Xung đột Nga-Ukraine đang củng cố vai trò của châu Á và Trung Đông với tư cách là những nhà cung cấp nhiên liệu chính của thế giới, bao gồm dầu diesel và xăng - vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Khi châu Âu và Mỹ tìm cách thoát hoàn toàn phụ thuộc vào các sản phẩm dầu mỏ của Nga, họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung trong nước. Điều đó đang mở ra cơ hội cho các nhà máy lọc dầu lớn ở những nơi như Trung Quốc và Kuwait chiếm lĩnh thị trường với các sản phẩm nhiên liệu.
“Khi quay lưng với các sản phẩm dầu mỏ của Nga, châu Âu và Mỹ đang gia tăng sự phụ thuộc vào các thùng dầu vận chuyển đường dài từ Trung Đông và châu Á”, ông Eugene Lindell, người đứng đầu bộ phận các sản phẩm tinh chế tại công ty tư vấn công nghiệp FGE có trụ sở tại London, cho biết.
Dòng chảy dầu Đông – Tây
Xung đột Nga-Ukraine đang làm nổi bật hơn khoảng cách trong của ngành công nghiệp lọc dầu ở phương Tây và phần kia của thế giới.
Các thị trường phương Tây, bao gồm châu Mỹ và châu Âu, đã đóng cửa công suất lọc dầu ròng 2,4 triệu thùng/ngày trong 3 năm qua, trong khi Trung Đông và châu Á tăng thêm 2,5 triệu thùng/ngày, FGE cho biết.
Theo đó, khoảng cách này dự kiến sẽ mở rộng. Theo ước tính của Rystad Energy, khoảng 8 triệu thùng/ngày trong công suất lọc dầu mới sẽ được đưa vào hoạt động trong 3 năm tới, với châu Á chiếm phần nhiều nhất và châu Âu chiếm phần ít nhất.
Mỹ đang làm rất nhiều để thu hẹp khoảng cách. Nhưng các nhà máy lọc dầu của họ cũng đã đạt giới hạn khi hoạt động với công suất trung bình 93%, cao hơn nhiều so với mức 85% được coi là bền vững.
“Chúng ta sẽ thấy châu Á và Trung Đông ngày càng trở thành những nhà cung cấp nhiên liệu lớn cho thế giới”, ông Mukesh Sahdev, người đứng đầu bộ phận hạ nguồn của Rystad Energy, cho biết, đồng thời bổ sung rằng dòng chảy Đông-Tây của các sản phẩm lọc dầu “sẽ trở nên mang tính cấu trúc hơn”.
Bước chuyển lớn trong ngành lọc dầu toàn cầu đã diễn ra nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch, khi các nhà máy cũ bị đóng cửa theo sau các đợt phong tỏa toàn cầu vì Covid, đã làm giảm nhu cầu dầu mỏ. Kể từ đó, Trung Quốc đã xây dựng các nhà máy lọc dầu lớn hơn và tinh vi hơn để đáp ứng nhu cầu dầu ngày càng tăng của chính nước họ, trong khi Mỹ và châu Âu tập trung vào việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Mức tiêu thụ nhiên liệu như xăng và dầu diesel ở Mỹ và châu Âu sẽ tăng trưởng trước châu Á, ông Victor Shum, phó chủ tịch tư vấn năng lượng của S&P Global Commodity Insights có trụ sở tại Singapore, cho biết.
Nhiều dự án lọc dầu mới ở châu Á cũng đã được xây dựng do nhu cầu hóa dầu ngày càng tăng của khu vực, ông Shum nói.
Tình huống căng thẳng
Xung đột Nga-Ukraine và các biện pháp trừng phạt theo sau của các quốc gia phương Tây đối với nguồn cung cấp nhiên liệu của họ đã gây bất ngờ cho thị trường năng lượng toàn cầu, với những lo ngại về an ninh nhiên liệu hiện đang chiếm vị trí trung tâm đối với các quốc gia không có đủ năng lực lọc dầu.
Trong hoàn cảnh này, bất kỳ sự cố ngừng hoạt động nào của nhà máy lọc dầu do công nhân đình công hoặc đóng cửa bất ngờ sẽ còn được cảm nhận sâu sắc hơn trên khắp các thị trường.
“Các chính phủ châu Âu và công dân của họ phải đối mặt với các hóa đơn điện đắt đỏ và lạm phát tăng cao hiện đang ưu tiên giải quyết vấn đề trong ngắn hạn vài năm tới thay vì năm 2040-2050”, ông Lindell của FGE cho biết.
Phương Tây đang cảm thấy căng thẳng vì có ít nhà máy lọc dầu hơn. Theo dự báo của Wood Mackenzie Ltd., dự trữ dầu diesel của Tây Bắc Âu đang giảm dần và sẽ đạt mức thấp nhất vào đầu mùa xuân, khi Liên minh châu Âu (EU) tìm cách cắt giảm nhập khẩu nhiên liệu của Nga bằng đường biển vào tháng 2 tới.
Trong khi đó, tình trạng thiếu dầu diesel và xăng ngày càng gia tăng ở Bờ Đông Hoa Kỳ đang thúc đẩy Tổng thống Joe Biden xem xét yêu cầu các công ty dầu mỏ dự trữ nhiều nhiên liệu hơn trong nước. Ông Sahdev của Rystad cho biết, tình trạng khan hiếm xăng có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn vào mùa lái xe cao điểm là mùa hè.
Châu Mỹ Latinh trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu khi một số nhà máy lọc dầu ở Caribe đóng cửa, và các cơ sở ở Venezuela và Mexico tiếp tục gặp phải tình trạng thiếu hụt đáng kể và công suất hoạt động thấp, theo ông John Auers, giám đốc điều hành tại RBN Energy.
Việc vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ từ Đông sang Tây, qua những quãng đường dài hơn, đang làm tăng mạnh chi phí vận chuyển và thúc đẩy thu nhập của các đội tàu chở dầu tăng lên. Theo dữ liệu của Vortexa Ltd., khối lượng nhiên liệu được vận chuyển bằng đường biển cao hơn 3% so với mức trung bình trong 5 năm qua, dẫn đầu là dầu diesel từ châu Á và Trung Đông đến châu Âu.
Và khối lượng có thể tăng lên khi châu Âu cấm hoàn toàn nguồn cung từ Nga, bà Serena Huang, nhà phân tích hàng đầu châu Á của Vortexa cho biết.
Chắc chắn, Mỹ vẫn là nhà xuất khẩu dầu diesel lớn và những nỗ lực tăng cường an ninh năng lượng có thể giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt, nhưng các nhà phân tích không thấy khoảng cách công suất sẽ sớm được thu hẹp.
“Chúng ta sẽ thấy một chính sách năng lượng thực tế hơn trong tương lai, nhưng kế hoạch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch vẫn còn đó”, ông Lindell của FGE cho biết. “Hiện tại, trọng tâm chỉ là ngắn hạn và trung hạn, thay vì dài hạn”.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Economist)