Các lực lượng Nga đã tiến hành một loạt cuộc tấn công ồ ạt bằng tên lửa nhằm vào hơn 20 thành phố Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kiev, trong ngày 10/10, với những thiệt hại về người và của vẫn chưa được xác định đầy đủ, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết.
Trong bản đánh giá tình hình chiến sự ngày 10/10, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington dẫn báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết, các lực lượng Nga đã phóng hơn 84 tên lửa hành trình và thực hiện 24 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV), 13 trong số đó được thực hiện bằng UAV Shahed-136 do Iran sản xuất.
Phòng không Ukraine đã bắn hạ 43 tên lửa hành trình, 10 UAV Shahed-136 và 3 UAV thuộc loại khác không xác định.
Các lực lượng Nga đã phóng tên lửa từ 10 máy bay ném bom chiến lược hoạt động ở Biển Caspi và từ hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Nizhny Novgorod, Iskander, và 6 tàu sân bay ở Biển Đen. Họ cũng đã phóng các UAV Shahed-136 từ Crimea và Belarus.
Truyền thông Ukraine đưa tin, các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đã đánh trúng 70 mục tiêu, bao gồm 29 cơ sở hạ tầng quan trọng, 4 tòa nhà cao tầng, 35 tòa nhà dân cư và một trường học.
Trong khi đó, phía Nga tuyên bố đã thực hiện “một cuộc tấn công lớn với vũ khí chính xác cao, tầm xa… vào các cơ sở năng lượng, chỉ huy quân sự và thông tin liên lạc ở Ukraine”.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố hôm 10/10 rằng họ đã đánh trúng tất cả các mục tiêu đã định. Reuters không thể xác minh độc lập các tuyên bố chiến trường.
Vài giờ sau đợt tấn công tên lửa lớn nhất và khốc liệt nhất kể từ đầu cuộc chiến, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo Nga sẽ phản ứng gay gắt nếu Kiev tiến hành thêm “các cuộc tấn công khủng bố” nhằm vào lãnh thổ và cơ sở hạ tầng của Nga.
“Không thể để (các cuộc tấn công của Ukraine) không có hồi đáp. Nếu các nỗ lực tấn công khủng bố tiếp tục, phản ứng từ Nga sẽ nghiêm trọng và tương ứng với mức độ đe dọa. Đừng nghi ngờ về điều này”, ông Putin tuyên bố hôm 10/10 khi bắt đầu cuộc họp được phát trên truyền hình với Hội đồng An ninh Quốc gia Nga.
Trước đó, hôm 9/10, người đứng đầu Điện Kremlin cáo buộc Ukraine đứng đằng sau vụ nổ làm hư hại cây cầu huyết mạch bắc qua eo biển Kerch, nối bán đảo Crimea với Tây Nam nước Nga.
Ông Putin cũng cáo buộc Ukraine đã tiến hành 3 cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Kursk ở Nga, cách biên giới Ukraine khoảng 85 km (53 dặm) và cố gắng tấn công đường ống dẫn khí TurkStream chạy từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ dưới Biển Đen.
Chưa đến ngưỡng đụng độ hạt nhân
Chuyên gia nói với Newsweek rằng các cuộc không kích của quân đội Nga vào các thành phố Ukraine có nguy cơ làm “trật bánh” cuộc phản công mà quân đội của Kiev đang tiến hành trên khắp các mặt trận.
Nếu các cuộc tấn công được tiến hành liên tục, chúng có thể kiềm chế đà tiến của Ukraine dọc theo các chiến tuyến mới hình thành.
“Mọi thứ phụ thuộc vào việc đây chỉ là một đợt tấn công đơn lẻ hay liệu Nga có thể duy trì các cuộc tấn công tương tự và tiếp tục nhắm mục tiêu vào nguồn điện, nước và cơ sở hạ tầng giao thông của Ukraine hay không”, ông Nikolas Gvosdev, giáo sư người Mỹ gốc Nga về các vấn đề an ninh quốc gia tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ và là thành viên cấp cao tại Hội đồng Carnegie, nói với Newsweek.
“Thiệt hại liên tục có thể hạn chế khả năng tiếp tế và tiếp viện của Ukraine. Thêm vào đó là dữ liệu và thông tin liên lạc có thể bị gián đoạn và động lực phía trước chắc chắn có thể bị chậm lại”.
Ngoài ra, các cuộc tấn công cũng có thể báo hiệu rằng chừng nào vũ khí hạt nhân vẫn chưa được Nga mang ra sử dụng, thì chừng đó ngưỡng can thiệp của phương Tây vẫn sẽ chưa bị chạm đến.
“Rõ ràng là chúng ta đang thấy một sự leo thang của các cuộc tấn công, nhưng nó vẫn dưới ngưỡng đụng độ hạt nhân”, vị chuyên gia này nhận định.
