưu tiên trước mắt của ông sẽ là kiềm chế lạm phát gần mức kỷ lục, quản lý tình trạng thiếu ngoại tệ kinh niên và ngăn chặn các tác động lan tỏa từ cuộc xung đột Israel-Hamas.
Ứng cử viên nổi bật nhất
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập năm nay, ông El-Sisi đối đầu với 3 ứng cử viên khác gồm: Ông Farid Zahran, người đứng đầu Đảng Dân chủ Xã hội đối lập; ông Abdel-Sanad Yamama, Chủ tịch Đảng Wafd cấp tiến; và ông Hazem Omar, người đứng đầu Đảng Nhân dân Cộng hòa.
Ông Ahmed Altantawy, ứng cử viên Tổng thống trẻ đầy tham vọng, đã bỏ cuộc sau khi không thu được đủ chữ ký cần thiết để ra tranh cử.
Trước khi cuộc bầu cử bắt đầu hôm 10/12, các bảng quảng cáo khổng lồ có hình ông El-Sisi có thể được nhìn thấy khắp thủ đô Cairo, lấn át bảng quảng cáo của 3 ứng cử viên còn lại.
Người ủng hộ coi đương kim Tổng thống Ai Cập như một sự đảm bảo cho sự ổn định trong bối cảnh hỗn loạn trong khu vực.
Đối với các đối tác phương Tây và những nước hậu thuẫn cho vùng Vịnh Ba Tư, cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Dải Gaza đã nêu bật vai trò quan trọng của Ai Cập với tư cách là kênh cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân sống trên dải đất này và là trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas.
Bản thân ông El-Sisi đã có cơ hội khẳng định mình là người đấu tranh cho chính nghĩa của người Palestine ở trong nước và là một nhà lãnh đạo khu vực không thể thiếu ở nước ngoài.
Nhà lãnh đạo Ai Cập đã đi bỏ lá phiếu của mình tại một điểm bỏ phiếu ở ngoại ô Heliopolis, Cairo ngay khi các điểm bỏ phiếu mở cửa lúc 9h sáng giờ địa phương (14h giờ Việt Nam) ngày 10/12. Ông El-Sisi đã không trả lời bất kỳ cuộc phỏng vấn nào trong chiến dịch tranh cử của mình.
Theo truyền thông địa phương, khoảng 67 triệu người Ai Cập đủ điều kiện bỏ phiếu. Kết quả chính thức cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào ngày 18/12.
Hiệu ứng từ xung đột ở Gaza
Sống ở một quốc gia nối giữa Đông Bắc Phi với Trung Đông, nhiều người Ai Cập đang bị thu hút sự chú ý khỏi các vấn đề trong nước và bận tâm với mối lo ngại vượt ra ngoài biên giới quốc gia của họ.
Cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống Ai Cập lần này đang bị lu mờ bởi cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine ở Dải Gaza, nơi có cửa khẩu Rafah thông sang phần Đông Bắc của Ai Cập.
Ở thủ đô Cairo những ngày này, cuộc tẩy chay đối với các công ty phương Tây liên quan đến việc hỗ trợ Israel vẫn đang lan truyền rộng rãi. Người dân Ai Cập – vốn đang phải vật lộn để trang trải những nhu cầu cơ bản sau gần 2 năm lạm phát kỷ lục – vẫn sẵn lòng mở hầu bao để giúp đỡ các nạn nhân của cuộc chiến ở Gaza.
Cô Aya Khalil, 34 tuổi, một giáo viên nghệ thuật, cho biết cô sẽ không mua bất cứ thứ gì trước khi kiểm tra xem nó có đến từ các thương hiệu phương Tây bị liệt vào “danh sách đen” vì ủng hộ Israel hay không.
“Việc tôi tẩy chay những thương hiệu này chỉ như giọt nước trong đại dương, nhưng tôi đang làm điều duy nhất tôi có thể làm”, cô Khalil nói.
Giống như nhiều người Ai Cập khác, cô Khalil đặt câu hỏi liệu chính phủ có làm đủ để bơm viện trợ vào Gaza hay không. Ai Cập đổ lỗi cho Israel vì đã hạn chế viện trợ. Nhưng những lời kêu gọi chấm dứt cuộc phong tỏa chung giữa Israel và Ai Cập đối với Gaza kéo dài 16 năm và yêu cầu Ai Cập ngừng trao cho Israel bất kỳ quyền quyết định nào đối với cửa khẩu nối giữa Ai Cập với Gaza đã tăng lên trong những tuần gần đây.
Nỗi đau từ khủng hoảng kinh tế
Tuy nhiên, Ai Cập không đủ khả năng để tuyệt giao với Israel, quốc gia đã phát triển mối quan hệ đối tác an ninh mạnh mẽ ở Bán đảo Sinai, hoặc kích động những nhà hậu thuẫn ở phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia Đông Bắc Phi này đang rất cần nguồn hỗ trợ tài chính từ đó.
Nhiều người Ai Cập tuyệt vọng trước bức tranh kinh tế tồi tệ và phải vay mượn hàng tháng chỉ để trả những khoản thiết yếu. Đường gần đây đã tăng giá gấp đôi ở một số nơi và lạm phát, vốn đã ở mức trên 35% hàng năm, dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu chính phủ phá giá đồng tiền chính thức của nước này là đồng Bảng Anh.
Giá trị chính thức của đồng tiền này đã giảm một nửa kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu vào đầu năm 2022. Nó có giá trị thấp hơn nhiều trên thị trường chợ đen.
Theo số liệu chính thức, Ai Cập đang ở giữa một cuộc khủng hoảng kinh tế, với khoảng 30% trong số 105 triệu dân sống trong cảnh nghèo đói.
“Hầu hết chúng tôi đều đã có gia đình và con cái, và bây giờ cầm 200 bảng trong tay, tôi có cảm giác như 20 bảng”, ông Ahmad Hassan, 43 tuổi, nhân viên bảo vệ ở khu dân cư Imbaba của tầng lớp lao động, cho biết.
“Chúng tôi đang bỏ phiếu cho ông ấy (ông El-Sisi)”, bà Sabreen Khalifa, một bà mẹ 40 tuổi của 5 đứa con ở Giza, cho biết. “Nhưng chúng tôi muốn ông ấy đưa giá cả đi xuống. Thực phẩm, thuốc men, tiền thuê nhà... tất cả đều đang rất đắt”.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 7/12 cho biết họ đang đàm phán với Ai Cập về nguồn tài chính bổ sung theo chương trình cho vay trị giá 3 tỷ USD hiện đang bị đình trệ do chậm trễ trong việc bán tài sản nhà nước và cam kết chuyển sang tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn.
“Tất cả các dấu hiệu cho thấy rằng các cải cách theo khuyến nghị của IMF sẽ được tiến hành khá nhanh chóng sau cuộc bầu cử”, ông Hany Genena, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Cairo Financial Holding, cho biết.
Minh Đức (Theo DW, NY Times, Reuters)