Nắm chặt những chiếc vali chật cứng hành lý, những người dân thường với đôi mắt lờ đờ thiếu ngủ đã mô tả hành trình thoát khỏi “chảo lửa” xung đột ở Sudan là một cuộc chạy trốn táo bạo và kiệt quệ, đồng thời không thôi thổn thức trước những ký ức về các cuộc không kích và giao tranh đô thị.
Những phụ nữ lớn tuổi ngồi xe lăn và trẻ sơ sinh ngủ trong vòng tay của cha mẹ là một trong số gần 200 người từ 14 quốc gia vừa băng qua Biển Đỏ trên một con tàu khu trục hải quân, an toàn đến thành phố ven biển Jeddah của Ả Rập Xê-út vào đêm hôm 24/4.
“Chúng tôi đã di chuyển một quãng đường dài từ Khartoum đến Port Sudan, mất khoảng 10-11 giờ”, anh Suhaib Aicha, quốc tịch Lebanon, người đã điều hành một nhà máy nhựa ở Sudan hơn một thập kỷ, cho biết.
“Chúng tôi mất thêm 20 giờ nữa trên con tàu này từ Port Sudan đến Jeddah”, anh Aicha nói với hãng thông tấn AFP khi cô con gái nhỏ khóc trên vai anh.
“Có rất nhiều khoảnh khắc khó khăn, tất cả đều là sợ hãi, căng thẳng và lo lắng”, một nữ hành khách cũng mang quốc tịch Lebanon, cho biết. “Chúng tôi không ngủ, không ăn không uống. Chúng tôi đã sống qua nhiều ngày khó khăn”.
72 giờ ngừng bắn
Giao tranh bùng phát ở thủ đô Khartoum và các thành phố khác của Sudan từ ngày 15/4 giữa các lực lượng trung thành với Tướng Abdel Fattah al-Burhan – Tư lệnh quân đội Sudan (SAF), và lực lượng bán quân sự hùng hậu (RSF) của Tướng Mohamed Hamdan Dagalo (còn được gọi là Hemedti).
Theo các cơ quan của Liên Hợp Quốc (LHQ), xung đột ở Sudan đã khiến ít nhất 427 người đã thiệt mạng và hơn 3.700 người bị thương, và nhiều người hiện đang vật lộn với tình trạng thiếu nước, thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu trầm trọng cũng như mất điện và Internet.
Sau chục ngày giao tranh, tình hình ở Sudan qua đêm đã dịu đi sau khi hai lực lượng đối địch đồng ý ngừng bắn trong 72 giờ, nhưng nhân chứng của hãng thông tấn Reuters cho biết họ có thể nghe thấy tiếng súng vào đầu ngày 25/4 trong khi các quốc gia Ả Rập, châu Á và phương Tây đang chạy đua để đưa công dân của họ ra khỏi đất nước.
Lực lượng SAF của Tướng al-Burhan cho biết, Mỹ và Ả Rập Xê-út đã làm trung gian cho lệnh ngừng bắn. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken là người đầu tiên công bố thỏa thuận vào cuối ngày 24/4, và cho biết thỏa thuận này diễn ra sau 2 ngày đàm phán căng thẳng. Hai bên trong cuộc xung đột đã không tuân thủ một số thỏa thuận đình chiến tạm thời trước đó.
“Trong thời gian này, Mỹ kêu gọi SAF và RSF ngay lập tức tuân thủ đầy đủ lệnh ngừng bắn”, ông Blinken cho biết trong một tuyên bố.
“Lệnh ngừng bắn này nhằm mục đích thiết lập các hành lang nhân đạo, cho phép công dân và người dân tiếp cận các nguồn lực thiết yếu, chăm sóc sức khỏe và các khu vực an toàn, đồng thời sơ tán các cơ quan ngoại giao”, lực lượng RSF của Tướng Dagalo cho biết trên Twitter.
Tuy nhiên, nhân chứng của Reuters cho biết thỉnh thoảng anh này lại nghe thấy tiếng súng ở thành phố Omdurman gần thủ đô Khartoum sau một khoảng thời gian tương đối yên tĩnh qua đêm.