Lỗ hổng trong phòng thủ
Ngoài ra, loạt các cuộc không kích mới đây của Nga cũng phơi bày lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của Ukraine, từ đó tăng thêm áp lực lên các đồng minh phương Tây của Kiev trong việc chuyển giao nhiều hơn và nhanh hơn các công nghệ quân sự tiên tiến hơn.
Đức hôm 10/10 tuyên bố sẽ cung cấp hệ thống phòng không đầu tiên trong số 4 hệ thống phòng không mới cho Ukraine trong vòng vài ngày tới và thúc giục các quốc gia khác khẩn trương chi viện cho Kiev.
Nhưng mức độ rộng lớn của các cuộc tấn công của Nga chỉ ra rằng chính bản thân quân đội các nước châu Âu cũng có năng lực phòng không hạn chế, khiến họ lâm vào cảnh “lực bất tòng tâm”.
“Mặc dù các hệ thống phòng không của châu Âu có thể phần nào hỗ trợ Ukraine, nhưng chúng chỉ có tác dụng chiến thuật hạn chế”, ông William Reno, chủ nhiệm khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Northwestern (Mỹ), nói với Newsweek.
Trong bối cảnh này, áp lực lại gia tăng lên chính quyền Tổng thống Joe Biden, buộc Mỹ phải đẩy nhanh tiến độ bàn giao các hệ thống phòng không tiên tiến có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình Nga mà Kiev đã mong đơi từ lâu.
Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố hôm 10/10 rằng Tổng thống Biden đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy ngay sau khi các cuộc không kích diễn ra và ông Biden “cam kết tiếp tục cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ cần thiết để tự vệ, bao gồm cả các hệ thống phòng không tiên tiến”, nhưng không nói rõ là hệ thống phòng không nào.
Tuy nhiên, trước đó Mỹ đã cam kết cung cấp Hệ thống Tên lửa Đất đối không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS), dự kiến sẽ đến tay Ukraine vào cuối tháng 11.
Khi được hỏi liệu các cuộc tấn công trong 24 giờ qua có thay đổi tính toán về những gì Washington sẽ xem xét cung cấp cho Kiev hay không, một quan chức Mỹ cấp cao cho biết, chưa có thông báo nào về vấn đề đó, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không tầm gần và tầm xa, như họ đã làm trước đây.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết, việc trợ giúp nhiều hơn cho Ukraine làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến rộng lớn hơn.
Ông Antonov nói với truyền thông: “Sự hỗ trợ như vậy, cũng như cung cấp cho Kiev thông tin tình báo, hướng dẫn viên và hướng dẫn chiến đấu, dẫn đến leo thang hơn nữa và làm tăng nguy cơ đụng độ giữa Nga và NATO”.
Hồi kết của cuộc xung đột?
Cuộc chiến ở Ukraine đang nóng hơn từng ngày với nhiều động thái mang tính bước ngoặt, bao gồm việc ông Putin ban hành lệnh tổng động viên một phần.
Bản cập nhật tình báo từ Bộ Quốc phòng Anh hôm 10/10 đánh giá rằng các lực lượng Nga đã hứng chịu thương vong nặng nề trong nhiều tháng, và vài tuần gần đây cũng không ngoại lệ. Do đó, phía Nga phải viện đến nhiều chiến lược để tăng quân số.
Trong khi đó, truyền thông Nga hạ thấp ưu thế về người của phía Ukraine. Hãng thông tấn Nga RIA, trong một bài báo gần đây, cho rằng “quân đội Ukraine đã nói về sự không sẵn sàng của các lực lượng vũ trang Ukraine cho mùa đông”. Bài báo chủ yếu đề cập đến việc quân đội Ukraine thiếu quân nhu thích hợp trong những tháng mùa đông lạnh giá.
Cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine hồi đầu tháng này đánh giá: “Vào đầu năm tới, cuộc chiến với Nga sẽ lắng xuống, và sau mùa đông, xung đột kết thúc sẽ bắt đầu bằng việc tiếp cận biên giới hành chính của Ukraine năm 1991. Nhiều khả năng các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ tiến vào lãnh thổ Bán đảo Crimea vào cuối mùa xuân năm 2023”.
Báo cáo trên dẫn lời ông Kyrylo Budanov, Cục trưởng Cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, người gần đây vừa có bài phát biểu trên truyền hình Ukraine.
“Không có gì phải sợ khi Nga tổng động viên quân sự. Trên thực tế, đó là một món quà đối với chúng tôi. Điều này sẽ chỉ đẩy nhanh quá trình, vốn đã không thể dừng lại”, ông Budanov bổ sung.
Minh Đức (Theo Newsweek, Reuters, WSJ, Jerusalem Post)