"Chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine, khai màn vào tháng 2/2022, đang làm tăng nhu cầu về đồng. Thông tin trên được trang Fastmarkets đưa hôm 8/7, dẫn các nguồn thạo tin.
Sở dĩ như vậy vì quá trình sản xuất hầu hết các loại đạn dược đều cần đến đồng và điều dễ thấy là vỏ đạn được làm bằng đồng thau – một hợp kim của đồng và kẽm.
"Mỗi ngày, cuộc chiến tiêu tốn rất nhiều tấn đồng. Khi chiến sự kết thúc, sẽ có một mỏ đồng mới ở Ukraine chứa phế liệu đồng", một nhà sản xuất nói với Fastmarkets. "Điều này đang làm tăng nhu cầu về đồng thau".
Trong khi cuộc xung đột Nga-Ukraine đã bước sang năm thứ 3, có vẻ như các nhà máy sản xuất đạn dược mới chỉ phản ứng gần đây.
Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, Moscow và Kiev đã lôi từ trong kho dự trữ ra hầu hết các khí tài quân sự có từ thời Liên Xô.
Trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột kéo dài, cả hai bên đều sử dụng ngày càng nhiều nguồn cung từ các đồng minh quốc tế, khiến kho dự trữ ở các quốc gia đó cũng cạn kiệt.
Khi hàng cũ đã hết, giờ đây, các nhà máy sản xuất đạn dược trên khắp thế giới đang tăng cường sản xuất hàng mới để bù lấp khối lượng đã mang ra sử dụng.
Lấy đạn pháo 155 mm của NATO làm ví dụ. Một quả đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn NATO chứa 0,5 kg đồng. Các lực lượng Ukraine đang bắn tới 7.000 quả đạn pháo như vậy mỗi ngày, theo Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA).
Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), một tổ chức tư vấn quốc phòng của Vương quốc Anh, cho biết loại đạn tương đương của Nga là đạn pháo 152 mm.
Mặc dù không thể có được con số chính xác, nhưng RUSI cùng với các tổ chức nghiên cứu quốc phòng khác và hàng loạt quan chức an ninh phương Tây ước tính rằng Nga đang bắn hàng triệu quả đạn pháo mỗi năm.
Theo công ty tư vấn Bain & Company, Nga sản xuất 4,5 triệu quả đạn pháo mỗi năm, tăng sản lượng thêm 150% trong 12 tháng qua.
Các nhà máy ở Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh cũng đang tăng cường sản xuất đạn dược. Bloomberg ước tính, Mỹ sản xuất trung bình 14.400 quả đạn pháo mỗi tháng trước khi xung đột bùng phát ở Ukraine hơn 2 năm trước.
Tuy nhiên, ấn phẩm chuyên ngành công nghiệp quốc phòng Defence One cho biết, Washington đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 100.000 quả đạn pháo hàng tháng vào cuối năm 2025.
"Chiến tranh có lợi cho ngành kinh doanh kim loại", nhà phân tích Andy Farida của Fastmarkets cho biết. "Một phần lý do khiến giá đồng ổn định ở mức cao trong khi các kim loại cơ bản khác thì không, có thể là do nhu cầu gia tăng do cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine".
Nhu cầu đồng dùng cho mục đích quân sự của ngành công nghiệp này đã trở thành tâm điểm chú ý trong những năm gần đây.
"Châu Âu đang tái vũ trang; Nhật Bản đang tái vũ trang. Quân đội Mỹ lo ngại về tình trạng thiếu đạn pháo 155 mm. Bạn nghĩ quân đội thế giới được tạo ra từ đâu khi tất cả các vụ nổ súng vẫn tiếp diễn?", ông "trùm" khai thác mỏ Robert Friedland nói với Bloomberg gần đây.
"Nếu ai đó chĩa súng vào bạn, bạn cần có đạn đồng để bắn trả", ông Friedland cho hay.
Minh Đức (Theo Mining.com, Fastmarkets)