Theo truyền thông địa phương, giao tranh giữa SAF và RSF vẫn xảy ra ở Geneina, thủ phủ bang Tây Darfur.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo rằng Sudan đang ở “bờ vực thẳm” và bạo lực “có thể nhấn chìm toàn bộ khu vực và xa hơn nữa”. Ông kêu gọi Hội đồng Bảo an (UNSC) – dự kiến nhóm họp về tình hình Sudan vào ngày 25/4 – sử dụng ảnh hưởng của mình để đưa quốc gia lớn thứ 3 châu Phi trở lại con đường chuyển đổi dân chủ.
Bộ Ngoại giao Ai Cập hôm 24/4 cho biết trợ lý tùy viên hành chính tại Đại sứ quán của họ đã thiệt mạng trong một cuộc giao tranh ở Khartoum “khi ông đang lái xe đến Đại sứ quán để theo dõi các thủ tục sơ tán người Ai Cập mắc kẹt ở Sudan”.
“Đòn bẩy” Ả Rập
Ả Rập Xê-út tuyên bố sơ tán dân thường thành công đầu tiên khỏi Sudan hôm 22/4, chào đón 150 người bao gồm các nhà ngoại giao và quan chức nước ngoài ở Jeddah.
Hôm 24/4, một chiếc máy bay quân sự C-130 Hercules đã chở hàng chục thường dân Hàn Quốc, trong số đó có một em nhỏ và một nữ tu trong bộ trang phục màu xanh trắng, đến Căn cứ Không quân King Abdullah ở Jeddah.
Tổng cộng cho đến nay, 356 người đã được sơ tán đến quốc gia Vùng Vịnh từ Sudan, bao gồm 101 người Ả Rập và 255 người nước ngoài từ hơn 20 quốc gia, cơ quan thông tấn chính thức của Ả Rập Xê-út SPA đưa tin.
Truyền thông nhà nước Ả Rập Xê-út đã đưa tin tường tận về hoạt động này cũng như những lời bày tỏ lòng biết ơn từ các quốc gia có công dân được hưởng lợi.
Khi tàu khu trục hải quân tiến đến cảng Jeddah vào tối 24/4, kênh truyền hình nhà nước Al-Ekhbariya đã phát hình ảnh các hành khách vẫy tay và mỉm cười, trong khi những người khác ghi lại cảnh này trên điện thoại thông minh của họ.
Nhìn chằm chằm vào máy ảnh, một người đàn ông Ả Rập Xê-út một tay vẫy quốc kỳ Ả Rập Xê-út, tay kia cầm cuốn hộ chiếu màu xanh lá cây và tuyên bố: “Đây là tấm hộ chiếu mạnh nhất thế giới”.
Viết trên tờ báo tư nhân Okaz, nhà bình luận Abdo Khal cho biết việc Ả Rập Xê-út tương đối nhanh chóng tổ chức các chuyến bay và chuyến tàu sơ tán đã làm nổi bật “giá trị quốc tế” của vương quốc này.
Còn ông Umar Karim, một chuyên gia về chính trị Ả Rập tại Đại học Birmingham (Anh), cho biết: “Chắc chắn điều này cho thấy Ả Rập Xê-út háo hức muốn trở thành một nhân tố trung tâm trong các tình huống khủng hoảng khu vực và tận dụng đòn bẩy mà họ có đối với cả hai bên trong cuộc xung đột này”.
Nhưng các quan chức Ả Rập Xê-út đang chịu áp lực phải làm nhiều hơn là tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán, do họ có quan hệ thân thiết với cả Tướng al-Burhan và Tướng Dagalo.
“Ả Rập Xê-út là một bên đóng vai trò quan trọng trong thỏa thuận ngừng bắn ở Sudan”, chuyên gia Alan Boswell của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) nói với AFP. “Các chính phủ châu Phi và phương Tây đang tìm đến Riyadh để được giúp đỡ trong việc thuyết phục quân đội Sudan về cơ hội đàm phán”.
Minh Đức (Theo France24, Al Jazeera, Reuters)